Lạng Sơn: 20 người liên tục đau bụng, mệt mỏi, buồn nôn, nghi ngộ độc sau khi ăn hạt lạ

Tin y tế 29/03/2023 12:49

Các bác sĩ xác định đây là hạt của cây trẩu, có chứa chất độc Saponosid. Hạt trẩu có chứa dầu béo, thường dùng để pha sơn hoặc dùng làm phân bón, thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu.

Thông tin từ Báo VietNamNet, theo lời kể, chị H. cùng người nhà và hàng xóm nhặt được một loại hạt lạ, có hình dáng gần giống hạt dẻ, nên mang về cùng ăn. Sau ăn khoảng 30 phút, chị xuất hiện buồn nôn, đau bụng, đại tiện phân lỏng nhiều lần. 18 người cùng ăn loại hạt này cũng có triệu chứng tương tự. Trong đó, một số người được đưa đến Trung tâm y tế huyện Văn Quan điều trị.

Riêng chị H. do ăn số lượng nhiều hơn, các triệu chứng nặng nên được chuyển đến bệnh viện tỉnh điều trị.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc, xử trí rửa dạ dày cấp cứu, bơm than hoạt, bù dịch, điện giải. Sau khi sức khỏe ổn định, kết quả xét nghiệm chức năng gan thận, chuyển hoá trong giới hạn bình thường, bệnh nhân đã được xuất viện.

Lạng Sơn: 20 người liên tục đau bụng, mệt mỏi, buồn nôn, nghi ngộ độc sau khi ăn hạt lạ - Ảnh 1
Loại hạt mà gần 20 người ở Văn Quan, Lạng Sơn đã ăn trước khi vào viện. Ảnh: VTV

Từ loại hạt do gia đình người bệnh mang đến, các bác sĩ xác định đây là hạt của cây trẩu, có chứa chất độc Saponosid. Hạt trẩu có chứa dầu béo, thường dùng để pha sơn hoặc dùng làm phân bón, thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu.

Do chứa độc tính nên người bệnh sau khi ăn phải hạt cây trẩu từ 30 phút đến 4 giờ sẽ có các triệu chứng tức ngực, đau đầu, đau bụng, nôn, tiêu chảy. Trường hợp nặng có thể đại tiện ra máu, đau đớn toàn thân, khó thở, co giật, tê liệt và tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ăn các quả, hạt khi không biết rõ nguồn gốc. Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Theo VnExpress trước đó, Nhóm học sinh trường THCS Quang Trung, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, trong giờ ra chơi nhặt hạt cây ngô đồng rụng ở sân trường ăn, sau đó mệt mỏi, buồn nôn.

14 em được cô giáo chủ nhiệm và gia đình đưa đến Trung tâm y tế huyện Bảo Lâm cấp cứu, ngày 23/3. Bác sĩ chẩn đoán các em bị ngộ độc do ăn hạt cây ngô đồng.

Sau khi học sinh bị ngộ độc, Sở Y tế Lâm Đồng đề nghị các trường rà soát, xử lý cây ngô đồng trong khuôn viên và lắp đặt bảng cảnh báo độc. Các trường cũng được khuyến cáo loại bỏ cây, hoa có chất độc được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên.

Lạng Sơn: 20 người liên tục đau bụng, mệt mỏi, buồn nôn, nghi ngộ độc sau khi ăn hạt lạ - Ảnh 2

Quả và hạt ngô đồng. Ảnh: VnExpress

Cây ngô đồng, tên khoa học là Hura crepitans L., thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae, được trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới làm cây bóng mát ven đường và vườn hoa. Hạt chứa chất curcin, có hại cho đường tiêu hóa và gan. Người ăn sẽ bị đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, nặng nề hơn có thể xuất huyết đường tiêu hóa, rối loạn thần kinh.

Đông y dùng vỏ cây ngô đồng làm thuốc tẩy, trị táo bón, chữa mụn nhọt, có thể sắc nước uống. Chính quyền địa phương sau đó quyết định chặt bỏ cây ngô đồng và cả các cây có thể gây ngộ độc trồng trong trường học. Bộ Y tế cũng khuyến cáo một số loại cây, hoa có chứa chất gây độc hoặc nghi ngờ gây độc thường gặp như cây ngô đồng, cây thầu dầu.

Hà Tĩnh: Cả làng nổi mẩn ngứa khắp người, nguồn bệnh từ một loài bọ chét phát tán số lượng lớn

Nhiều bệnh nhân nhận thấy cơ thể nổi mẩn đỏ, vết gãi dẫn đến ngứa, xây xát da nghiêm trọng, không thuyên giảm thời gian dài.

TIN MỚI NHẤT