Trẻ hóc dị vật dẫn đến suy hô hấp, cách sơ cứu chính xác nhất

Nuôi dạy con 26/11/2022 09:01

Trẻ hóc dị vật là tai nạn thường gặp, nếu không được xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vậy cần sơ cứu trẻ hóc dị vật thế nào cho đúng?

Trẻ 19 tháng hóc dị vật dẫn đến suy hô hấp

Bé P.K.N. (19 tháng tuổi, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh) bị hóc dị vật, nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, SP02 93%, được đặt nội khí quản trước khi chuyển tuyến đến BV Sản Nhi Quảng Ninh.

Tại bệnh viện, kết quả xquang ngực cho thấy hình ảnh ứ khí phổi trái nghi bít tắc do dị vật. Tiến hành hội chẩn chuyên khoa với kíp nội soi, các bác sĩ quyết định chỉ định nội soi khí phế quản và gắp thành công dị vật là mảnh hạt lạc ra cho trẻ

Do dị vật nằm trong khí phế quản ở bệnh nhi rất nhỏ tuổi, nên đã chèn hầu hết đường thở gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ và cũng đòi hỏi các bác sĩ đã phải rất thận trọng khi tiến hành nội soi. Sau khi được gắp dị vật ra ngoài, bệnh nhi tỉnh táo, không còn cảm giác khó thở.

Trẻ hóc dị vật dẫn đến suy hô hấp, cách sơ cứu chính xác nhất - Ảnh 1

Bé 19 tháng tuổi bị suy hô hấp vì hóc mảnh hạt lạc trong phế quản đã được các bác sĩ cứu thành công

Theo các bác sĩ, giai đoạn từ 6 - 24 tháng tuổi là giai đoạn trẻ đang tập bò, tập đi và tập nhai nên rất thích tìm và cho đồ vật vào miệng nên nguy cơ trẻ hóc dị vật là rất lớn.

Bất cứ vật dụng xung quanh như đồ chơi, đồ dùng gia đình với kích thước nhỏ đều có thể trở thành mối nguy hiểm đối với trẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo thêm, trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào miệng. Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh, sặc hoặc sau một một trận cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi...

Do đó, cha mẹ nên thận trọng với những thức ăn cứng, khó nhai kỹ có thể làm cho trẻ mắc dị vật, đặc biệt là một số dị vật khi hóc có cạnh sắc, nhọn có thể gây tổn thương thực quản, khí  phế quản như: hạt lạc, hạt ngô, vỏ tôm, cua ... để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra.

Cách sơ cứu trẻ hóc dị vật

Khi hóc dị vật cứng, trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở, không khóc được. Nếu chậm trễ trong sơ cứu, trẻ có thể bị ngạt thở, ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, cha mẹ hay người nhà cần bình tĩnh tiến hành sơ cứu cho trẻ như sau:

- Nếu thấy trẻ còn hồng hào, khóc được, la được, nói được, không khó thở thì cha mẹ nên đặt trẻ ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để thăm khám và gắp dị vật ra. 

- Nếu thấy trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu thì cha mẹ cần nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành thủ thuật sơ cứu cho trẻ theo cách dưới đây.

Với trẻ dưới 2 tuổi bị hóc dị vật: Áp dụng phương pháp vỗ lưng ấn ngực

- Cha mẹ đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái.

- Tiếp đó, cha mẹ dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ, vỗ lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

- Sau đó, cha mẹ lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu trẻ còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.

 

- Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc cho đến khi trẻ khóc được.

Với trẻ lớn bị hóc dị vật : Áp dụng thủ thuật Heimlich

- Trong trường hợp trẻ còn tỉnh:

+ Cha mẹ đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Tiếp đó cha mẹ nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn.

+ Ẩn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Cha mẹ có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc la được

- Trường hợp trẻ bị hôn mê:

+ Cha mẹ để trẻ nằm ngửa rồi cha mẹ quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi trẻ.

+ Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất.

+ Tiếp theo, cha mẹ ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên.

+ Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

Lưu ý khi sơ cứu trẻ hóc dị vật

- Nếu trẻ hóc dị vật bị ngưng thở, cha mẹ phải thổi ngạt hai cái chậm trước và xen kẽ thổi ngạt khi làm thủ thuật Heimlich hay vỗ lưng ấn ngực cho tới khi trẻ thở lại hoặc la khóc được. 

- Sau khi lấy được dị vật hoặc trẻ la khóc được, cha mẹ vẫn phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra lại tình trạng sức khỏe.

Những việc cha mẹ cần tránh khi thấy trẻ hóc dị vật

- Cha mẹ đừng can thiệp nếu thấy trẻ hóc dị vật vẫn còn có thể ho, thở hay la, khóc được.

- Cha mẹ đừng cố móc lấy vật lạ ra và dịch chuyển nó nếu cha mẹ không thể thấy được nó vì có nhiều khả năng dị vật rơi vào sâu hơn.

Cậu bé từng gây sốt trong quảng cáo Tết 16 năm trước: Lớn lên cực điển trai, thành tích học tập còn rất "khủng"

Cậu bé đáng yêu trên quảng cáo Tết năm nào giờ đây đã là chàng trai chững chạc, giỏi giang cùng ngoại hình thay đổi ấn tượng.

TIN MỚI NHẤT