Hà Nội ghi nhận ca ho gà đầu tiên trong năm: Bệnh nhi 6 tuần tuổi, đi viện 3 lần mới phát hiện bệnh

Tin y tế 30/11/2023 10:00

Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi.

Theo thông tin từ báo Giáo dục & Thời đại, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện bệnh nhân ho gà đầu tiên trong năm 2023.

Bệnh nhân là nữ, 6 tuần tuổi, có địa chỉ tại huyện Đan Phượng. Trẻ khởi phát bệnh ngày 10/11 với triệu chứng ho, không sốt, không nôn. Ngày 11/11, gia đình đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, được chẩn đoán viêm phế quản phổi và kê đơn thuốc điều trị tại nhà.

Sau điều trị 3 ngày bệnh của trẻ không thuyên giảm. Ngày 14/11, gia đình đưa trẻ đi khám tại Bệnh viện Phương Đông và được kê đơn thuốc về nhà điều trị tiếp.

Đến ngày 16/11, bệnh nhân có biểu hiện ho nhiều về đêm, bú kém, cơn ho kéo dài khoảng 10 phút, có cơn tím tái mặt và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thở oxy marsk 5 lít/phút, SpO2 89% (không thở oxy), họng đỏ, mũi nề. Bệnh nhân được xét nghiệm PCR ho gà cho kết quả dương tính.

Hà Nội ghi nhận ca ho gà đầu tiên trong năm: Bệnh nhi 6 tuần tuổi, đi viện 3 lần mới phát hiện bệnh - Ảnh 1
1 số triệu chứng bệnh ho gà ở trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Dẫn tin từ VnExpress, ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trường học.

Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

Tiêm vaccine có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Trẻ được tiêm mũi 1 khi 2 tháng tuổi; mũi 2 khi 3 tháng tuổi; mũi 3 khi 4 tháng tuổi; mũi 4 lúc 18 tháng tuổi. Những trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, tiêm chủng muộn cần tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó để phòng bệnh hiệu quả.

Hà Nội ghi nhận ca ho gà đầu tiên trong năm: Bệnh nhi 6 tuần tuổi, đi viện 3 lần mới phát hiện bệnh - Ảnh 2
Tiêm vaccine là biện pháp để phòng bệnh ho gà - Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh tiêm vaccine phòng bệnh, người dân cần bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Đồng thời thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng hằng ngày. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.

TP.HCM chìm trong sương mù, 'báo động đỏ' tình trạng bụi mịn, ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khỏe

Chỉ số bụi mịn PM 2.5 theo AirVisual là 105  µg/m³ cao gấp nhiều lần quy chuẩn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (5 µg/m3).

TIN MỚI NHẤT