Đang khỏe mạnh bỗng hôn mê, nằm một chỗ, nhiều người đột ngột bị viêm não, phải 'gồng gánh' khoản viện phí khổng lồ

Tin y tế 07/08/2023 06:30

Đã có những trường hợp tốn 300-400 triệu đồng trong suốt quá trình điều trị bệnh viêm não tự miễn.

Theo thông tin từ Dân Trí, tiến sĩ, bác sĩ Hồ Đặng Trung Nghĩa, Trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, khoảng một tháng trở lại đây, khoa đã tiếp nhận các trường hợp bị viêm não biến chứng nặng.

Như trường hợp của bệnh nhân N.T.V. (41 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định). Khai thác bệnh sử, khoảng 2 tháng trước, người đàn ông xuất hiện tình trạng đau đầu nhiều, người nổi đầy vảy nến và bị nôn mửa. Tại bệnh viện địa phương, các bác sĩ chẩn đoán anh bị nhiễm trùng đường ruột và suy tim, bệnh vảy nến.

Đang khỏe mạnh bỗng hôn mê, nằm một chỗ, nhiều người đột ngột bị viêm não, phải 'gồng gánh' khoản viện phí khổng lồ - Ảnh 1
1 bệnh nhân đang điều trị viêm màng não - Ảnh: Dân Trí

Qua hai tuần điều trị, bệnh nhân được cho về, điều trị bằng thuốc tại nhà. Nhưng chỉ vài ngày sau, anh V. tái phát triệu chứng nặng hơn, phải nhập viện cấp cứu. Thời điểm được chuyển từ tuyến dưới vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, có mủ trong não rất nhiều.

Thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán người đàn ông bị viêm màng não mủ do vi khuẩn E. Coli, viêm mô tế bào, viêm phổi và nhiễm trùng nấm. Bệnh nhân được hồi sức và dùng hàng loạt các biện pháp can thiệp hỗ trợ.

Đến nay, tình trạng nhiễm trùng não đã bớt, nhưng bệnh nhân vẫn bị di chứng tổn hại não nặng, chỉ có thể gật đầu và còn yếu nửa người. Hiện tại, người đàn ông đã được chuyển sang một cơ sở khác để phục hồi chức năng.

Vợ anh V. chia sẻ, từ khi bi kịch gia đình xảy ra, chị đã đi vay mượn khắp nơi để có tiền đóng viện phí cho chồng từ bệnh viện tỉnh đến TPHCM. Hiện tại, người vợ không còn khả năng chi trả.

Bác sĩ Hồ Đặng Trung Nghĩa cho biết, có nhiều tác nhân gây viêm não, như do vi trùng, virus hoặc bệnh tự miễn (do yếu tố miễn dịch).

Khi xác định được nguyên nhân nào thì sẽ có phác đồ điều trị tương ứng. Như viêm màng não mủ do E. Coli sẽ dùng kháng sinh, viêm não do virus Herpes sẽ điều trị bằng thuốc Acyclovir kháng virus.

Với những trường hợp viêm não không tìm được nguyên nhân, viêm não tự miễn, bệnh nhân sẽ được nâng đỡ triệu chứng, dùng các liệu pháp điều trị miễn dịch.

Ngoài ra, các bệnh nhân cũng phải điều trị hỗ trợ, thở máy, nếu hôn mê phải ăn qua đường tĩnh mạch, ống thông dạ dày. Khi thời gian nằm một chỗ kéo dài, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng bệnh viện, loét tì đè, nên việc chăm sóc rất phức tạp, tốn kém và kéo dài.

Đã có những trường hợp tốn 300-400 triệu đồng trong suốt quá trình điều trị bệnh viêm não tự miễn.

Theo VNVC, viêm màng não là hiện tượng viêm của màng xung quanh não và tủy sống, dẫn đến hàng loạt triệu chứng như đau đầu, cứng gáy, sợ sáng, tăng số lượng bạch cầu trong dịch não tủy. Nguyên nhân viêm màng não có thể do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn.

Viêm màng não có thể do nhiễm vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, viêm màng não có thể được chữa khỏi sau vài tuần, hoặc có thể là trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng.

Đang khỏe mạnh bỗng hôn mê, nằm một chỗ, nhiều người đột ngột bị viêm não, phải 'gồng gánh' khoản viện phí khổng lồ - Ảnh 2
Mô cầu khuẩn là nguyên nhân thường gặp của bệnh viêm màng não - Ảnh: VNVC

Các loại viêm màng não

1. Viêm màng não do não mô cầu

Vi khuẩn não mô cầu là tác nhân gây viêm màng não, viêm não khá phổ biến. Trẻ em và người lớn tuổi là 2 nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất.

Viêm màng não do não mô cầu là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, với các biểu hiện thường gặp như sốt cao đột ngột trong khoảng 39 đến 40 độ C, đau đầu dữ dội (ở trẻ quấy khóc rất nhiều), nôn và buồn nôn (trẻ kém ăn, bỏ ăn, bỏ bú, người mệt mỏi, lừ đừ), dấu hiệu cổ cứng là đặc trưng cho tình trạng bệnh (do bác sĩ khám và xác định). Trẻ dưới 1 tuổi có thể thấy thóp phồng lên bất thường.

Bệnh rất nguy hiểm, diễn tiến nhanh trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị tích cực. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nên khả năng lây nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh rất cao; đồng thời nguy cơ phát triển thành ổ dịch là rất lớn nếu không có các biện pháp khống chế kịp thời.

2. Viêm màng não do phế cầu khuẩn

Phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây viêm màng não thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có bệnh lý kèm theo như bệnh tim, phổi, thận mãn tính, suy giảm miễn dịch,… và ở người lớn; đặc biệt là người nghiện rượu, suy dinh dưỡng, người cao tuổi, người có bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, người suy giảm miễn dịch… Bệnh nhân viêm màng não do phế cầu thường có các ổ áp xe cận kề sọ não hoặc các cơ quan khác như tai giữa, tai xương chũm, xoang, nội tâm mạc, phổi,..

Người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu trong một vài giờ hoặc từ 1 đến 2 ngày. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như nôn mửa, nhạy cảm ánh sáng, ăn không ngon, đau cứng cổ, rối loạn ý thức, li bì, ngủ gà,…

Viêm màng não do phế cầu khuẩn có tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ lên đến 8%, ở người lớn là 22%. Nếu may mắn sống sót, người bệnh có thể hứng chịu những di chứng nặng nề kéo dài. Có đến 21% trẻ sống sót sau bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn bị mất thính lực. Một số trường hợp khác rối loạn khả năng học tập, sử dụng ngôn ngữ, vận động, thỉnh thoảng lên cơn co giật.

Phế cầu khuẩn không chỉ đe dọa sức khỏe, cuộc sống và tương lai của chính bản thân người bệnh, mà còn là gánh nặng to lớn với gia đình, xã hội và ngành y tế.

3. Viêm màng não do các virus đường ruột

Virus đường ruột (hay Enterovirus) lây truyền qua đường tiếp xúc phân – miệng hoặc hô hấp, thường gây bệnh ở trẻ em, người trẻ tuổi và xuất hiện vào mùa hè.

Virus Coxsackie nhóm A và B, virus ECHO gây viêm màng não nước trong, có thể kèm bại nhẹ. Biểu hiện thường gặp của bệnh là mệt mỏi, sốt, đau đầu, nôn và hội chứng màng não. Một số chủng virus Coxsackie nhóm A và B biểu hiện bằng hội chứng tay, chân, miệng với nốt phồng ở niêm mạc lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng. Một số loại Enterovirus khác gây đau cơ ngực, cơ bụng, viêm cơ tim.

Phần lớn các ca bệnh do virus đường ruột thường diễn biến lành tính và khỏi hoàn toàn. Nhưng cũng có một số bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong.

4. Viêm màng não do Haemophilus influenzae typ B (Hib)

Haemophilus influenzae typ B (hay Hib) là nguyên nhân gây viêm màng não mủ ở trẻ em dưới 6 tuổi. Ở người lớn, viêm màng não do Hib thường liên quan đến các ổ nhiễm khuẩn cận kề như viêm tai xương chũm, viêm xoang, viêm tai giữa, hay một số bệnh lý tiềm tàng như viêm phổi, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch,…

Viêm màng não do Hib có thể đi kèm một số biểu hiện của nhiễm khuẩn toàn thân như viêm cơ, viêm phổi, viêm mủ hầu họng, viêm xương tủy, nhiễm khuẩn huyết,… Triệu chứng lâm sàng của viêm màng não do Hib thường không có nhiều khác biệt với so với các bệnh viêm màng não khác: sốt, đau đầu, nôn,…

Tỷ lệ tử vong của bệnh viêm màng não do Hib thường rơi vào khoảng 5%. Nếu may mắn sống sót, người bệnh có thể có một số di chứng về thần kinh như giảm thính lực, điếc, chậm nói, não úng thủy.

Hy hữu: Uống liên tục gần 2 lít nước trong 20 phút, người phụ nữ bất ngờ đột tử, loạt dấu hiệu báo trước vô cùng nguy hiểm

Người phụ nữ này đã ngã quỵ trong nhà để xe. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay nhưng cô không qua khỏi.

TIN MỚI NHẤT