Mới đây, N.K.Đ (25 tuổi, trú tại Hà Nội) đến khám da liễu trong tình trạng da bỏng, xuất hiện nhiều mảng đỏ lan rộng, sưng tấy.
- TP.HCM phát hiện ca nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người', tấn công từ chân lên phổi
- Hải Phòng: Mổ đẻ thành công ca sinh 3 tự nhiên hiếm gặp
Theo thông tin từ VTC News, N.K.Đ., 25 tuổi, sống ở Hà Nội, có làn da dầu và hay bị mụn ở trán, cằm. Trong nhóm chia sẻ bí quyết làm đẹp trên Facebook, Đ. thấy bài viết khuyên nên dùng nước cốt chanh bôi trực tiếp lên nốt mụn mỗi tối để nhanh hết mụn nên thử làm theo.
Mỗi tối, Đ. vắt chanh, dùng tăm bông chấm lên mụn. Thấy hơi rát, nhưng cô gái nghĩ đó là dấu hiệu chanh đang phát huy tác dụng. Sau 5 ngày, da vùng má và cằm bắt đầu đỏ, nóng rát và có cảm giác bỏng nhẹ. Một tuần sau, các vùng da này bong tróc, sưng tấy và đau nhức khiến Đ. buộc phải đến khám tại phòng khám da liễu.

Theo thông tin từ VnExpress, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, bệnh nhân bị viêm da kích ứng do tiếp xúc với axit citric có trong nước chanh.
Chanh có tính axit mạnh, khi bôi trực tiếp lên da, đặc biệt là da đang có tổn thương như mụn viêm, có thể gây bỏng nhẹ, kích ứng, làm phá vỡ hàng rào bảo vệ. Tình trạng sẽ nặng hơn nếu bệnh nhân tiếp xúc với ánh nắng mà không dùng kem chống nắng.
Ngoài ra, việc lặp lại liên tục mỗi ngày khiến vùng da bị tổn thương không có thời gian hồi phục, từ đó gây viêm loét, đau rát kéo dài và nguy cơ tăng sắc tố sau viêm (PIH).

Bác sĩ nhìn nhận nước cốt chanh tưởng lành tính nhưng thực chất lại rất nguy hiểm khi bôi trực tiếp lên da bởi chúng chứa axit citric đậm đặc, gây kích ứng, phá vỡ hàng rào bảo vệ da, làm mất cân bằng pH. Các vùng da đang tổn thương sẽ càng nặng hơn khi tiếp xúc với axit. Chanh làm da nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời, có thể gây viêm da do ánh sáng (photodermatitis). Bên cạnh đó, nhiều người dùng không kiểm soát liều lượng, gây rủi ro.
Mọi tình trạng da liễu, đặc biệt là da mụn viêm, cần được điều trị đúng cách bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu. Các mẹo dân gian chỉ nên áp dụng nếu được kiểm chứng rõ ràng, có nguồn gốc đáng tin cậy.
Nếu thấy các dấu hiệu đỏ rát kéo dài, bong tróc, sưng phù; mụn viêm trở nên nặng hơn, lan rộng; cảm giác đau rát như bỏng, châm chích nhiều giờ hay vùng da xuất hiện các vết sậm màu, có nguy cơ để lại thâm hoặc sẹo, cần đi khám ngay.