Bệnh khô miệng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục hiệu quả tại nhà!

Sức khỏe 24/10/2022 15:00

Bệnh khô miệng tuy không nguy hiểm nhưng lại gây ra nhiều phiền phức và khó chịu cho nhiều người. Vậy bệnh khô miệng do nguyên nhân gì, có các triệu chứng nào và cách khắc phục ra sao? Hãy cùng khám phá ngay câu trả lời ở bài viết dưới đây nhé!

Nội dung bài viết

Khô miệng là bệnh gì?

Khô miệng chỉ là một triệu chứng chứ không phải là một căn bệnh riêng biệt. Chứng khô miệng hay tên tiếng Anh là xerostomia là tình trạng mà trong miệng không đủ nước bọt để giữ độ ẩm, hiện tượng này thường gây ra cảm giác khó chịu và có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được xử lý sớm.

benh kho mieng 1
Chứng khô miệng khiến bạn luôn cảm thấy khô khát, khó chịu!

Bạn không nên nhầm lẫn triệu chứng khô miệng với tình trạng khô miệng do khát nước. Nếu khô miệng do khát nước, chỉ cần bạn uống đủ nước thì sẽ không còn thấy miệng mình bị khô nữa. Còn khi bị khô miệng do giảm tiết nước bọt thì dù bạn có uống đủ nước thì miệng bạn vẫn không tiết đủ nước bọt để giữ độ ẩm.

Bệnh khô miệng có thể gặp ở mọi đối tượng từ người lớn tới trẻ em ở bất kỳ giai đoạn nào, đặc biệt là thời kỳ mà bạn gặp phải tình trạng lo lắng, mệt mỏi, khó chịu hay căng thẳng. Ngoài ra, khô miệng cũng là tác dụng phụ của nhiều loại thuốc, hoặc cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị xạ trị, hóa trị, hội chứng tiểu đường cũng có biểu hiện khô miệng.

Nguyên nhân của bệnh khô miệng

Nguyên nhân của khô miệng là do nước bọt tiết ít. Nước bọt được sản xuất từ các tế bào mặt trong của môi, vòm miệng, trong đó, từ miệng có 3 tuyến nước bọt chính là ở dưới lưỡi, ở gần xương hàm và ở hai bên má. Sự tiết nước bọt được kiểm soát bởi hệ thần kinh thực vật theo một quy luật: kích thích hệ giao cảm làm giảm tiết nước bọt, kích thích hệ phó giao cảm làm tăng lưu lượng nước bọt. Vậy nên, nguyên nhân gây tiết ít nước bọt có thể là:

- Tuyến nước bọt bị nhiễm trùng do virus, do vi trùng hoặc nấm.

- Bệnh tuyến nước bọt tự miễn gây phá hủy các mô tuyến nước bọt, làm giảm việc tiết nước bọt.

- Tuyến nước bọt bị tiêu khi xạ trị để điều trị bệnh ung thư vùng đầu, cổ.

- Do ung bướu khu vực khoang miệng, vòm miệng.

- Mất nước do bị tiêu chảy, nôn mửa, đái tháo đường, suy tim, tăng ure máu, xuất huyết.

- Do sử dụng một số loại thuốc an thần, kháng sinh, thuốc chống trầm cảm,… cũng gây khô miệng.

- Bệnh thiếu máu và một số bệnh lý khác cũng có thể gây rối loạn hệ thần kinh thực vật và gây ra chứng bệnh khô miệng.

benh kho mieng 2
Rối loạn quá trình tiết nước bọt là nguyên nhân chính gây khô miệng!

Làm sao biết mình khô miệng?

Khi bạn gặp các triệu chứng như: khó chịu, khô niêm mạc miệng, luôn muốn nuốt nước bọt, thường xuyên thấy khô khát dù vẫn uống đủ nước, đôi khi có cảm giác nóng rát trong khoang miệng, suy giảm và có đôi khi bị mất vị giác thì bạn đã mắc chứng khô miệng. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra tình trạng sâu răng, viêm nhiễm khoang miệng, miệng có mùi hôi.

Có một số trường hợp, chứng bệnh khô miệng còn được nhận biết bằng việc miệng bạn xuất hiện vết lở loét kéo dài, môi thì bị nứt nẻ lâu không khỏi dù không phải tiết trời hanh khô. Các vết lở loét có thể còn xuất hiện quanh khóe miệng, do thiếu nước bọt có thể gây ra bệnh viêm lợi (nướu), chảy máu chân răng và sâu răng.

benh kho mieng 3
Bệnh khô miệng thường kéo theo các vấn đề về lợi và răng!

Phải làm gì để khắc phục tình trạng khô miệng tại nhà?

Khi gặp phải tình trạng khô miệng, bạn có thể thực hiện những biện pháp đơn giản tại nhà dưới đây, nhằm làm giảm bớt sự khó chịu do chứng bệnh này gây ra:

- Tăng cường lượng nước: Nhằm đảm bảo cho các tuyến nước bọt có thể duy trì việc sản xuất nước bọt, bạn cần cung cấp đủ nước cho cơ thể suốt cả ngày, bằng cách uống nước lọc, ăn sữa chua, uống trà thảo dược, nước canh rau, nước hoa quả hay uống 1-2 ly nước dừa mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cũng nên ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa nhiều nước như các loại trái cây, rau cải, các món ăn lỏng như súp, cháo, canh. Khi khó khăn trong việc nuốt thức ăn thì có thể uống kèm nước, hoặc ăn canh, uống nước canh, để cung cấp đủ nước cho cơ thể. Bên cạnh đó, cần tránh các sản phẩm có chứa caffeine và rượu - vì chúng là thực phẩm gây mất nước.

benh kho mieng 4
Uống nhiều nước làm giảm tình trạng khô miệng!

- Hãy thở bằng mũi: Để giảm tình trạng khô miệng, bạn chỉ nên thở bằng mũi, đặc biệt là vào ban đêm khi ngủ. Nếu chứng ngủ ngáy sẽ làm miệng bạn khô hơn thì bạn nên điều trị chứng ngáy khi ngủ. Ngoài ra, trong phòng ngủ cũng nên tăng độ ẩm bằng cách sử dụng một máy làm ẩm hay đặt một chậu nước trong phòng.

- Duy trì sức khỏe răng miệng: Chứng khô miệng thường kéo theo các vấn đề về răng miệng khác. Chính vì vậy, khi bạn bị môi khô, nứt nẻ thì nên sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm môi để môi bớt nứt nẻ. Đồng thời, bạn cũng cần chú ý đánh răng mỗi sáng sau khi thức dậy và sau mỗi bữa ăn bằng kem đánh răng có chứa chất fluor và sử dụng chỉ nha khoa theo hướng dẫn của nha sĩ nhé.

benh kho mieng 5
Hãy vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày!

Kích thích tăng tiết nước bọt: Bạn cũng có thể sử dụng một số sản phẩm có thể hỗ trợ cung cấp các chất thay thế cho nước bọt. Tuy nhiên, cần tránh bất kỳ sản phẩm nào có chất kháng histamin và thuốc giảm đau.

- Sử dụng các chế phẩm không chứa đường: Để làm sạch miệng và giữ độ ẩm trong miệng, bạn có thể nhai kẹo cao su không đường vài lần mỗi ngày. Hãy tránh xa những loại thức ăn có đường và có độ chua cao để ngăn ngừa sâu răng và ảnh hưởng xấu tới lợi. Ngoài ra, bạn hãy phòng ngừa chứng khô miệng bằng cách không ăn các sản phẩm có nhiều gia vị, quá cay hoặc quá mặn.

- Dùng cây lô hội (nha đam) được sử dụng để kích thích vị giác và tăng cường bảo vệ tổ chức niêm mạc miệng. Bạn có thể dùng nước ép của cây lô hội để súc miệng một vài lần trong ngày hoặc uống cây lô hội pha với nước mỗi ngày 1 cốc. Có thể bôi gel lô hội hoặc lấy nhựa cây lô hội tươi bôi bên trong và bên ngoài miệng 2-3 lần mỗi ngày, sau đó rửa sạch lại bằng nước là được.

benh kho mieng 6
Dùng nha đam và nước nha đam để giảm tình trạng khô miệng!

 

Trên đây là tổng hợp những mẹo vặt chữa khô miệng đơn giản và hiệu quả tại nhà. Hy vọng với các thông tin mới được chia sẻ trên đây, các chị em sẽ áp dụng được cách điều trị bệnh khô miệng thích hợp, ngoài ra, chị em cũng cần chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng và uống đủ nước mỗi ngày để bảo vệ răng miệng khỏi những hậu quả mà chứng khô miệng gây ra. Tuy nhiên, nếu tình trạng vẫn có xu hướng trở nặng hơn, thì bạn cần đến khám và điều trị theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa nhé! Chúc các chị em luôn khỏe đẹp mỗi ngày!

Cách làm cà tím chiên trứng bùi ngon, hấp dẫn và siêu hao cơm tại nhà!

Cà tím chiên trứng - mon ngon khó cưỡng với sự kết hợp từ các nguyên liệu dân dã, đảm bảo thực khách nào cũng thích mê nhé!

TIN MỚI NHẤT