Thực hư nồi chiên không dầu gây ung thư

Tin y tế 05/12/2022 14:27

Thật khó để phủ nhận những ưu điểm mà nồi chiên không dầu mang lại nhưng nếu dùng sai kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nồi chiên không dầu đã trở thành vật dụng trong nhà bếp được nhiều gia đình yêu thích thay thế cho chảo rán, lò nướng.

Với cơ chế làm nóng thanh nhiệt cùng hệ thống quạt luân chuyển nhiệt, nồi chiên không dầu có thể đẩy nhiệt độ lên tới 200 độ C. Vì vậy, các loại thực phẩm sẽ được nấu chín nhanh chóng, đồng thời có màu sắc đẹp mắt tương tự phương pháp chiên ngập dầu, người nội trợ có thể hạn chế từ 80 - 90% lượng dầu mỡ sử dụng.

Thật khó để phủ nhận những ưu điểm mà sản phẩm này mang lại. Tuy nhiên, việc sử dụng, chế biến các món ăn trên nồi chiên không dầu sai kỹ thuật tiềm ẩn không ít nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cách đây không lâu, Hiệp hội Người tiêu dùng Hong Kong đưa ra cảnh báo về nồi chiên không dầu dựa vào kết quả nghiên cứu được thực hiện trên 12 mẫu nồi phổ biến.

Thực hư nồi chiên không dầu gây ung thư - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng khoai tây thái lát mỏng và dùng nồi chiên không dầu để nấu chín. Kết quả, khoai tây nấu trong một nửa số thiết bị được thử nghiệm có chứa hàm lượng lớn acrylamide - chất được hình thành tự nhiên khi chế biến một số thực phẩm như khoai tây ở nhiệt độ cao. Theo Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC), acrylamide có thể có liên hệ với sự hình thành một số dạng ung thư ở tử cung, vú, tụy...

Cụ thể, khoai tây được chiên bằng mẫu nồi Imarflex IHF-26E giá 129 USD có lượng acrylamide cao nhất - 7.038 microgam/kg, gấp 13 lần mức tiêu chuẩn của EU - 500 microgam/kg. Đứng thứ hai là mẫu Denki DAF-35 giá 89 USD với 1.475 microgam/kg và thứ ba là mẫu ecHome AF1400BK 1.471 microgam/kg, gần gấp ba lần tiêu chuẩn châu Âu.

Acrylamide là gì?

Acrylamide là một hợp chất hữu cơ đã được Viện Ung thư liệt kê là chất gây ung thư loại 2a vào đầu năm 1994. So với các chất gây ung thư loại 1, nó không có khả năng gây ung thư rõ ràng nhưng có khả năng gây ung thư cao hơn.

Dù là nồi chiên không dầu hay các phương pháp nấu nướng khác, kể cả khi không cho dầu ăn vào, acrylamide vẫn sẽ sinh ra ở nhiệt độ cao.

Trên thực tế, vấn đề không phải ở bản thân nồi chiên không dầu mà là do phương pháp nấu ăn của chúng ta, nếu nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài hoặc quá lâu sẽ khiến thực phẩm sinh ra acrylamide.

Giáo sư Nora Tam Fung-yee, Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu và thử nghiệm của Hiệp hội Người tiêu dùng Hong Kong khuyên mọi người không nên ăn thực phẩm chiên bằng nồi chiên không dầu thường xuyên, tốt nhất nên chọn các phương pháp nấu ở nhiệt độ tương đối thấp như hấp và hầm có thể làm giảm việc sản xuất acrylamide.

Lưu ý khi sử dụng nồi chiên không dầu

 

Không chặn lỗ thông hơi

Nồi chiên không dầu sử dụng luồng không khí nóng để làm nóng và nấu thức ăn, vì vậy khi sử dụng được chặn cửa hút gió ở phía trên và cửa thoát khí ở phía sau, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả làm nóng và gây ra nhiệt độ bên trong tăng mạnh.

Thực hư nồi chiên không dầu gây ung thư - Ảnh 2

Ảnh minh họa.

Không dùng giẻ sắt để làm sạch

Sau khi sử dụng nồi chiên không dầu, bạn có thể làm sạch nó bằng vải cotton mềm hoặc miếng bọt biển. Tuyệt đối không được dùng giẻ sắt để vệ sinh vì điều này sẽ làm mất lớp tráng chống dính của nồi. Nếu nồi chiên không dầu bị hỏng mà vẫn tiếp tục được sử dụng sẽ dẫn đến giải phóng các chất độc hại vào thực phẩm, không có lợi cho sức khỏe.

Kiểm soát nhiệt độ và thời lượng

Nếu có thể, hãy cố gắng đặt nhiệt độ nấu của nồi chiên không dầu trong khoảng 120°C và kiểm soát thời gian trong khoảng 10 phút để tránh tạo ra quá nhiều chất có khả năng gây hại.

Không phụ thuộc vào nồi chiên không dầu

Nhiều người cho rằng không cho dầu vào sẽ không sinh ra acrylamide, trên thực tế nồi chiên không dầu hàm lượng dầu tuy tương đối nhỏ nhưng nướng ở nhiệt độ cao cũng sẽ sinh ra acrylamide.

Quan trọng hơn hết, người dùng cần tìm mua các sản phẩm nồi chiên không dầu đảm bảo chất lượng từ những thương hiệu cũng như đại lý phân phối uy tín. Không chỉ tiềm tàng nhiều nguy cơ nguy hiểm về kỹ thuật, vật liệu cấu tạo của các sản phẩm kém chất lượng sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Bé 2 tuổi liệt mềm toàn thân sau nhiễm virus Adeno: 5 dấu hiệu cần đưa tới bệnh viện ngay tránh biến chứng nguy hiểm

Bé 2 tuổi ở Phú Thọ đột ngột viêm não, liệt mềm toàn thân sau nhiễm virus Adeno. Các bố mẹ cần đưa con tới bệnh viện nếu thấy các biểu hiện dưới đây.

TIN MỚI NHẤT