Loại nấm khiến 3 người ngộ độc tử vong sau bữa trưa: Hình dạng giống nấm rơm, nhưng độc tố gây chết người dù chỉ ăn nửa cây

Tin y tế 16/08/2023 16:15

3 trong số 4 người ăn bữa trưa đãi khách tại nhà có các triệu chứng ngộ độc nấm tử thần.

Theo Sức khỏe Đời sống dẫn nguồn từ CNN Health, cô Erin Patterson, 48 tuổi đã nấu bữa trưa đãi bố mẹ chồng cũ Don và Gail Patterson cùng hai người bác bên nhà chồng khi họ tới chơi nhà ở thị trấn Leongatha vào ngày 29/7, theo Cảnh sát bang Victoria.

Cô Erin Patterson tâm sự, cô cảm thấy rất đau buồn và sốc trước cái chết của những người thân và muốn điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ việc đau buồn trên. Erin Patterson cũng cho biết cô đã mua nấm để làm món ăn từ hai cửa hàng riêng biệt.

Trong số 4 người họ hàng tới ăn trưa, 3 người đã tử vong với các triệu chứng ngộ độc nấm tử thần (tên khoa học của loài nấm độc này là Amanita phalloides), cảnh sát cho biết trong một cuộc họp báo. 1 người còn lại vẫn đang trong tình trạng nguy kịch trong bệnh viện. 

Loại nấm khiến 3 người ngộ độc tử vong sau bữa trưa: Hình dạng giống nấm rơm, nhưng độc tố gây chết người dù chỉ ăn nửa cây  - Ảnh 1
Loại nấm khiến 3 người tử vong 

Cô Erin Patterson khẳng định đã mua nấm khô từ một cửa hàng tạp hóa châu Á ở Melbourne vài tháng trước và nấm tươi từ một chuỗi siêu thị gần đây.

Cô cho biết đã dùng hai loại nấm trên để làm món thịt bò Wellington đãi khách trong bữa trưa  tại nhà.

"Tôi rất đau lòng khi nghĩ tới món ăn  đã gây ngộ độc cho những người thân yêu của tôi. Tôi không có lý do gì để làm tổn thương những người mà tôi thực sự yêu thương", cô Erin Patterson nói.

Thịt bò Wellington là một món ăn phương Tây được làm khá cầu kỳ. Để làm món này, cần một tảng thịt thăn bò dài cuốn bên trong với nhân pa-tê hoặc nấm.

Cảnh sát hiện đang kiểm tra pháp y để điều tra vụ ngộ độc trên.

Nấm tử thần có tên khoa học là Amanita phalloides (hay gọi tắt là A. phalloides), loài nấm mũ này thường biết đến với tên gọi là nấm tử thần hay nấm mũ tử thần. Đây là loài nấm độc thường mọc trên những cây họ tùng bách. Do dễ thích nghi, loài nấm này có thể mọc trên cây sồi, cây hạt dẻ và cây thông. Loài nấm này thường xuất hiện vào mùa hè và mùa thu.

Nguy hiểm hơn, loài nấm độc này trông rất giống với nấm rơm mà mọi người hay ăn nên có thể dẫn đến ngộ độc chết người. Độc tố amatoxin có trong loài nấm này có khả năng chịu nhiệt cao, vì vậy độc tính không giảm đi khi nấm được nấu chín. 

A. phalloides là một trong những loài nấm độc nhất được biết đến. Ước tính, chỉ nửa cây nấm chứa độc tố có thể giết  một người trưởng thành. 

Dẫn tin từ VietNamNet, ngộ độc nấm thường xảy ra cả gia đình, nguy cơ tử vong rất cao nhất là ăn phải loại chứa độc tố Amatoxin.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết, hàng nghìn loại nấm có thể ăn được nhưng cũng có loại gây độc. Nấm độc có nhiều loài với hình thái, độc tố khác nhau. Thời tiết mưa rất thuận lợi cho các loại nấm phát triển cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm. Người dân nhầm lẫn nấm độc và nấm ăn được.

Loại nấm khiến 3 người ngộ độc tử vong sau bữa trưa: Hình dạng giống nấm rơm, nhưng độc tố gây chết người dù chỉ ăn nửa cây  - Ảnh 2
Nhiều loại nấm có độc vô cùng nguy hiểm - Ảnh: VietNamNet

Trên thế giới, số ca ngộ độc nấm chiếm khoảng 2,1%, người bệnh tử vong do suy gan, suy thận, suy đa phủ tạng. Ở Việt Nam, tỷ lệ tử vong ngộ độc nấm cao. Từ các vụ ngộ độc nấm xảy ra cho thấy nấm thường được lấy về chế biến thành các món ăn cho cả gia đình, do đó thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm tập thể.

Bác sĩ Dũng cho biết rất nhiều gia đình được đưa xuống tới Trung tâm Chống độc gồm 4-5 người và có người đã tử vong ở địa phương. Thậm chí, trường hợp gia đình ở Trà Lĩnh, Cao Bằng, có 9 người cùng ăn nấm thì tới 8 người chết. Để phòng ngộ độc, cách tốt nhất là không ăn nấm tự nhiên. Bởi bác sĩ Dũng cho biết xác định nấm có độc hay nấm ăn được rất khó, ngay kể cả các chuyên gia về nấm khó nhìn bằng mắt thường. Chuyên gia này khuyến cáo người dân chỉ ăn nấm tự trồng hoặc mua ở các công ty sản xuất nuôi trồng.

Bộ Y tế cảnh báo tình trạng bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc dịp Tết Trung thu

Ngày 15/8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát đi cảnh báo về việc bánh kẹo nhập lậu, không rõ xuất xứ dịp Trung thu.

TIN MỚI NHẤT