Giai đoạn 2-3 tuổi, nếu bé có những biểu hiện sau nghĩa là con bị chậm nói, ba mẹ nên đưa đi khám

Nuôi dạy con 14/10/2023 05:01

Khi trẻ bước vào độ tuổi này, nếu con chỉ nói được một số từ ngữ quen thuộc, lặp đi lặp lại, không biết dùng ngôn ngữ để trò chuyện với người khác... thì nên cho trẻ đi khám.

Từ 0 đến 2 tuổi, trẻ sẽ trải qua các mốc phát triển rất nhanh chóng, từ biết lẫy, ngồi, bò, học nói, học đi, học ăn... Từng giai đoạn con học thêm được một điều mới đều khiến bố mẹ vô cùng hào hứng, tuy nhiên không phải đứa trẻ nào cũng phát triển như nhau, có bé nhanh ở mốc này nhưng lại chậm ở mốc khác, bởi vậy việc bố mẹ cần làm là tập trung theo dõi và xem con mình đang ở giai đoạn nào.

Một số cột mốc đánh giá khả năng chậm nói của trẻ

+ 1 - 6 tháng tuổi: không phản ứng với giọng nói của cha mẹ.

+ 6 - 9 tháng tuổi: không hay nói những từ không rõ ràng.

+ 10 - 11 tháng tuổi: không bắt chước âm thanh như "ba ba, bà bà".

+ 12 tháng tuổi: không nói "ba, bà" với mục đích gọi người thân; không thường bắt chước các từ có hai và ba âm tiết.

+ 13 - 15 tháng tuổi: không nói được ít nhất 4 – 7 từ; người lạ không thể hiểu hết 20% những điều trẻ nói.

+ 16 - 18 tháng tuổi: không nói được ít nhất 10 từ; người lạ không thể hiểu hết 25% điều trẻ nói.

+ 19 - 21 tháng tuổi: không nói được ít nhất 20 từ; người lạ không thể hiểu hết 50% điều trẻ nói.

+ 22 - 24 tháng tuổi: không nói được ít nhất 50 từ; không biết sử dụng cụm hai từ; người lạ không thể hiểu hết 60% điều trẻ nói.

+ 2 - 2.5 tuổi: không nói được khoảng 400 từ, bao gồm gọi tên, nói theo cụm từ hai - ba từ; sử dụng đại từ; người lạ không thể hiểu hết 75% điều trẻ nói.

+ Từ 2.5 - 3 tuổi: chưa biết sử dụng số nhiều và thì quá khứ; chưa đếm 1 đến 3 một cách chính xác; chưa dùng 3-5 từ /câu; người lạ không thể hiểu hết 90% điều trẻ nói.

+ 3 - 4 tuổi: chưa dùng được 3-6 từ/ câu; chưa biết đặt câu hỏi, trò chuyện, liên kết các sự kiện, kể chuyện.

+ 4 -5 tuổi: chưa dùng được 6-8 từ/câu; chưa biết gọi tên chính xác bốn màu sắc; chưa đếm đúng từ 1-10.

Đến giai đoạn 2-3 tuổi, nếu bé có những biểu hiện sau thì nên cho con đi khám

- Chỉ biết bắt chước hành động, âm thanh mà không tự mình phát âm từ hoặc cụm từ.

- Không biết tuân theo các chỉ dẫn đơn giản.

- Chỉ nói được một số từ ngữ quen thuộc, lặp đi lặp lại, không biết dùng ngôn ngữ để trò chuyện với người khác.

- Có giọng nói khác thường (bắt chước tiếng con vật, giọng nghe the thé…).

- Phát âm khó nghe. Thông thường, ba mẹ sẽ hiểu được ½ số từ trẻ nói khi bé được 2 tuổi và hiểu được ¾ số từ bé nói khi được 3 tuổi. Đến khi 4 tuổi phải nghe hiểu được hết, thậm chí người lạ cũng hiểu được những gì bé nói.

Giai đoạn 2-3 tuổi, nếu bé có những biểu hiện sau nghĩa là con bị chậm nói, ba mẹ nên đưa đi khám - Ảnh 1

Cải thiện tình trạng chậm nói ở trẻ thế nào?

- Khi trẻ chậm nói, cha mẹ có thể đưa con khám ở phòng khám chuyên khoa tâm lý để khám sàng lọc, đánh giá và điều trị cho trẻ.

- Sự hỗ trợ từ gia đình: Gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giáo dục và phát triển ngôn ngữ cho trẻ chậm nói. Phụ huynh cần phối hợp với bác sĩ và các chuyên gia trong quá trình bổ sung ngôn ngữ, cải thiện khả năng giao tiếp cho trẻ, hỗ trợ con phát triển đúng theo cột mốc tự nhiên.

Cụ thể, gia đình cần làm những điều sau:

- Dành thời gian nói chuyện, tương tác trực tiếp với con nhiều hơn.

- Không cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính trừ khi nó có liên quan đến các phương pháp học tập.

- Đưa trẻ ra ngoài tham gia các hoạt động vui chơi và tương tác xã hội nhiều hơn thay vì chỉ ở nhà học tập.

- Trao đổi với các chuyên gia để biết cách hỗ trợ giáo dục ngôn ngữ tại nhà cho trẻ chậm nói đúng cách.

- Giáo dục trẻ nhẹ nhàng, kiên nhẫn, tránh thể hiện thái độ cáu gắt, khó chịu, quát mắng với trẻ.

- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ chậm nói, tăng cường các nhóm thực phẩm tốt cho não bộ như cá, các loại hạt, sữa, rau xanh...

- Đọc sách, kể chuyện hay cho trẻ nghe nhạc cũng là cách kích thích và bổ sung ngôn từ cho con, chú ý nên dùng tiếng mẹ đẻ, tránh cho trẻ dùng các ngôn ngữ khác.

- Đặt ra các tình huống để kích thích con trò chuyện, tương tác với cha mẹ, chú ý hướng tới các nội dung mà con chú ý.

- Cố gắng kiểm soát để con luôn bình tĩnh, tránh các trạng thái căng thẳng hay bốc đồng quá mức.

- Để phòng tránh nguy cơ trẻ chậm nói, gia đình cần theo dõi các giai đoạn phát triển của con, không nên cho trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ, tăng cường giao tiếp trực tiếp với con hằng ngày. Bất cứ biểu hiện bất thường nào của trẻ cũng tiềm ẩn rất nhiều vấn đề nguy hiểm nên phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan.

Có 4 thứ mà bố mẹ nào cũng nên đầu tư cho con trong giai đoạn 0-3 tuổi, tạo tiền đề bật xa trong tương lai

Việc đầu tư vào giáo dục cho con trong 3 năm đầu đời là cực kỳ cần thiết và quan trọng.

TIN MỚI NHẤT