Bé trai 4 tuổi ở Hà Nội bất ngờ phát hiện bị đái tháo đường: Sụt cân nhanh, dẫn đến biến chứng hôn mê

Tin y tế 07/11/2023 09:51

Bệnh tiểu đường ở trẻ em hiếm gặp, nhưng biến chứng nặng nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Điểm khó là tình trạng đái tháo đường của trẻ thường được phát hiện chậm khi các em đã gặp biến chứng nặng.

Theo thông tin từ Người Lao Động, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết vừa cấp cứu thành công một bé trai 4 tuổi (ở quận Long Biên, Hà Nội) hôn mê vì biến chứng đái tháo đường.

Người nhà bệnh nhi cho biết trước đó 2 tuần, trẻ ho, sốt, kèm đờm, khò khè. Trẻ được bố mẹ đưa tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và có chỉ định nhập viện nội trú.

Khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, bệnh nhi sốt nhẹ, sau đó mệt mỏi hơn, thở nhanh, thở gắng sức. Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Khoa Hồi sức tích cực nhi, nhận thấy đây là dấu hiệu bất thường, tình trạng thở nhanh không tương xứng với tổn thương phổi của bệnh nhân.

Kết quả xét nghiệm khí máu, test đường huyết mao mạch cho thấy bệnh nhân trong tình trạng nhiễm toan nặng. Đặc biệt, đường huyết tăng lên rất cao 37 mmol/l. Ngay lập tức, kíp trực đã đặt nội khí quản, chủ động kiểm soát đường thở cho bệnh nhân. 

Bệnh nhi cũng được bù dịch, truyền insulin tĩnh mạch liên tục, điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn điện giải. Hiện trẻ tỉnh táo, tự thở, bắt đầu ăn uống được.

Mẹ của bệnh nhi cho biết trước khi nhập viện, bé chưa phát hiện mắc bệnh lý gì. Tuy nhiên, trong vòng khoảng 3 tuần nay, bé sút khoảng 3 kg và đi tiểu nhiều vào ban đêm.

Bé trai 4 tuổi ở Hà Nội bất ngờ phát hiện bị đái tháo đường: Sụt cân nhanh, dẫn đến biến chứng hôn mê - Ảnh 1
Bệnh nhi 4 tuổi, mắc bệnh tiểu đường dẫn đến biến chứng hôn mê, vừa được các bác sĩ nỗ lực cứu sống - Ảnh: VnExpress

Dẫn tin từ VnExpress, đái tháo đường type 1 là bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nghiêm trọng. Nếu không có insulin, glucose trong máu không thể đi vào tế bào và tích tụ dần trong máu dẫn đến tăng đường máu, trong khi các tế bào bị "đói năng lượng" do không thể tiếp nhận được glucose.

Đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 5-10% số người bệnh đái tháo đường nói chung, trong đó 95% là do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân. Một số yếu tố nguy cơ khác như nhiễm virus coxsackie, rubella, cytomegalo... Một số em bé có chế độ ăn tiếp xúc sớm với sữa bò cũng liên quan tới việc khởi phát bệnh.

Bé trai 4 tuổi ở Hà Nội bất ngờ phát hiện bị đái tháo đường: Sụt cân nhanh, dẫn đến biến chứng hôn mê - Ảnh 2
Đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 5-10% số người bệnh đái tháo đường nói chung - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi, cho biết bệnh tiểu đường ở trẻ em hiếm gặp, nhưng biến chứng nặng nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Điểm khó là tình trạng đái tháo đường của trẻ thường được phát hiện chậm khi các em đã gặp biến chứng nặng.

Dấu hiệu bệnh là khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm ở trẻ chưa bị trước đây. Khi người bệnh kèm đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín (táo chín...), cần đến bệnh viện điều trị.

Hiện chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh đái tháo đường type 1. Người bệnh cần khám định kỳ để bác sĩ theo dõi và điều chỉnh phác đồ điều trị.

Sốt xuất huyết khiến cuộc sống của người dân Hà Nội xáo trộn: Vợ chở chồng tìm bệnh viện trong đêm

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.590 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng hơn 10 ca so với tuần trước đó).

TIN MỚI NHẤT