Sau 4 ngày đi nhuộm tóc, cô gái ở Hà Nội nhập viện vì viêm loét, hoại tử vùng đỉnh đầu, phải cạo trọc

Tin y tế 28/08/2023 09:58

Do bệnh nhân vào viện muộn, tổn thương nặng, thầy thuốc phải cạo trọc đầu của bệnh nhân, cắt lọc, làm sạch tổ chức hoại tử; lấy da từ vùng khác để ghép lên đỉnh đầu.

Theo thông tin từ An ninh Thủ đô, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng - Bệnh viện Da liễu Trung ương, cơ sở này gần đây tiếp nhận một số trường hợp bị viêm loét, thậm chí hoại tử da đầu do ủ hóa chất làm tóc.

Mới đây nhất, cô gái 22 tuổi ở Hà Nội có tên N.T.M. vào viện trong tình trạng vùng đỉnh đầu viêm loét, ở chính giữa hoại tử rộng, màu tím đen. Do bệnh nhân vào viện muộn, tổn thương nặng, thầy thuốc phải cạo trọc đầu của bệnh nhân, cắt lọc, làm sạch tổ chức hoại tử; lấy da từ vùng khác để ghép lên đỉnh đầu.

Khi tổn thương ổn định, bác sĩ tiếp tục sử dụng các kỹ thuật tạo hình để xoay, chuyển vạt da mang nang tóc để che phủ vùng da đầu bị tổn thương không có tóc, giúp bệnh nhân phục hồi mái tóc.

Theo lời kể, cô gái trẻ này vừa tốt nghiệp đại học, quyết định đi tẩy màu tóc để tạo diện mạo mới. Thợ làm tóc ngoài ủ hóa chất còn gia tăng nhiệt để sớm đạt hiệu quả, lúc này cô gái cảm giác đỉnh đầu mình bỏng rát, như bốc cháy do vừa bị bỏng hóa chất vừa bỏng nhiệt.

Sau 4 ngày đi nhuộm tóc, cô gái ở Hà Nội nhập viện vì viêm loét, hoại tử vùng đỉnh đầu, phải cạo trọc - Ảnh 1
Phần đỉnh đầu của cô gái bị hoại tử - Ảnh: An ninh Thủ đô

Dẫn tin từ VnExpress, phần lớn sản phẩm tẩy tóc hiện nay chứa hai loại hóa chất chính là chất kiềm và chất oxy hóa. Chất kiềm làm mở vỏ sợi tóc, chất ô xy hóa phá vỡ cấu trúc hạt melamine và làm mất màu của tóc. Người nhuộm tóc càng thích tông màu lạnh (tóc sáng, bạch kim, màu xanh lá) càng phải tẩy tóc kỹ hơn (tẩy mạnh hoặc tẩy nhiều lần).

Hóa chất được bôi vào thân sợi tóc, không được để tiếp xúc với da đầu. Tuy nhiên, người thợ bôi quá sát chân tóc khiến hóa chất dính vào da đầu, dẫn đến bỏng. Thậm chí, do thay vì tẩy tóc nhiều lần với khoảng thời gian và nồng độ hóa chất phù hợp, người thợ có thể tăng hiệu quả bằng cách sử dụng các chất tẩy có nồng độ vượt quá giới hạn, sử dụng thêm nhiệt. Khi đó da đầu chịu "tổn thương kép", nguy cơ bỏng hóa chất, bỏng nhiệt.

Sau 4 ngày đi nhuộm tóc, cô gái ở Hà Nội nhập viện vì viêm loét, hoại tử vùng đỉnh đầu, phải cạo trọc - Ảnh 2
Quá trình tẩy tóc cần tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo của nhà sản xuất - Ảnh: Dân Trí

Bác sĩ khuyên người có tóc khô yếu, mỏng, dễ gãy rụng, không nên tẩy. Quá trình tẩy tóc cần tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo của nhà sản xuất. Không sử dụng các biện pháp thúc đẩy nhanh, mạnh quá trình tẩy tóc như băng bịt kín kết hợp với việc sử dụng nhiệt; hoặc dùng chất tẩy với nồng độ cao. Trong quá trình tẩy tóc, nếu thấy cảm giác quá khó chịu, đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc chuyên khoa da liễu.

Bé sơ sinh 7 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết, cha mẹ cần chú ý những gì?

Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết là một bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới, tuy nhiên, sốt xuất huyết Dengue ở trẻ sơ sinh rất ít gặp nên các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.

TIN MỚI NHẤT