Phong tục ngày tết Việt Nam - Nét đẹp văn hóa Á Đông

Đời sống 28/12/2019 21:39

Cùng đếm ngược những ngày tới tết nguyên đán, bạn có cảm nhận được sự thay đổi của trời đất, của lòng người hay không? Những phong tục ngày tết Việt Nam bạn đã trải qua chưa?

Dịp tết âm lịch hay tết nguyên đán là ngày lễ lớn của người dân Việt. Sự rộn ràng hay háo hức được thể hiện qua các phiên chợ, những con đường ngập tràn sắc hoa hay những bến xe đông đúc người quay trở về quê hương để kịp đón tết bên gia đình. Cùng điểm lại những phong tục ngày tết Việt Nam để thấy hương vị tết đến gần trong bài viết dưới đây.

Phong tuc ngay tet viet nam
Phong tục ngày tết ở Việt Nam - Ảnh minh họa: Internet

Phong tục lì xì ngày tết

Phong tục lì xì đầu năm bắt nguồn từ đâu?

Ở Việt Nam nói riêng và các nước Á Đông nói chung trong dịp Tết nguyên đán đầu năm thường có lệ đặt tiền vào trong một chiếc phong bì có màu sắc đỏ hay vàng bắt mắt để mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Họ gọi tiền để mừng tuổi đó là tiền lì xì theo ngôn ngữ của người dân vùng miền Nam Việt Nam.

Phong tuc ngay tet viet nam 1
Phong tục lì xì ngày tết - Ảnh minh họa: Internet

Phong tục lì xì đầu năm mới có từ rất lâu rồi với nguồn gốc từ Trung Quốc. Chuyện xưa kể lại rằng vào đêm cuối cùng của năm có một con yêu quái với sở thích quái dị đó là sờ đầu trẻ nhỏ. Điều này làm cho các bạn nhỏ lo sợ không ngủ yên giấc thậm chí còn đâm ra ngớ ngẩn. Cha mẹ của trẻ rất lo lắng nên thường vào ngày này họ sẽ không ngủ để canh con mình cho đến khi sang đầu năm mới.

Có lần, 8 vị tiên dạo chơi qua thấy vậy liền hóa thân thành những đồng tiền nằm cạnh những đứa trẻ, cha mẹ chúng thấy có sự lạ bèn gói đồng tiền vào trong những chiếc túi nhỏ màu đỏ. Quả nhiên khi con yêu quái thấy những chiếc túi vải có đồng tiền thì bị làm cho kinh sợ và bỏ chạy bởi màu sắc chói mắt của chúng.

Câu chuyện kỳ diệu này được người dân lan rộng và trở thành tục lệ. Vào dịp đầu năm người lớn sẽ bỏ tiền vào trong những chiếc túi màu đỏ hay những màu sắc rực rỡ khác để lì xì cho trẻ nhỏ.

Lì xì đầu năm và ý nghĩa?

Phong tục lì xì là một nét đẹp văn hóa của người Việt cũng như nhiều nước trong khu vực. Ý nghĩa của phong tục này là mong muốn những điều tốt đẹp và may mắn đến từ những ngày đầu tiên của năm mới. Trẻ nhỏ sau khi chúc tết người lớn tuổi sẽ được họ lì xì lại với ý nghĩa chúc đứa trẻ luôn khỏe mạnh, chóng lớn và hạnh phúc.

Phong bao lì xì còn có một ý nghĩa khác, đó là sự kín đáo. Đây là lí do tại sao không đưa trực tiếp tiền mặt cho trẻ, bởi họ không muốn có sự so bì dẫn đến không vui trong ngày tết.

Hơn thế nữa, bao lì xì có màu đỏ là tượng trưng cho sự may mắn bởi màu đỏ là màu sắc mang đến sự may mắn ở các nước phương Đông. Bên cạnh đó bao lì xì còn tượng trưng cho sự tài lộc.

Phong tục gói bánh chưng ngày tết

Nguồn gốc của phong tục gói bánh chưng ngày tết

Từ thời các vua Hùng trị nước, tục gói bánh chưng ngày tết đã tồn tại và cho đến tận bây giờ dù là cuộc sống hiện đại với những thực phẩm đông lạnh hay thức ăn nhanh, đồ làm sẵn thì gói bánh chưng ngày tết vẫn là nét đẹp được duy trì.

Phong tuc ngay tet viet nam 2
Lang liêu làm bánh chưng bánh dày - Ảnh minh họa: Internet

Bánh chưng là lễ vật cúng tế trời đất được vua Hùng đời thứ 6 chọn nhân dịp giỗ tổ vua Hùng. Khi các quan lang khác dâng lên vua Hùng sơn hào hải vị thì Lang Liêu dâng lên cho vua cha bánh chưng và bánh dày. Đây là hai món ăn được làm từ nông sản thường ngày như đỗ xanh, gạo nếp, thịt lợn, lá dong cùng gia vị. Tuy nó là những nông sản bình dị nhưng hai loại bánh này lại tượng trưng cho trời và đất với hình dáng vuông của bánh chưng và tròn của bánh dày.

 Lễ vật của Lang Liêu được nhà vua coi trọng và Lang Liêu được truyền ngôi. Kể từ đó bánh chưng bánh dày trở thành lễ vật không thể thiếu trong những nghi thức thờ cúng tổ tiên. 

Ý nghĩa của phong tục làm bánh chưng ngày tết 

Phong tuc ngay tet viet nam 3
Nguyên liệu làm bánh chưng - Ảnh minh họa: Internet

“ Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” đây đã trở thành những thứ không thể thiếu để tạo nên hương vị ngày tết ấm cúng no đủ. Người Việt ta trồng lúa nước nên bánh chưng mang ý nghĩa mùa màng bội thu ấm no, ngày tết có bánh chưng như cả năm lương thực đầy nhà. 

Bên cạnh đó phong tục gói bánh chưng ngày tết cũng mang lại sự đầm ấm và gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Sau một năm bôn ba ngược xuôi, mọi người đều quay trở về nhà, cùng nhau gói bánh chưng, thức đêm giao thừa trông nồi bánh. Bên ngọn lửa ấm áp của nồi bánh chưng, họ sẽ kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn của năm qua cùng nhau quên hết những chuyện buồn để năm mới đến thật nhiều suôn sẻ và niềm vui.

Phong tục chơi hoa ngày tết

Phong tục chơi hoa hay còn gọi là cây cảnh ngày tết có từ lâu lắm cũng không ai nhớ nữa. Nhưng ngày tết bên cạnh những món ăn cổ truyền hay những hoạt động như dọn nhà hay mua quần áo mới thì mua hoa về nhà cũng là một việc được người dân hết sức để ý.

Mỗi loài hoa đều mang một ý nghĩa mà chủ nhà mong muốn trong dịp đầu năm mới:

  • Hoa đào ngày tết ở miền Bắc là biểu tượng cho mùa xuân, sắc hồng hay đỏ của nó là tượng trưng cho khí dương ấm áp, xua tan đi cái lạnh của những ngày cuối đông.
Phong tuc ngay tet viet nam 4
Hoa đào ngày tết - Ảnh minh họa: Internet
  • Người miền Bắc thích chơi đào thì người miền Nam lại thích chơi mai vàng bởi đây là tượng trưng cho sự ấm áp và sắc nắng phương Nam
Phong tuc ngay tet viet nam 5
Hoa mai vàng - Ảnh minh họa: Internet
  • Hoa cúc cũng được người Việt lựa chọn đặt trong nhà hay trước cửa với ý nghĩa nếp sống khiêm tốn và tâm hồn phong phú
  • Hoa đồng tiền tượng trưng cho tiền tài, gia chủ thích chơi hoa đồng tiền với mong ước tài lộc đầy nhà
Phong tuc ngay tet viet nam 6
Hoa đồng tiền ngày tết - Ảnh minh họa: Internet
  • Bên cạnh đó thược dược lại mang ý nghĩa vui vẻ và may mắn

Những phong tục ngày tết Việt Nam đều rất đẹp và nên được giữ gìn bởi chúng là cái hồn của văn hóa Việt. Nhờ có những phong tục này mà dù có đi đến chân trời nào thì người dân Việt vẫn nhớ đến một cái tết đoàn viên quây quần bên bếp lửa nấu bánh chưng. Những đứa trẻ mặt mày rạng rỡ khi nhận được lì xì hay đơn giản hơn là không khí tết ngập tràn với sắc hoa cũng làm cho lòng người xốn xang biết mấy.

13 điều tối kiêng kỵ ngày tết bạn không được phép làm

“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, dịp năm mới chắc chắn bạn và gia đình sẽ không muốn vô tình làm điều gì đó xui xẻo kiến vận may bị ảnh hưởng đúng không? Nếu chính xác là vậy thì hãy đọc ngay danh sách 13 điều kiêng kỵ ngày tết được đề cập dưới đây để tránh nhé.

TIN MỚI NHẤT