Kem chống nắng mà Đoàn Di Băng quảng cáo ghi SPF 50 nhưng kiểm nghiệm đạt 2,4. Khi sử dụng kem chống nắng chỉ số SPF thấp có thể khiến da bị cháy nắng cấp tính (gây đỏ, rát, phồng rộp da), tăng nguy cơ ung thư da.
- TP.HCM: Phát hiện loại kem dưỡng trắng không rõ xuất xứ, hàm lượng thủy ngân vượt mức cho phép
- Làm trắng da bằng kem trộn trứng gà: Chuyên gia hãi hùng chỉ hậu quả
Như trước đó báo Người Lao Động, ngày 16/5, Cục Quản lý Dược đình chỉ lưu hành và thu hồi kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body do Công ty VB Group đưa ra thị trường, EBC Group sản xuất.
Theo cơ quan quản lý, Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm ghi công dụng là "bảo vệ da chống nắng, dưỡng da và làm trắng da toàn thân", nhưng không đề cập chỉ số chống nắng (SPF). Tuy nhiên, mẫu nhãn sản phẩm lưu hành trên thị trường lại ghi SPF 50.

Kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM thực hiện cho thấy, chỉ số SPF thực tế chỉ đạt 2,4, thấp hơn rất nhiều so với thông tin công bố trên nhãn.
Ngay sau khi thông tin kiểm nghiệm chỉ số SPF được công bố, nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc, đặt nghi vấn liệu sản phẩm có bị xem là hàng giả hoặc có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng hay không, khi ghi SPF 50 nhưng thực tế chỉ đạt 2,4 - thấp hơn gần 20 lần.
Theo thông tin báo Tuổi Trẻ, ngày 17/5, các sản phẩm kem chống nắng toàn thân Hanayuki Sunscreen Body và cả dầu gội Hanayuki Shampoo (cũng bị Cục Quản lý dược thu hồi, tiêu hủy trước đó) đã không còn trên website chính thức Hanayuki.com.vn.

Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ ngày 19/5, TS Phạm Thị Uyển Nhi - phó trưởng phòng điều hành phòng kế hoạch tổng hợp, trưởng đơn vị thử nghiệm lâm sàng Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết chỉ số SPF (Sun Protection Factor) định lượng khả năng bảo vệ của kem chống nắng chống lại tia UVB. Đây là tỉ lệ giữa lượng bức xạ UV cần thiết để gây ra phản ứng ban đỏ khi có lớp lọc so với khi không có.
Theo các khuyến cáo của Bộ Y tế và Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD), kem chống nắng được khuyến cáo sử dụng có chỉ số SPF từ 30 trở lên để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, đặc biệt trong điều kiện tia UV cao như ở Việt Nam.
Với loại kem chống nắng có chỉ số SPF là 2,4 mà Cục Quản lý dược vừa thu hồi, bác sĩ Uyển Nhi cho biết chúng chỉ chặn được khoảng 53% tia UVB so với tỉ lệ 95% - 97% ở các kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 - 50, được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng để bảo vệ khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
Bác sĩ Trịnh Minh Trang - khoa laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu trung ương - cũng cho hay chỉ số chống nắng càng cao thì thời gian da được bảo vệ càng lâu.
Chỉ số SPF là định mức đo lường khả năng chống tia UVB được dùng trong mỹ phẩm. Định mức này được tính theo số giờ và tỉ lệ phần trăm khi bôi kem chống nắng lên da.

Theo định mức quốc tế, 1 SPF sẽ có khả năng bảo vệ làn da và hạn chế tác hại của tia UVB trong khoảng 10 phút. Tuy nhiên nó cũng chỉ có giá trị tương đối do phụ thuộc vào type da, cường độ ánh sáng mặt trời và lượng kem chống nắng được sử dụng.
Sử dụng kem chống nắng kém chất lượng hoặc có chỉ số SPF thấp thì làn da sẽ như thế nào? Bác sĩ Uyển Nhi cho hay làn da có thể bị cháy nắng cấp tính (gây đỏ, rát, phồng rộp da), tăng nguy cơ ung thư da (bao gồm ung thư biểu mô tế bào đáy - BCC, ung thư tế bào vảy - SCC, melanoma…).
Ngoài ra da còn bị lão hóa sớm, biểu hiện qua việc xuất hiện nếp nhăn, đốm nâu, rám má, da chùng nhão do tổn thương collagen và elastin, suy giảm miễn dịch tại chỗ, tăng nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương da…
Khi ra ngoài trời, tiếp xúc ánh nắng cường độ cao, bác sĩ Trang hướng dẫn nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF cao. Ví dụ đi biển mùa hè dùng kem chống nắng chỉ số SPF 50 , còn khi làm việc trong môi trường không bị nắng chiếu trực tiếp cần SPF thấp hơn. Việc chỉ số SPF quá thấp sẽ không đạt được mục tiêu chống nắng bảo vệ làn da.