Ngay sau khi kết thúc buổi tổng kết, các em bất ngờ bị một bạn học cùng trường ném vào tổ ong khu vực mình đứng. Ong bị kích động, tấn công dữ dội khiến 4 học sinh bị đốt đau đớn.
- Chơi bóng trước nhà, bé 11 tuổi bị ong vò vẽ đốt đỏ da toàn thân kèm ngứa và ngất lịm đi, phải nhập viện cấp cứu
- Bị ong vò vẽ đốt 83 vết, 2 anh em ruột nhập viện khẩn cấp trong tình trạng nguy kịch
Sự việc xảy ra sau lễ tổng kết năm học, ngày 26/5. Bốn học sinh lớp 8, gồm ba nữ và một nam, bị đàn ong tấn công, gây hàng chục vết đốt trên cơ thể. Thầy cô lập tức sơ cứu rồi đưa các em đến trạm y tế gần nhất. Sau đó, các em được chuyển đến bệnh viện để cấp cứu.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết cả 4 em đều nổi mẩn đỏ ở nhiều vùng trên người, các vết đốt sưng tấy, đau rát. Một em chuyển nặng, nguy cơ biến chứng. Nhân viên y tế đã cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau, truyền dịch, lấy nọc ong ra và sát khuẩn vết thương.
Hiện 4 em tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.

Trước sự việc trên, các bác sĩ cảnh báo học sinh, trẻ em tuyệt đối không trêu đùa, nghịch tổ ong hoặc sử dụng tổ ong như một trò chơi. Bị ong đốt không chỉ gây đau đớn mà còn có nguy cơ sốc phản vệ, đe dọa tính mạng.
Một số bước xử trí khi bị ong đốt:
- Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.
- Lấy vòi chính của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chính và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
- Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm; bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần.
- Uống nhiều nước để loại thải độc tố.
- Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.
- Sau khi xử trí như trên, người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra lại.
- Trường hợp bị phản vệ mức độ nặng (bất tỉnh, thở chậm hoặc ngừng thở, ngừng tim) cần được cấp cứu hô hấp, tuần hoàn tại chỗ và gọi hỗ trợ cấp cứu ngay.