Hết hụt hơi hậu COVID-19 nhờ hướng dẫn của bác sĩ

Sức khỏe 08/04/2022 09:01

Sau khi khỏi COVID-19, nhiều người gặp phải các tình trạng mệt mỏi, hụt hơi dù lao động nhẹ, làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc và học tập.

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 200 di chứng hậu COVID-19 được ghi nhận như mệt mỏi, đau hoặc tức ngực; các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung; khó ngủ (mất ngủ); tim đập nhanh; chóng mặt; đau khớp; trầm cảm và lo âu…

Trong đó, một số nghiên cứu cho thấy hụt hơi, khó thở là những triệu chứng dai dẳng và phổ biến ở bệnh nhân sau khi mắc COVID-19.

Bác sĩ Đỗ Anh, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16, TP.HCM và bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội cho biết, không ít trường hợp sau khi khỏi bệnh chỉ đạt được 50% năng suất và sức lực so với trước.

Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng vì cơ thể không hồi phục lại ngay khi khỏi bệnh. Ngay cả F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tự khỏi, sau 7 ngày, chúng ta chỉ nên tập luyện lại 50% khả năng so với lúc khỏe mạnh.

Hết hụt hơi hậu COVID-19 nhờ hướng dẫn của bác sĩ - Ảnh 1
Người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh vẫn có thể gặp triệu chứng khó thở, hụt hơi kéo dài (Ảnh minh họa)

Để cải thiện tình hụt hơi, khó thở sau khi khỏi COVID-19, theo bác sĩ Đỗ Anh, người bệnh có thể thực hiện các bài tập thở đơn giản để cải thiện lưu lượng máu đến phổi và các đường dẫn truyền trong lồng ngực, giúp tăng cường chức năng phổi.

"Bạn nên thực hiện các bài tập như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, đạp xe, chống đẩy, squat với cường độ vừa phải và tăng dần. Điều này giúp tăng nhịp tim và thúc đẩy lưu lượng máu, có thể giúp phổi phục hồi nhanh hơn", bác sĩ Đỗ Anh nói.

Nếu người mới khỏi COVID-19 chủ quan, vẫn giữ nguyên cường độ tập như trước khi mắc bệnh sẽ khiến cơ thể không có thời gian phục hồi tổn thương (tổn thương cơ/rối loạn chuyển hóa/dinh dưỡng).

Ngoài ra, việc vội vàng luyện tập trở lại và không đúng phương pháp sẽ dẫn tới kéo dài thời gian hồi phục, thậm chí tái phát bệnh và có thêm tổn thương như hụt hơi, đau ngực, giảm khả năng vận động, co cứng cơ, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và các vấn đề về tim mạch cũng như hô hấp khác.

Theo bác sĩ Đỗ Anh, người bệnh cũng có thể tham khảo một số nhóm thực phẩm có tác dụng tốt trong thời kỳ hậu COVID-19 như hoa quả tươi (lê, táo, bưởi...). Đây là những loại trái cây chứa nhiều vitamin, giàu chất chống oxy hóa, rất tốt cho hệ thống hô hấp, tăng cường chức năng miễn dịch.

Các loại rau xanh như cải ngọt, rau bina, cải xoăn, bắp cải, cà chua... Những loại rau trên chứa rất nhiều vitamin cần thiết và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt, tỏi và gừng là hai loại gia vị rất tốt cho quá trình thải độc tố của cơ thể cũng như có tác dụng diệt virus.

Về đồ uống, bác sĩ Đỗ Anh cho rằng có thể dùng trà xanh, bởi nó có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, tăng cường sức khỏe tim mạch, chống ung thư. Các món ăn giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống COVID-19 như súp gà, khoai tây, nước dừa, yến mạch, sữa,...

Bạn nghĩ nấc cụt là chuyện bình thường? Đừng chủ quan, đây có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe bạn đang gặp vấn đề

Nấc cụt thường xảy ra khi bạn ăn hoặc uống quá nhanh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu nấc cụt trong thời gian dài đó có thể là triệu chứng của một căn bệnh nào đó.

TIN MỚI NHẤT