Ngày 16/1: Lên phương án kiểm soát bệnh truyền nhiễm, tuyên truyền phòng bệnh và phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu

Tin y tế 16/01/2023 08:16

Công văn mới tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, giám sát phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời ổ dịch, công tác vệ sinh môi trường cần được kiểm soát chặt chẽ.

Theo Thanh Niên, trước tình hình các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gia tăng trong dịp tết, Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh năm 2023.

Tại công văn này, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo CDC Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh (Covid-19, bạch hầu, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng…); giám sát phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời ổ dịch, giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Ngày 16/1: Lên phương án kiểm soát bệnh truyền nhiễm, tuyên truyền phòng bệnh và phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu - Ảnh 1
Chủ động phòng chống dịch truyền nhiễm. Ảnh: Internet

Đồng thời CDC Hà Nội cần tăng cường công tác kiểm dịch y tế quốc tế, kiểm soát hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch, vùng có ổ dịch cũ. Chủ động hoàn thiện các phương án phòng chống dịch, chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện cho công tác phòng chống dịch, sẵn sàng bao vây, khống chế ổ dịch tại cộng đồng. Chỉ đạo chuyên môn các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trong công tác phòng chống dịch và tiêm chủng mở rộng.

Các bệnh viện trong và ngoài công lập trực thuộc Sở Y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ ân cần, chu đáo phục vụ bệnh nhân. Tăng cường rà soát, xây dựng các phương án phòng chống dịch tại cơ sở khám chữa bệnh, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc điều trị, làm tốt công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.

Sở Y tế cũng yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, giám sát phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có). Tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường phòng chống dịch tại cộng đồng; chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất cho công tác phòng chống dịch tại cộng đồng.

Tại Việt Nam, biến thể phụ XBB đã xuất hiện tại Tây Ninh và TPHCM (triệu chứng như trước đây, chưa có trường hợp nặng do nhiễm biến thể này). Tuy nhiên do nhiều nước thay đổi về chính sách phòng chống dịch, thời điểm sát Tết nên giao thương đi lại nhiều, thời tiết giao mùa khiến cho cùng với COVID-19, nhiều dịch bệnh khác cũng dự báo gia tăng.

Theo ông Hoàng Quốc Hương – Giám đốc Sở Y tế Lào Cai chia sẻ trên Báo Sức khỏe và đời sống, từ ngày 28/1/2020 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 184.000 ca mắc COVID-19, có 40 trường hợp tử vong là người cao tuổi, không tiêm vaccine. Từ đầu năm 2023 đến nay, mỗi ngày tỉnh chỉ ghi nhận 1-2 ca mắc, hiện chỉ còn 3 trường hợp đang theo dõi, giám sát tại nhà, không có biểu hiện triệu chứng nặng.

“Ở khu vực nội địa, vai trò quan trọng trong phòng chống dịch nói chung, COVID-19 nói riêng là của CDC, còn khu vực cửa khẩu vai trò của kiểm dịch y tế quốc tế quan trọng. Do đó 2 đơn vị này cần phối hợp chặt chẽ, sát sao để sẵn sàng hỗ trợ nhau kích hoạt nhanh trong phòng chống dịch”.

Ngày 16/1: Lên phương án kiểm soát bệnh truyền nhiễm, tuyên truyền phòng bệnh và phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu - Ảnh 2
Kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu. Ảnh: Internet

Lào Cai là địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao trên toàn quốc. Hiện có trên 14.000 người đã tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 qua 6 tháng. Tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ Y tế về nguồn vaccine Pfizer để tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 – dưới 18 tuổi.

Đại diện ngành y tế Lào Cai cũng cho biết hiện nay vẫn cơ bản đảm bảo đủ hậu cần, trang thiết bị và phương tiện phòng chống dịch COVID-19 dịp Tết và sau đó ít nhất 2 tháng. Ngành y tế chuẩn bị 50 giường hồi sức tích cực, gần 800 giường bệnh 2 tầng sẵn sàng đáp ứng cho phòng chống dịch trong tình huống ca bệnh tăng nhanh.

Về các giải pháp phòng dịch bệnh qua biên giới, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết, đơn vị thường xuyên giữ liên lạc với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu Hà Khẩu - Trung Quốc, chủ động nắm thông tin, tình hình, chủ trương, chính sách của nước bạn trong việc tổ chức thông quan trở lại các cửa khẩu, lối mở biên giới. Từ đó kịp thời báo cáo cấp trên để triển khai thực hiện. Đơn vị chuẩn bị đầy đủ lực lượng cán bộ kiểm dịch y tế, phương tiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, hóa chất phòng, chống dịch. Chủ động chuẩn bị truyền thông về phòng, chống dịch tại cửa khẩu, lối mở dưới nhiều hình thức, ưu tiên khu vực đông người qua lại.

Tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu Nội Bài, bao gồm việc khai báo và sàng lọc tiền sử dịch tễ, kiểm tra thân nhiệt… nhằm phát hiện sớm, áp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống dịch phù hợp ngay từ ban đầu, hạn chế đến mức thấp nhất dịch phát tán ra cộng đồng; sẵn sàng triển khai các biện pháp kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố trong trường hợp cần thiết.

 

Thực hư đeo khẩu trang gây ngộ độc carbon dioxide?

Thói quen đeo khẩu trang hàng ngày, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh được cảnh giác. Tuy nhiên, có khá nhiều tin đồn ‘kỳ lạ’ về khẩu trang.

TIN MỚI NHẤT