Lính cứu hỏa trong vụ cháy ở Hà Nội kể lại giây phút chạy đua với 'bà hỏa', tiếc nuối vì không thể cứu thêm nhiều người

Xã hội 24/05/2024 13:36

Người lính PCCC&CNCH cho biết, mặc dù đã vào được phía trong tòa nhà nhưng từ vị trí đó, anh không thể tiếp cận được sang các khu vực khác để giải cứu các nạn nhân mắc kẹt, bởi khu vực đó không có lối đi ra ngoài mà chỉ có cầu thang đi xuống.

Sau quá trình chữa cháy, cứu hộ ở căn nhà trọ 5 tầng ở số 1, ngách 43/98/31 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ trên báo Dân Trí, Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh (31 tuổi), Tiểu đội trưởng, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực số 2, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), Công an Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng. 

Anh cho biết, khoảng 0h30 ngày 24/5, đơn vị của anh nhận được tin báo hỗ trợ chữa cháy từ Trung tâm chỉ huy 114. Sau đó, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực số 2 đã điều 2 xe chữa cháy cùng 13 cán bộ chiến sỹ tới hiện trường, Thượng úy Tuấn Anh cũng nằm trong số đó.

"Khi đến hiện trường, xe chữa cháy không thể tiếp cận vào bên trong, các chiến sỹ chữa cháy phải vác theo dụng cụ phá dỡ, bình dưỡng khí... rồi chạy bộ vào khu nhà cháy. Lúc đó, tôi cùng một chiến sỹ nữa đục đường bên ngoài để tiếp cận vào phía trong căn nhà trọ, bởi bên ngoài cửa chính cháy rất lớn, căn nhà này chỉ có một lối vào duy nhất", Thượng úy Tuấn Anh kể.

Lính cứu hỏa trong vụ cháy ở Hà Nội kể lại giây phút chạy đua với 'bà hỏa', tiếc nuối vì không thể cứu thêm nhiều người - Ảnh 1
Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh - Ảnh: Dân Trí

Theo anh Tuấn Anh, ngôi nhà trọ chỉ có một cửa chính nhưng bị khóa. Lực lượng PCCC phải dùng dụng cụ để cắt. Tuy nhiên lối vào này không thể tiếp cận được phía trong, bởi rất nhiều xe máy, xe điện dựng ở lối vào và giữa sân đang bốc cháy lớn.

"Rất may khi đó tôi nhìn thấy một ô tường gạch tại tầng 3 đã bị đục ra, bên trong có một chiếc thang dây của người dân thả từ ô cửa sổ ra phía sau, nên tôi đã dùng nó để trèo vào trong tòa nhà rồi tìm kiếm các nạn nhân" Thượng úy Tuấn Anh nói và cho biết, khi leo lên tầng 3, anh đã giải cứu và đưa được 4 nạn nhân thoát ra ngoài an toàn.

Người lính PCCC&CNCH cho biết, mặc dù đã vào được phía trong tòa nhà nhưng từ vị trí đó, anh không thể tiếp cận được sang các khu vực khác để giải cứu các nạn nhân mắc kẹt, bởi khu vực đó không có lối đi ra ngoài mà chỉ có cầu thang đi xuống. Tuy nhiên phía dưới lửa đang cháy lớn, khu vực sân chung của tòa nhà chất đầy xe máy, xe điện đang bốc cháy.

"Phải mất rất nhiều thời gian, khi đám cháy ở khu vực cửa chính được dập tắt, anh em cứu hỏa mới có thể tiếp cận được vào phía trong dãy nhà trọ. Khi vào phía trong, anh em cứu hỏa đã cứu thêm được 3 người sống sót đưa ra ngoài, còn những người đã tử vong chủ yếu nằm tại khu vực cầu thang của dãy nhà trọ phía trong.

Đây cũng là nơi khó tiếp cận nhất của vụ cháy. Bên ngoài dãy nhà trọ là nơi chủ nhà ở, còn phía trong là nơi người dân đến thuê trọ, anh Tuấn Anh kể lại.

Lính cứu hỏa trong vụ cháy ở Hà Nội kể lại giây phút chạy đua với 'bà hỏa', tiếc nuối vì không thể cứu thêm nhiều người - Ảnh 2
Chỉ có 1 lối cầu thang đi xuống trong căn nhà 5 tầng - Ảnh: VOV

Đã công tác trong lĩnh vực PCCC hơn 13 năm nay, nhưng có lẽ đây là một trong số những vụ cháy khiến Thượng úy Tuấn Anh không thể nào quên. Anh Tuấn anh nói rằng bản thân cảm thấy buồn và nuối tiếc khi không thể cứu thêm được nhiều người hơn nữa.

Theo thông tin từ báo Thanh Niên, sau vụ cháy thương tâm, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho rằng không chỉ khu vực Trung Kính, Hà Nội còn rất nhiều khu vực khác có các công trình như trong vụ cháy khiến 14 người chết vừa xảy ra.

Ông An đề nghị phải có các giải pháp đồng bộ cả về ngắn hạn, dài hạn, kỹ thuật và mang tính bắt buộc, thì mới có thể ngăn chặn nguy cơ các vụ việc tương tự.

Trong số này, chính quyền địa phương cần có biện pháp mạnh tay hơn, nếu rà soát trên địa bàn thấy những công trình tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến tính mạng người dân thì phải dứt khoát xử lý. Trường hợp nhà không có lối thoát phải cưỡng chế, yêu cầu bỏ ngay vật cản hoặc thiết kế thêm lối thoát.

Ông gợi ý thêm, phải trang bị cho những công trình thuộc diện trên bình cứu hỏa, bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm...  "Lâu nay chúng ta đã rà soát nhưng tôi cho rằng mới chỉ đang nhắc nhở thôi. Như trường hợp vụ cháy 14 người chết, chúng ta yêu cầu khu vực ở trên mái nhà không quây tôn kín như vậy, phải mở trống ra, nhưng thực tế ngồi nhà xảy ra cháy có mái tôn ở sân bịt kín, trong khi dưới tầng 1 là kinh doanh xe đạp điện", ông nêu.

Lính cứu hỏa trong vụ cháy ở Hà Nội kể lại giây phút chạy đua với 'bà hỏa', tiếc nuối vì không thể cứu thêm nhiều người - Ảnh 3
Đại biểu Trịnh Xuân An - Ảnh: Thanh Niên 

Vẫn theo ông An, trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận về luật PCCC sửa đổi. Ông đề xuất, nếu cần thiết có thể thiết kế một mục riêng về PCCC đối với loại hình nhà ở. Các nội dung dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch hạ tầng đô thị, thẩm quyền của chính quyền địa phương, cũng như nghĩa vụ của công dân…

Riêng với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, ông An nhấn mạnh phải có phương án, giải pháp phòng cháy và ngăn cháy.

Dẫn chứng vụ cháy ở Trung Kính, khi ngôi nhà có tới hàng chục phòng trọ và cả cơ sở sửa chữa xe đạp điện, ông An cho rằng phải cấm loại hình kinh doanh (nhất là kinh doanh các vật liệu dễ cháy) kết hợp phòng trọ. 

"Không thể tạo ra rủi ro cao như vậy. Nhà mà có hàng chục người thuê trọ trở lên, hệ thống PCCC không đảm bảo, thì dứt khoát phải cấm", ông An nói.

Đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, ngôi nhà bị cháy là nhà ở gia đình và cho thuê để ở nằm trong ngõ nhỏ cách mặt phố Trung Kính khoảng 200m, diện tích nhà khoảng 150m2 trên tổng diện tích khu đất xây dựng là 205m2, có 13 phòng cho thuê. Gia đình chủ nhà gồm 7 người; có 17 người đăng ký thuê để ở.

Sau khi nhận tin báo cháy, UBND quận đã chỉ đạo Đội Cảnh sát PCCC phối hợp cùng các lực lượng thực hiện công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Ngay khi đến hiện trường, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã triển tổ chức cắt, phá khóa cổng chính để triển khai lực lượng, phương tiện tiếp cận khu vực cháy qua sân chính, lối vào các gian phòng ở các tầng của ngôi nhà. Lực lượng chức năng cứu được 3 người.

Sau đó, lực lượng chức năng triển khai phá ô cửa sổ trên bề mặt tường ngoài tầng 2 của nhà ở hộ gia đình, sử dụng thang dây cứu nạn của nhà dân trang bị cứu được 4 người.

Sau khoảng 10 phút triển khai chữa cháy, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan sang các hộ gia đình liền kề. 

Vụ cháy khiến 14 người tử vong. Trong đó, 10 người được đưa đến nhà tang lễ Cầu Giấy (phố Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), 4 người được đưa đến nhà tang lễ Bệnh viện 19-8.

Nguồn: VietNamNet

Chân dung nhóm 'anh hùng không áo' đu thang dây, dùng búa đập tường cứu người mắc kẹt trong vụ cháy ở Hà Nội: Là sinh viên, mới 21 tuổi

Khoảng 1 giờ sáng ngày 24/5, khi đang ngủ, thì nghe được tiếng hô hoán lớn, biết có chuyện chẳng lành, anh vội chạy ra ngoài thì thấy ngọn lửa đã bao trùm ngôi nhà tầng bên cạnh, việc tiếp cận vô cùng khó khăn.

TIN MỚI NHẤT