Trong lúc cầm bóng chơi đùa, khí hydro phát nổ khiến bé gái bỏng nặng ở bàn tay phải

Tin y tế 01/02/2023 15:55

Sự việc thương tâm xảy ra khi bé gái đang chơi một loại bóng bay có bơm khí hydro.

Theo thông tin từ Báo Bắc Giang cho hay, ngày 1/2, bác sĩ Phạm Văn Đại, Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang đã tiếp nhận và điều trị một bệnh nhi 4 tuổi ở TP Bắc Giang bị bỏng bàn tay phải do nổ bóng bay bơm khí hydro. Người nhà bệnh nhân thông tin: Trước đó khoảng 10 ngày, gia đình mua bóng bay cho con. Trong lúc bé đang cầm bóng chơi đùa thì bất ngờ bóng phát ra tiếng nổ lớn gây bỏng bàn tay phải.

Trong lúc cầm bóng chơi đùa, khí hydro phát nổ khiến bé gái bỏng nặng ở bàn tay phải - Ảnh 1
Bé gái bị bỏng nặng ở bàn tay phải. Ảnh: Báo Bắc Giang

Sau khi đắp thuốc nam, vết thương không khỏi mà ngày càng lan rộng, gia đình vội đưa bé vào Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang điều trị. Qua kiểm tra, bác sĩ xác định trẻ bị bỏng độ 3, vết thương ở mu bàn tay phải, có tình trạng nhiễm trùng. Các bác sĩ đã nhanh chóng vệ sinh làm sạch vết thương, thực hiện kỹ thuật ghép da nhân tạo tại vị trí bị bỏng cho bệnh nhi.

Bác sĩ Phạm Văn Đại, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi này cho biết, thông thường bệnh nhân trưởng thành khi bị bỏng sau 2-3 tuần sẽ bình phục song với trẻ nhỏ, vết thương rộng cộng với việc dùng thuốc nam trước đó khiến việc điều trị mất nhiều thời gian hơn.

Trong lúc cầm bóng chơi đùa, khí hydro phát nổ khiến bé gái bỏng nặng ở bàn tay phải - Ảnh 2
Bệnh nhân điều trị bỏng nặng do bóng bay. Ảnh: Sức khỏe và đời sống

Đây không phải là sự việc hiếm, theo Báo Sức khỏe và đời sống trước đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang ngày 24/5 cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân T.H, 15 tuổi nhập viện do bỏng khí hydro.

Trước đó, khi em đang cầm dỡ chùm bóng bay có chứa khí hydro để trang trí thì bóng bỗng dưng phát nổ. Bệnh nhân bị bỏng rát vùng mặt và 2 cánh tay nên được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu.

Bệnh nhân bị bỏng vùng mặt, 1/3 dưới cánh tay 2 bên, cẳng tay 2 bên phồng rộp, loét trợt da đau nhức được chẩn đoán bỏng độ II, III (diện tích khoảng 7%). Khi vào khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh nhân đã được thăm khám, điều trị và chăm sóc các vết thương ngay.

Bác sĩ Quàng Văn Hải - Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang chia sẻ trên Báo VietNamNet cho hay, bóng bay bơm khí Hydro được sử dụng nhiều để trang trí nhất là vào dịp gặp mặt, kỷ niệm của học sinh cuối cấp (vào tháng 5 - 6 hàng năm) hoặc vào các dịp lễ Tết, sinh nhật.

Mặc dù bóng bay bơm khí hydro rất nguy hiểm nhưng không ít người dân lại chủ quan, không nhận thấy mối nguy của nó.

 

Trong lúc cầm bóng chơi đùa, khí hydro phát nổ khiến bé gái bỏng nặng ở bàn tay phải - Ảnh 3
Bóng bay được bày bán nhiều nơi. Ảnh: Báo Bắc Giang

Cũng theo Thanh Niên, hàng loạt vụ nổ bóng bay bơm khí hydro khiến nạn nhân nhập viện trong tình trạng bỏng nặng. Tuy nhiên, quả bóng bay, như những quả bom nổ chậm, vẫn được trẻ em và cả người lớn vô tư sử dụng.

Chị H.T.V (nhà ở đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đi ăn cưới và phấn khởi mang về cho con gái 6 tuổi một chùm bóng bay màu hồng. Chị cho hay, “tôi cũng hay mua bóng bay bơm khí hình con cá, con thỏ ngoài đường cho cháu chơi”. Hỏi chị V. về nguy cơ bị bỏng từ những quả bóng này, chị cười: “Tôi không nghĩ là bỏng được, trước giờ bọn trẻ vẫn chơi suốt”.

Chị V. không phải phụ huynh duy nhất nghĩ bóng bay bơm khí là an toàn. Những chùm bóng bay hình thú, bơm khí có thể bay được trên không được phụ huynh mua nhiều cho các con. Mỗi quả bóng được bán với giá 10.000 đồng - 20.000 đồng, tuỳ thuộc kích thước, hình thù.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, 48 tuổi, mẹ của nạn nhân Mai Phương Linh (bị bỏng do nổ bóng bay ngày 14.2, đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết: “Tôi không dám tưởng tượng những cháu còn rất nhỏ bị cả quả bóng hoặc chùm bóng sát người nổ tung thì sẽ bị tổn thương ra sao”, bà Nguyễn Thị Thu Hương Hương nói.

Theo VietNamNet, khí hydro rất dễ cháy, nếu có sự cố, khối hydro bị nén trong bóng bay sẽ phát nổ mạnh.

Do khoảng cách cầm bóng rất gần, vì vậy khi bóng nổ sẽ có nguy cơ gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt… Dù vết bỏng không sâu nhưng thường gặp ở những vị trí như đầu, mặt, cổ, tai và hai bàn tay… nên có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ.

Bác sĩ khuyến cáo tốt nhất người lớn không nên chơi hoặc không cho trẻ em chơi loại bóng này, bởi trẻ hiếu động, dễ khiến bóng tiếp xúc với các mối nguy gây phát nổ như nguồn lửa.

“Chỉ cần tàn thuốc lá của người xung quanh vô tình bắn vào hoặc tác động mạnh của lực cũng khiến bóng phát nổ”, bác sĩ Hải nói.

Nếu có người bị bỏng do khí hydro, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần làm mát bằng nước sạch trong thời gian từ 15-20 phút để giảm đau và giảm thương tổn ở vị trí bỏng.

Người bệnh cần được đưa đến đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được các bác sĩ thăm khám và điều trị đúng cách.

Kết luận chính thức vụ bé trai nghi hóc hạt bí tử vong ngày Tết Nguyên đán 2023

Thông qua báo cáo, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra kết luận, chẩn đoán chính thức về nguyên nhân bé trai tử vong khi nhập viện ngày 26/1 (tức mùng 5 Tết) vừa qua.

TIN MỚI NHẤT