Những món ngon thường thấy trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc

Dinh dưỡng 05/01/2023 11:50

Nếu bạn muốn biết mâm cỗ ngày Tết miền Bắc, đặc biệt là mâm cỗ truyền thống của người Hà Nội có những gì khác biệt so với các vùng miền khác thì tham khảo ngay bài viết sau đây nhé.

Nội dung bài viết

Cứ mỗi năm Tết đến, Xuân về, mọi người dù đi xa cũng đoàn tụ cùng gia đình để tận hưởng không khí quây quần bên mâm cơm ngày Tết. Dù giàu nghèo khác biệt, ở các vùng miền khác nhau, mâm cỗ ngày ngày Tết miền Bắc hay miền Trung, miền Nam đều mang chung ý nghĩa không chỉ là nơi ăn uống mà còn là dịp mọi người cùng chia sẻ những buồn vui, được mất trong năm, để rồi cùng phấn đấu sang năm mới nhiều điều may mắn, tốt lành sẽ đến. Và mâm cỗ ngày Tết bao giờ cũng đầy đủ, chu đáo với những món ăn ngon nhất. Và hôm nay, hãy cùng tìm hiểu một chút về văn hóa ẩm thực của người miền Bắc trong ngày Tết qua mâm cỗ ngày Tết miền Bắc nhé.

Những món ngon thường thấy trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc - Ảnh 1
 Mâm cơm thịnh soạn ngày tết miền Bắc!

Những món ăn trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc

Theo phong tục, mâm cỗ ngày Tết miền Bắc thường có bát miến hoặc bún, phở, một đĩa thịt gà luộc, giò, chả, thịt lợn thì tùy nơi, có thể là luộc hoặc kho, và đĩa bánh chưng. Các món ăn cơ bản sẽ tượng trưng cho đủ 4 mùa trong năm: Xuân, hạ, thu, đông. Cũng có nơi cho rằng, 4 món ăn chính này lại tượng trưng cho 4 phương vị: Đông, Tây, Nam, Bắc. Về số người cho 1 mâm cỗ thì thường là 6 (lộc), với mâm cỗ to thì là 8 (phát).

Với phong vị vốn có, mâm cỗ ngày Tết miền Bắc vẫn giữ được những nét truyền thống riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, ở thủ đô, mâm cỗ truyền thống của người Hà Nội lại càng đầy đủ và đậm nét văn hiến. Chúng ta sẽ cùng điểm qua và tìm hiểu kỹ hơn những món ăn tuyệt ngon trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc nói chung và mâm cỗ truyền thống của người Hà Nội nói riêng nhé.

Bánh chưng

Những món ngon thường thấy trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc - Ảnh 2
 Bánh chưng - món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết miền Bắc!

Không có bánh chưng thì còn gọi gì là Tết. Một loại bánh có lịch sử lâu đời thể hiện sự kết tinh của người Việt trong văn hóa ẩm thực. Ngày nay, khi cuộc sống có phần tất bật, bận rộn hơn xưa, nên các gia đình thường đặt bánh chưng ở tiệm rồi mang về. Ở một số vùng quê, nông thôn thì mới giữ được nét xưa là trông bánh chưng đêm giao thừa. Bánh chưng ngon phải đủ các tiêu chuẩn sau: bánh vuông vức, màu xanh đậm, thơm mùi nếp, lá, bánh nếm cần phải đủ vị, đậm đà, nhưng không dính quá, nhân phải ngậy mà không béo,…Có như vậy mới gọi là bánh chưng ngon.

Đây cũng là một sự khác biệt lớn so với mâm cỗ ngày Tết miền Nam bởi ở miền Nam là dùng bánh tét thay vì cho bánh chưng. 

Dưa hành

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Nếu xét ra thì dưa hành còn “trên cơ” bánh chưng trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc. Với món ăn bình dị này, việc thưởng thức cùng bánh chưng hay thịt đông thì còn gì tuyệt hơn. Mà ai cũng biết, ngày Tết thiếu rau xanh và ăn nhiều đồ mỡ, ngấy, nóng, sử dụng dưa hành để chống cháy chính là giải pháp tốt nhất.

Thịt gà luộc 

Thịt gà luộc là món ăn yêu thích của gia đình trong mâm cỗ ngày Tết
Thịt gà luộc là món ăn yêu thích của gia đình trong mâm cỗ ngày Tết! 

Thịt gà luộc cũng là một món không bao giờ thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc, đặc biệt là trong mâm cỗ truyền thống của người Hà Nội. Thịt gà thường là chặt ra từng miếng, rắc thêm lá chanh, ớt, chấm với bột canh là chuẩn đúng vị ngon mà khi đi xa nhiều người thường nhớ mãi.

Giò chả

Đã có bánh chưng, thịt gà, dưa hành thì chắc chắn không bao giờ có thể thiếu được khoanh giò trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc được. Khoanh giò ngon ăn cùng xôi và dưa hành cũng là một món ăn ngon ngày Tết, mang đúng hương vị ngày Tết cho nhiều gia đình. Các gia đình thường đặt giò từ rất sớm để đến ngày 30 mang về bày biện trên mâm cỗ ngày Tết miền Bắc cúng gia tiên trước rồi sau đó cả gia đình mới bên nhau quây quần thưởng thức món ngon này.

Canh măng 

Canh măng thanh ngọt luôn xuất hiện trong mâm cỗ truyền thống người Hà Nội
 Canh măng thanh ngọt luôn xuất hiện trong mâm cỗ truyền thống người Hà Nội!

Trong mâm cỗ ngày Tết luôn có một bát canh, thường thì các gia đình sẽ làm canh măng, hoặc một bát miến măng, móng giò nấu măng để chuẩn bị cho mâm cỗ truyền thống của người Hà Nội. Vị măng thơm, thanh nên món canh măng cũng thành một món khoái khẩu của nhiều người khi thưởng thức mâm cỗ ngày Tết.

Thịt trâu, bò gác bếp

Chính ra đây là món ăn vặt và dùng làm mồi nhậu, lai rai thì đúng hơn. Nhưng điều kiện kinh tế đi lên, nhiều nhà đã đưa món ăn này vào mâm cỗ ngày Tết miền Bắc. Cứ tưởng tượng, trời Tết mưa phùn, gió bấc, mọi người trong nhà quây quần với ít thịt trâu bò khô gác bếp, vừa nhâm nhi chén rượu nồng thì còn gì tuyệt hơn.

Lẩu

Những món ngon thường thấy trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc - Ảnh 5
Nồi lẩu ấm nóng vô cùng thơm ngon và dinh dưỡng cho ngày Tết!

Đây có lẽ không được gọi là 1 món, vì nó bao gồm nhiều món hợp lại. Điểm lợi ích của lẩu chính là sự ấm cúng. Nồi lẩu sôi giữa mâm cho không khí thêm phần ấm áp. Ngồi ăn lẩu thì thường khá lâu, càng có thời gian hàn huyên tâm sự càng thân thiết và ấm cúng.

Trên đây là tổng hợp những món ngon thường thấy trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc. Ngoài ra, còn rất nhiều món ngon khác như canh bóng, chè kho, thịt đông,...góp phần mang lại sự đủ đầy và nhiều hương vị sắc màu cho mâm cỗ ngày Tết miền Bắc. Có thể nói, mỗi dịp tết là dịp chúng ta được thưởng thức những tinh hoa ẩm thực của mỗi vùng miền, hy vọng với dịp tết này, các chị em độc giả sẽ được "đắm mình" vào nét tinh hoa, đầy hương vị của nền ẩm thực tết miền Bắc nhé!

Cách làm mứt khoai lang dẻo đơn giản nhất nhưng cho hương vị ngon nhất

Thay vì chọn mứt giòn, hôm nay bạn có thể biến tấu với cách làm mứt khoai lang dẻo cực ngon mà ai cũng thích. Vào bếp và thử tay nghề ngay thôi nào.

TIN MỚI NHẤT