Bị ve mò cắn, cụ bà nhập viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, đau nhức toàn thân

Tin y tế 31/08/2023 10:10

Bà cụ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mê man.

Theo thông tin từ Thanh Niên, ngày 30/8, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thị Mỹ Châu (Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cho biết bà cụ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mê man. Bác sĩ đo sinh hiệu, phát hiện huyết áp thấp, nồng độ oxy trong máu giảm còn khoảng 93%. Người bệnh được chuyển ngay vào phòng Hồi sức tích cực, dùng kháng sinh toàn thân liều mạnh và tỉnh lại.

Qua thăm khám, phát hiện cụ có vết loét ở dưới nếp lằn tại ngực - một dấu hiệu điển hình của bệnh sốt ve mò. Hỏi thăm bệnh sử, vùng dịch tễ, người bệnh cho biết xung quanh nhà có trồng vườn, bà thường xuyên ra vườn quét dọn vườn chôm chôm.

Xác định người bệnh mắc bệnh sốt mò, bác sĩ Châu quyết định ngưng các loại thuốc kháng sinh thông thường. Người bệnh được dùng một loại kháng sinh truyền đường tĩnh mạch chuyên điều trị bệnh sốt mò.

Trước đó, bà đi khám tại nhiều bệnh viện lớn, được chẩn đoán nhiễm trùng nhưng chưa rõ nguyên nhân, cho dùng thuốc và về nhà tự theo dõi. Tuy nhiên, tình trạng sốt, mệt mỏi, đau nhức không thuyên giảm. 

Ngay sau dùng thuốc, người bệnh phục hồi nhanh, ngưng sốt, nồng độ oxy máu và huyết áp ổn định dần. Sau 7 ngày điều trị, người bệnh tỉnh táo, ăn uống bình thường và xuất viện.

Bị ve mò cắn, cụ bà nhập viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, đau nhức toàn thân - Ảnh 1
Cụ bà bị ve mò cắn - Ảnh: Thanh Niên

Dẫn tin từ TTXVN, cũng theo bác sĩ Lê Thị Mỹ Châu, ve mò là loại ký sinh trùng Orientia tsutsugamushi, sống ký sinh trên ve thường có ở những vùng cây cối rậm rạp. Người bệnh khi bị sốt ve mò thường có triệu chứng sốt kéo dài (sốt trên 37,5 độ C, kéo dài trên 7 ngày), nổi hạch, đau cơ, nhức đầu, ho, rối loạn tiêu hóa…

Đặc điểm của sốt mò chính là các vết loét trên da ở các vùng như cơ quan sinh dục, mông, chân… do ve mò thường chỉ nhảy cao 20 – 30 cm. Rất hiếm trường hợp vết loét ở phần trên cơ thể.

Bị ve mò cắn, cụ bà nhập viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, đau nhức toàn thân - Ảnh 2
Ve mò - Ảnh: Internet

Bác sĩ Châu cho biết thêm, sốt mò là một bệnh hay gặp ở vùng có nhiều cây cối. Người bệnh thường sinh hoạt, làm việc, đi lại trong vườn, rẫy, nơi có nhiều ve và có thể có ký sinh trùng Orientia Tsutsugamushi sống bám vào. Bệnh sốt ve mò có thể tự giới hạn sau 3-4 tuần. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh trở nặng, khiến người bệnh bị sốc, suy các cơ quan như suy thận, suy gan, tăng men gan… Nhiều trường hợp phải thở máy, lọc máu.

Bác sĩ Châu khuyến cáo, người bệnh nếu phát hiện vết loét trên da kèm theo biểu hiện sốt kéo dài, đau nhức mình mẩy, ho, mệt, vàng da, vàng mắt… nên đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

TIN MỚI NHẤT