Bị đau bụng, táo bón, đi khám phát hiện ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn, 6 dấu hiệu cảnh báo sớm đừng bỏ qua

Tin y tế 30/03/2023 12:11

Có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị, đi đại tiện phân táo khoảng 1 tháng, người đàn ông đi khám thì phát hiện ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn. Dấu hiệu nào giúp phát hiện sớm bệnh?

Đau bụng, táo bón - Dấu hiệu cảnh báo ung thư

Bệnh nhân T.V.X. (57 tuổi, ở Quảng Ninh) xuất hiện tình trạng đau bụng thượng vị, đại tiện phân táo khoảng 1 tháng.

Bệnh nhân đến BV Bãi Cháy thăm khám thì được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng sigma - trực tràng cao giai đoạn muộn xâm lấn niệu quản phải. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật điều trị cho người bệnh.

Quá trình mở ổ bụng thăm dò, các bác sĩ phát hiện đại tràng sigma - trực tràng cao có khối u kích thước 5x6cm cứng chắc, chiếm toàn bộ chu vi đại tràng, u xâm lấn gây giãn niệu quản phải, xâm lấn ruột thừa, nằm sát bó mạch chậu phải, hạch mạc treo đại trực tràng cứng chắc.

Ekip phẫu thuật đã tiến hành cắt đoạn đại tràng sigma – trực tràng có khối u, đoạn niệu quản phải và ruột thừa thành một khối, nạo vét hạch, sau đó tạo hình lại niệu quản phải, làm miệng nối đại trực tràng. Sau phẫu thuật 7 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định, cần được hóa trị bổ trợ.

Theo ThS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Ung bướu 1, BV Bãi Cháy, ung thư đại trực tràng không được phát hiện sớm có thể khiến cho các tế bào ung thư phát triển nhanh và mạnh đồng thời lan sang các cơ quan khác của cơ thể.

Trường hợp của bệnh nhân X. là một ca phẫu thuật có độ khó và phức tạp cao do ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn xâm lấn các cơ quan lân cận như niệu quản, ruột thừa.

Vì vậy, phẫu thuật viên phải thực hiện nhiều phẫu thuật trong một thì là cắt u nằm ở đại tràng, trực tràng cùng đoạn niệu quản phải, ruột thừa bị xâm lấn, đồng thời kiểm soát tốt các nguy cơ biến chứng như chảy máu, rò bục miệng nối, nhiễm trùng vết mổ…

Bị đau bụng, táo bón, đi khám phát hiện ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn, 6 dấu hiệu cảnh báo sớm đừng bỏ qua - Ảnh 1
Bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng được bác sĩ thăm khám sau phẫu thuật
Ung thư đại trực tràng là gì?

Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa nguy hiểm thường gặp trên thế giới, có tỷ lệ mắc đứng thứ 3 và là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm có thể điều trị hiệu quả bằng các phương pháp can thiệp ít xâm lấn như phẫu thuật nội soi đại trực tràng với ưu điểm phục hồi nhanh chóng, rút ngắn thời gian nằm viện.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân mắc ung thư đại tràng âm thầm trong nhiều năm khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, di căn sang gan, phổi, hạch ổ bụng… khiến việc điều trị vô cùng khó khăn, phải áp dụng nhiều phương pháp điều trị. Trong đó, phẫu thuật nhằm mục tiêu giảm bớt các triệu chứng, cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

Việc phát hiện ung thư đại trực tràng càng sớm thì cơ hội lựa chọn phương pháp điều trị, hiệu quả điều trị càng cao, tránh những đau đớn, suy giảm sức khỏe, tuổi thọ, gánh nặng điều trị cho người bệnh. Vì vậy, tầm soát ung thư đại trực tràng đóng vai trò quan trọng giúp phòng tránh và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Các bác sĩ khuyến cáo, đối với những người có nguy cơ cao, như tiền sử gia đình có người bị chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng, mắc bệnh lý đa polyp đại tràng, viêm đại tràng mạn tính… nên bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi trẻ hơn, định kỳ khám sức khỏe, nội soi dạ dày, đại trực tràng hàng năm để tầm soát, phát hiện sớm các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa.

6 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư đại trực tràng

Để phát hiện sớm bệnh ung thư đại trực tràng cần chú ý đến 6 dấu hiệu cảnh báo dưới đây:

- Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Bệnh ung thư đại trực tràng có biểu hiện ở mọi bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa. Một số dấu hiệu thường gặp như hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Đau quặn bụng, đau râm ran là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn… Ngoài ra, các biểu hiện chán ăn, khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại trực tràng.

- Giảm cân bất thường: Bỗng nhiên bị giảm cân đột ngột mà không phải do tập luyện hay ăn kiêng thì cũng cần lưu ý. Bởi rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.

- Các rối loạn liên quan bài tiết phân: Đại tràng là cơ quan bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa, nên ở giai đoạn sớm, người bệnh thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài. Ung thư đại trực tràng thường khiến người bệnh đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài. Khi đi đại tiện, người bệnh thường bị đau quặn, mót rặn, phân nhày mũi máu và phân nát, phân hình lá lúa (do phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp.

- Phân mỏng, hẹp so với bình thường: Kích thước của chất thải cũng giúp phát hiện những bất thường trong hệ tiêu hóa. Tình trạng phân mỏng rất có thể do một vật cản giống như một khối u khiến phân bị chặn lại. Nếu phân có kích thước mỏng như một chiếc bút chì hoặc có hình lá lúa do phải đi qua khối u thì cần đề cao cảnh giác.

- Xuất hiện máu trong phân: Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân. Một số trường hợp, ở giai đoạn cuối bệnh nhân còn thấy hậu môn trực tràng sa xuống, toàn thân gầy đi, số lần đại tiện tăng lên, khi táo bón, khi tiêu chảy. Đây là triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư đại trực tràng.

- Mệt mỏi và suy nhược: Là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất. Tình trạng mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.

​Chướng bụng liên tục: Biểu hiện của chứng ung thư trực tràng mà nhiều người ngó lơ

Ung thư đại trực tràng hoặc trực tràng bắt đầu ở đại tràng hoặc trực tràng, nằm ở cuối đường tiêu hóa.

TIN MỚI NHẤT