Con đỉa rừng dài khoảng 4-5cm bám sâu trong hốc mũi bên trái của cháu bé hơn 2 tuổi được phát hiện qua nội soi...
- Tiếng khóc nghẹn ngào của cô gái trẻ nơi hành lang bệnh viện
- Đi khám vì chóng mặt nghi do thiếu máu, người phụ nữ ở Quảng Ninh bất ngờ phát hiện ung thư giai đoạn 3
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên vừa tiếp nhận và xử trí thành công một trường hợp hi hữu cho một cháu bé hơn 2 tuổi bị đỉa rừng ký sinh trong hốc mũi gây khó thở và chảy máu mũi kéo dài.
Trước đó, sáng 20/5/2025, bệnh nhi C.M.K. (2 tuổi, trú tại xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) được gia đình đưa đến khám tại Trung tâm Y tế Tiên Yên trong tình trạng khó thở nhẹ, một bên mũi chảy máu và cảm giác khó chịu kéo dài.
Qua nội soi mũi, BSCKI Lục Thành Huy – Khoa Tai Mũi Họng phát hiện một con đỉa rừng dài khoảng 4–5cm đang bám sâu trong hốc mũi bên trái của cháu bé.

Ngay lập tức, bác sĩ cùng kỹ thuật viên đã tiến hành thủ thuật nội soi, gắp thành công sinh vật ký sinh ra khỏi mũi bệnh nhi. Sau can thiệp, tình trạng hô hấp của cháu cải thiện rõ rệt, không còn chảy máu và sức khỏe dần ổn định.
Theo bác sĩ Lục Thành Huy, đỉa rừng có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường mũi, miệng hoặc da khi tiếp xúc với môi trường nước tự nhiên như ao hồ, khe suối – đặc biệt phổ biến ở vùng núi ẩm thấp.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người dân sinh sống tại khu vực rừng núi cần đặc biệt lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày. Không nên cho trẻ nhỏ tắm ở ao hồ, suối hoặc uống nước suối chưa đun sôi.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu như chảy máu mũi kéo dài, khó thở, ho không rõ nguyên nhân, cha mẹ cần đưa trẻ đi nội soi tai – mũi – họng kịp thời để loại trừ nguy cơ sinh vật ký sinh trong đường hô hấp.
Đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nguồn nước tự nhiên chưa đảm bảo vệ sinh; đun sôi nước trước khi uống hoặc sử dụng trong sinh hoạt; quan sát kỹ các biểu hiện bất thường của trẻ nhỏ để can thiệp y tế kịp thời.
Việc nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa các tác nhân gây bệnh và sinh vật ký sinh trong môi trường sống tự nhiên là hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhất là với trẻ nhỏ – đối tượng có hệ miễn dịch còn non yếu.