Cô gái ở Phú Thọ mất tứ chi trong một tháng, 'hồi sinh kỳ diệu’ nhờ tình yêu của mẹ ruột

Đời sống 16/05/2025 13:48

Cuộc sống không quá dư dả nhưng bình yên, được sống gần người mình yêu thương khiến Trần Thị Nga (SN 1995, quê Phú Thọ) mãn nguyện. Nhưng sự bình yên, hạnh phúc ấy đã bị phá vỡ vào những ngày cuối cùng của tháng 12/2024.

Theo thông tin từ VietNamNet, Trần Thị Nga (SN 1995, quê Phú Thọ) vốn có tổ ấm hạnh phúc bên người chồng hiền lành, xốc vác và 2 đứa con ngoan (bé gái 10 tuổi, bé trai 7 tuổi). Vào những ngày cuối cùng của tháng 12/2024, trong lúc đi làm, Nga đột nhiên bị sốt. Nghĩ bị cúm, chị không đi khám mà chỉ mua thuốc uống như thông thường. Hôm sau, triệu chứng nặng hơn, chị thấy buồn nôn, người mệt mỏi không còn chút sức lực.

Chị đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bị virut ăn vào cuống tim, viêm cơ tim. "Tôi phải lắp đặt ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể), lọc máu hoàn toàn, các cơ quan, bộ phận ảnh hưởng nặng, suy đa tạng, máu không lưu thông được đến các đầu chi dẫn đến hoại tử, phải cắt bỏ tứ chi để giữ mạng sống”.

Mọi thứ diễn ra trong chưa đầy 1 tháng. Một ngày tỉnh dậy, Nga thấy cơ thể mình chẳng còn vẹn nguyên. Người thân đứng vây quanh, mắt ai cũng đỏ hoe. Riêng mẹ chị – bà Đồng Thị Thúy (50 tuổi) mắt sưng húp.

Kể từ ngày đó, cuộc sống của Nga phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ ruột. Mẹ chồng chị mắc bệnh ung thư, bố chồng bị tai biến, chồng thì phải đi làm lo kinh tế, người duy nhất Nga có thể bám víu vào là mẹ ruột của mình. 

Cô gái ở Phú Thọ mất tứ chi trong một tháng, 'hồi sinh kỳ diệu’ nhờ tình yêu của mẹ ruột - Ảnh 1
Nga phải cắt bỏ tứ chi vì cơn bạo bệnh 

Nga nhớ rõ, khi tỉnh dậy sau 7 ngày hôn mê lâm sàng, người đầu tiên chị nhìn thấy là mẹ đẻ. Câu nói đầu tiên được nghe là lời thủ thỉ: “Cố lên con nhé! Gia đình và mọi người chờ con bình phục để về với 2 con của con”.

2 tháng điều trị tại bệnh viện, Nga có mẹ kề cạnh ngày đêm. Thời gian đầu, chị phải ở trong phòng riêng, cách biệt với gia đình. Nhiều đêm, chị thấy mẹ không ngủ được, cứ đứng ngoài cửa kính nhìn con với ánh mắt đầy hy vọng.

Khi được xuống phòng điều trị, mọi hoạt động sinh hoạt cá nhân của Nga như đánh răng, đi vệ sinh, tắm rửa, ăn uống... đều do mẹ phụ trách. Cho đến giờ, gần nửa năm trôi qua, cuộc sống của Nga vẫn được vận hành như vậy.

 

Gần 6 tháng qua, bà Thúy làm mẹ toàn thời gian. Từ khi con gái lâm bệnh, bà đã bỏ lại việc đồng áng, buôn bán hoa quả để có điều kiện chăm sóc con. Bà Thúy nói: “Tôi như sinh con, nuôi con một lần nữa nhưng lần này gian nan, vất vả hơn nhiều”.

Như chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh, mỗi ngày của bà bắt đầu từ việc vệ sinh cá nhân cho con, đút con ăn sáng. Buổi trưa nấu cho con ăn, đút con ăn trưa, buổi chiều tắm rửa, vệ sinh cho con và nấu bữa tối cho cả gia đình.

Cô gái ở Phú Thọ mất tứ chi trong một tháng, 'hồi sinh kỳ diệu’ nhờ tình yêu của mẹ ruột - Ảnh 2
Bà Thúy chăm sóc con gái những ngày ở viện 

Mọi hoạt động của Thúy dù là nhỏ nhất đều do bà Thúy đảm nhiệm. “Khi con còn nhỏ, cho ăn thế nào con ăn thế đó. Giờ thì khó hơn, con không muốn ăn là mình không ép được, mà thấy con bỏ bữa thì thương. Người bị bệnh đôi khi khó chiều bởi họ vốn sẵn mệt nhọc trong người. Thành ra, chăm sóc người bệnh phải thật bao dung, kiên nhẫn”, bà Thúy nói.

Nhớ lại thời điểm con mới phát hiện bệnh, bà Thúy vẫn còn nguyên nỗi xúc động. Khi biết con phải cắt bỏ tứ chi để giữ lại mạng sống. Bà Thúy đau thấu tâm can. Bà vừa thương con chịu đau đớn, vừa lo con không chịu nổi cú sốc này. Cuối cùng, bà quyết định, để vực dậy được con thì bản thân phải tự vực dậy trước.

“Cú sốc không chỉ của con bé mà của cả gia đình tôi, ai cũng bưng mặt khóc. Rồi tôi nghĩ, nếu không khí gia đình cứ u ám như vậy thì con bé biết sống thế nào. Vậy là tôi động viên cả nhà, phải vững vàng để làm chỗ dựa cho con”, bà tâm sự.

Bà xem đó là số mệnh của cuộc đời và việc của mình là phải lạc quan đối diện. Biết Nga thương con, bà thường lấy hai đứa trẻ ra để động viên con gái.

“Tôi bảo với con, dù mình khuyết chân, khuyết tay nhưng còn được sống để nhìn thấy con lớn khôn là còn may mắn. Còn tôi, chỉ cần thấy con ăn ngon, tinh thần phấn chấn là tôi vui rồi”, bà Thúy chia sẻ.

Cô gái ở Phú Thọ mất tứ chi trong một tháng, 'hồi sinh kỳ diệu’ nhờ tình yêu của mẹ ruột - Ảnh 3
Bà Thúy là chỗ dựa vững vàng cho con gái 

Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, Viêm cơ tim là tình trạng các tế bào cơ tim (không phải lớp ngoài - ngoại tâm mạc và lớp trong - nội tâm mạc) của cơ tim bị tổn thương  do nhiều tác nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng viêm, hoại tử tế bào cơ tim mà không do nguyên nhân tắc mạch máu nuôi tim (nhồi máu cơ tim).

Tần suất mắc của bệnh hiện nay chưa được rõ do bệnh cảnh lâm sàng rất phong phú từ nhẹ đến nặng dẫn đến nhiều trường hợp bị bỏ qua và triệu chứng không đặc hiệu (chẩn đoán chỉ được xác định chính xác bằng sinh thiết cơ tim - một việc khó làm trên thực tế) nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác. Trong một số nghiên cứu, có khoảng 1 - 9% số bệnh nhân (có triệu chứng nghi ngờ) được chẩn đoán chính xác là viêm cơ tim khi làm sinh thiết cơ tim và ở người trẻ, 42% đột tử là do viêm cơ tim cấp. Ở người nhiễm HIV, có tới trên 50% mẫu sinh thiết cho thấy những biểu hiện viêm rất rõ của tế bào cơ tim.

Cô gái ở Phú Thọ mất tứ chi trong một tháng, 'hồi sinh kỳ diệu’ nhờ tình yêu của mẹ ruột - Ảnh 4
Hình ảnh viêm cơ tim

 

Cơ chế cơ tim bị tổn thương sau nhiễm virut có lẽ chủ yếu do cái gọi là phản ứng tự miễn dịch. Virut và các thành phần của nó có cấu trúc tương tự như sợi myosin của cơ tim nên khi cơ thể sinh ra kháng thể chống lại virut thì lại “đánh nhầm” sang cả cơ tim. Bên cạnh đó, hàng loạt phản ứng viêm xảy ra sau khi tác nhân gây bệnh xâm nhập tế bào cơ tim dẫn đến hiện tượng phù nề, xung huyết, hoại tử cơ tim và quá trình viêm kết thúc bằng việc cơ tim bị xơ hóa, phì đại dẫn đến chức năng co bóp tống máu bị giảm hay tim bị suy (nếu bệnh nhân qua được giai đoạn cấp của viêm cơ tim).

Có thể tổng kết lại quá trình gây thương tổn cơ tim do virut gây ra gồm 3 giai đoạn: giai đoạn đầu là những thương tổn trực tiếp do virut gây ra khi virut xâm nhập và phá hủy tế bào cơ tim; giai đoạn hai là những thương tổn do quá trình tự miễn dịch được hoạt hóa sau khi virut xâm nhập và giai đoạn ba, muộn hơn, là giai đoạn “hàn gắn” tổn thương biểu hiện bằng việc “tái cấu trúc” tế bào cơ tim dẫn đến hậu quả là bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị bệnh cơ tim phì đại sau này. Các tác nhân gây bệnh khác như vi khuẩn, ký sinh trùng, độc chất… thì gây thương tổn trực tiếp hoặc qua các chất trung gian hóa học của quá trình viêm lên tế bào cơ tim.

Thực hư về vụ việc bé gái 13 tuổi bị đánh thuốc mê, bắt cóc tại Hải Phòng

Công an xã Vĩnh Hòa đang phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng tiếp tục xác minh về vụ việc bé gái 13 tuổi bị đánh thuốc mê, bắt cóc tại Hải Phòng.

TIN MỚI NHẤT