Những thông tin quan trọng cần biết để bảo vệ sức khỏe sau khi Hà Nội ghi nhận ca ho gà đầu tiên trong năm

Nuôi dạy con 03/12/2023 06:08

Ho gà có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đặc biệt, trẻ dưới 5 tuổi và suy dinh dưỡng khi mắc bệnh, tình trạng bệnh diễn tiến nhanh, nặng, có thể gây ra biến chứng viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí gây tử vong. Mới đây, Hà Nội đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên.

Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, mới đây, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận bệnh nhi 6 tuần tuổi mắc ho gà, đây là bệnh nhân ho gà đầu tiên tại Hà Nội trong năm nay. Trong khi đó, vắc xin phòng bệnh ho gà thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều địa phương đã cạn.

Cụ thể, bệnh nhi là bé gái 6 tuần tuổi (trú tại Đan Phượng, Hà Nội) khởi phát bệnh với triệu chứng ho, không sốt, không nôn. Sau đó gia đình đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi trung ương, được chẩn đoán viêm phế quản phổi và kê đơn thuốc điều trị tại nhà.

Điều trị 5 ngày không thấy bệnh thuyên giảm, bệnh nhi tiếp tục có biểu hiện ho nhiều về đêm, bú kém, cơn ho kéo dài khoảng 10 phút, có cơn tím tái mặt.

Trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng thở oxy mask 5 lít/phút, SpO2 89% (không thở oxy), họng đỏ, mũi nề. Bệnh nhi được xét nghiệm PCR ho gà cho kết quả dương tính.

Những thông tin quan trọng cần biết để bảo vệ sức khỏe sau khi Hà Nội ghi nhận ca ho gà đầu tiên trong năm - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Bệnh ho gà lây truyền qua đường nào?

Ho gà là một bệnh lý chỉ xuất hiện ở người, không xảy ra ở động vật. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy cơ bùng phát thành dịch cao. Nguy cơ mắc bệnh trên 80% khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh.

Bệnh lây nhiễm mạnh nhất kể từ khi bệnh nhân bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên. Con đường lây lan bệnh chủ yếu thông qua đường hô hấp. Khi người khỏe mạnh tiếp xúc với các giọt bắn có chứa vi khuẩn Bordetella Pertussis do người bệnh phát tán ra môi trường bên ngoài khi ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, mũi, đờm, chất nôn, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Lưu ý, theo cảnh báo của Cục Y tế Dự phòng Việt Nam, bệnh ho gà có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt độ tuổi, giới tính, dân tộc và khu vực sống.

Những thông tin quan trọng cần biết để bảo vệ sức khỏe sau khi Hà Nội ghi nhận ca ho gà đầu tiên trong năm - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Bệnh ho gà có nguy hiểm không?

Bệnh ho gà thường không gây nguy hiểm ở người lớn và trẻ vị thành niên. Các triệu chứng xảy ra ở mức độ nhẹ, có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ho gà ở trẻ em là một bệnh lý nguy hiểm, không chỉ gây biến chứng mà còn đe dọa tính mạng của trẻ. Ở trẻ có hệ miễn dịch suy giảm, chưa tiêm vaccine phòng ngừa ho gà, bệnh có diễn tiến nhanh chóng và nặng hơn. Thống kê của Cục Y tế Dự phòng đã chỉ ra rằng, có 90% bệnh nhân ho gà là trẻ em do chưa được tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản.

Tại Việt Nam, khi chưa thực hiện chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), bệnh ho gà lưu hành ở mọi nơi trong cả nước, nghiêm trọng nhất là ở các khu vực miền núi – nơi có điều kiện kinh tế, xã hội kém phát triển. Bệnh dễ bùng phát thành dịch, có tính chu kỳ từ 3 – 5 năm, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Sau năm 1986, khi chương trình TCMR được triển khai, hầu hết trẻ dưới 1 tuổi đã được tiêm đủ 3 mũi vaccine cơ bản phòng trừ bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván. Điều này giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong do ho gà xuống còn 7,5/100.000 người dân (trong giai đoạn 1991 – 1995). Từ năm 1993, có trên 90% trẻ được tiêm đủ 3 mũi vacxin phòng bệnh, thậm chí trên 95% vào năm 1997 và 2000. Đặc biệt, chất lượng vaccine ngày càng được cải thiện giúp cải thiện tỷ lệ mắc bệnh ho gà của cả nước, giảm còn 1,8/100.000 người trong giai đoạn 1996 – 2000.

Biến chứng của bệnh ho gà

Đa số biến chứng của bệnh ho gà xuất hiện khi bệnh phát sinh bội nhiễm do chăm sóc và điều trị muộn, không đúng cách. Các biến chứng thường gặp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe gồm:

1. Viêm phổi – viêm phế quản

Biến chứng viêm phổi – viêm phế quản thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ bị suy dinh dưỡng hay có sức đề kháng yếu. Biến chứng có thể bắt đầu từ tuần thứ 2 sau khi các cơn ho xuất hiện, gây nên các triệu chứng như sốt cao kéo dài, mệt mỏi, da tái xám. Một số trường hợp trẻ có thể khó thở khi bệnh tiến triển nặng.

2. Suy hô hấp

Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh xảy ra ở mức độ nghiêm trọng có thể gặp phải biến chứng suy hô hấp. Biến chứng này khiến trẻ tăng cân bất thường, phù mặt và chân, tăng huyết áp, mạch đập nhanh, nổi tĩnh mạch cổ và có thể dẫn đến suy tim, gan to, đau…

3. Bệnh não do thiếu oxy trong quá trình suy hô hấp

Suy hô hấp do ho gà có thể gây tổn thương hệ thần kinh và một số bệnh lý về não bộ nghiêm trọng như viêm não, xuất huyết não, phù não,… Các tổn thương này có thể xuất hiện từ tuần đầu tiên khi trẻ xuất hiện cơn ho gà với các triệu chứng như sốt cao đột ngột, da xám, môi tím, chân tay lạnh, xuất hiện co giật,… Khi có các biểu hiện này, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao, cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.

4. Một số biến chứng khác

Ngoài các biến chứng trên, bệnh ho gà có thể gây nên một số biến chứng khác như xuất huyết kết mạc, tràn khí màng phổi, thắt thoát vị, sa trực tràng, viêm tai giữa, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, tê liệt, thoát vị rốn và trực tràng,… Do đó, việc phát hiện và điều trị bệnh ho gà sớm và đúng cách có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Nguồn: Bệnh viên Đa khoa Tâm Anh

TP.HCM thiếu nhiều vắc xin, cảnh báo nguy cơ bùng dịch sởi, bạch hầu, ho gà... khi thời tiết thay đổi

Nếu không có vắc xin đầy đủ có nguy cơ bùng phát dịch, trước mắt là dịch sởi, bạch hầu, ho gà...

TIN MỚI NHẤT