Sơn La: Một phụ nữ nhờ đồng nghiệp nặn ra con sán ngoe nguẩy từ ngực

Xã hội 22/11/2018 09:06

Sau khi phát hiện nốt đỏ trên ngực, chị H. nhờ đồng nghiệp nặn vì nghĩ là mụn.

Sơn La: Một phụ nữ nhờ đồng nghiệp nặn ra con sán ngoe nguẩy từ ngực - Ảnh 1
Bệnh nhân Lò Thị H. Ảnh: Hà Nội mới

Báo Vietnamnet đưa tin, mới đây, bệnh nhân Lò Thị H. (30 tuổi), trú tại xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La nhập viện với triệu chứng sốt, tổn thương vùng cận ngực. 

Chị H. cho biết, thời gian gần đây chị phát hiện một nốt đỏ trên ngực phải kích cỡ 0,5x0,5cm, đau nhẹ kèm theo ngứa. 

Tại phòng khám tư, bác sĩ thăm khám nghi bệnh nhân bị viêm tuyến vú. Khi ra về, chị H. nhờ đồng nghiệp nặn vì nghĩ là mụn. Sau nặn, một sinh vật khá lớn trồi lên, ngọ nguậy khiến cả 2 cùng hốt hoảng.

Ngay sau đó chị H. đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng TƯ khám lại vì nghi sinh vật kia là sán. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh phẩm là sán lá gan lớn (Fasciola).

Chị H. chia sẻ, ngoài việc thỉnh thoảng thấy nhói đau nhẹ ở ngực, không có triệu chứng gì đặc biệt.

Thông tin trên báo Hà Nội mới, TS.BS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Khám bệnh - Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương cho biết, trước khi nhập viện 1 tuần, bệnh nhân H. phát hiện có tổn thương ở vùng cận ngực, khoảng 5cm.

Các bác sĩ kết luận đây là một ca sán lá gan lớn lạc chỗ rất hiếm gặp vì bệnh này thường gặp ở gan. Ngoài ra, nếu là sán lá gan lạc chỗ thường gặp ở cơ thẳng gần bụng, cơ tim, hoặc ở phổi, còn bệnh nhân này bị ở vú.

Sơn La: Một phụ nữ nhờ đồng nghiệp nặn ra con sán ngoe nguẩy từ ngực - Ảnh 2

Bệnh nhân được thăm khám tại Khoa Khám bệnh Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương. Ảnh: Hà Nội mới

TS.BS Trần Huy Thọ cho biết thêm, bệnh nhân có một thói quen là hay ăn lẩu, ăn các loại rau thuỷ sinh, trồng dưới nước như rau cần, rau ngổ... là yếu tố có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Vì ấu trùng sán thường bơi trong nước sau đó tìm một cá thể để ký sinh như ốc, hoặc bám vào rau trồng thuỷ sinh.

Khi được hỏi về khả năng hồi phục của bệnh nhân sau khi điều trị, TS.BS Trần Huy Thọ cho biết, việc điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh sán lá gan thì không khó, chỉ khoảng một tuần là ổn định, nhưng tổn thương gan thì phải từ 1 tháng mới hết. 

Tùy vào thể trạng từng người quá trình điều trị sẽ nhanh hay chậm. Có người đáp ứng thuốc tốt thì 1 tháng, có người chậm phải 6 tháng mới hồi phục.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm thông tin trên báo VnEXpress, sán lá gan lớn là loại sán dài 3-4 cm. Người bệnh thường nhiễm sán do không tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm như: Ăn thức ăn tái, nội tạng động vật nhiễm sán chưa được nấu chín, uống nước lã... 

Sau khi đi vào cơ thể người, sán ký sinh trong gan mật, trường hợp bất thường sán có thể ký sinh trong cơ, dưới da (ký sinh lạc chỗ). Tùy vào số lượng sán và vị trí khu trú mà bệnh nhân có những biểu hiện điển hình hoặc không điển hình.

Triệu chứng khi nhiễm sán:

- Mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút.

- Sốt: Sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc sốt chỉ thoáng qua rồi tự hết, đôi khi sốt kéo dài.

- Thiếu máu: Da xanh, niêm mạc nhợt gặp ở các trường hợp nhiễm kéo dài đặc biệt ở trẻ em.

Triệu chứng tiêu hóa:

- Đau bụng: Đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị - mũi ức. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng.

- Bệnh nhân có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn.

- Một số bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của các biến chứng như tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa...

Cậu bé Hàn Quốc với quả đầu chôm chôm đáng yêu đến mức ai cũng muốn đem về nuôi

Mái tóc chỉa ra khắp xung quanh đã khiến cậu bé Minggu trông cực kì ngộ nghĩnh, đáng yêu như 1 chú nhím con.

TIN MỚI NHẤT