Bị bố đánh vào đầu trong cơn tức giận, bé trai 3 tuổi vẫn như 1 đứa trẻ 4 tháng, cả đời tàn tật

Ngắm con yêu mỗi ngày 13/11/2018 05:30

Đánh con trai lúc 6 tháng tuổi, em bé tội nghiệp giờ phải ăn qua đường ống truyền và không thể tự ngồi, di chuyển, quay người hay lẫy dù đã gần 3 tuổi.

Bị đánh thức bởi tiếng khóc của con trai, người cha đã vô cùng giận dữ. Anh ta đã dùng tay đánh con trai 6 tháng tuổi của mình rất mạnh vào đầu. Hậu quả, em bé bị đa chấn thương sọ não. Và bác sĩ xác nhận, bé sẽ phải sống chung với cảnh tàn tật cả đời. Hiện tại, bé trai bất hạnh đó được 2 tuổi 8 tháng. Nhưng tuổi phát triển của con mới chỉ tương đương đứa trẻ 4 tháng mà thôi.

Bi kịch từ hành động trong cơn giận của người cha

Theo The Straits Times, tai nạn xảy ra vào 26/8/2016 ở Singapore. Người cha đã rất giận dữ khi con trai mới 6 tháng tuổi của mình không ngừng khóc và ra tay đánh con rất mạnh. Ngày 8/11/2018 vừa qua, người cha 30 tuổi đã được đưa ra tòa với tội danh gây chấn thương nghiêm trọng cho con trai.

Uỷ viên công tố Grace Chua cho biết: "Phạm nhân đã hét lên: 'Câm miệng lại. Nín ngay. Lát nữa, tao còn đi làm, mà mày lại làm ồn, tao không thể ngủ được' rồi đánh nạn nhân một lần vào đầu bằng tay phải".

Công tố viên Kumaresan Gohulabalan bày tỏ: "Khi nạn nhân khóc vào ngày hôm đó, thay vì dỗ dành nạn nhân hay thậm chí kiểm tra để chắc chắn nạn nhân có ổn không thì phạm nhân đã phản bội lại sự tin cậy được trao gửi cho mình bằng cách không chỉ phớt lờ nạn nhân mà còn đánh đập thân thể nạn nhân".

 

Bị bố đánh vào đầu trong cơn tức giận, bé trai 3 tuổi vẫn như 1 đứa trẻ 4 tháng, cả đời tàn tật - Ảnh 1

Bé trai đã bị bố đánh rất mạnh vì không ngừng khóc (Ảnh minh họa).

Một lúc sau, đứa trẻ bắt đầu nôn trớ ra sàn và ngủ thiếp đi. Vài tiếng sau, mẹ bé phát hiện con trai đang nửa tỉnh nửa mê và rất yếu. Bé được lập tức đưa vào Bệnh viện Phụ nữ và trẻ em KK. Chụp CT cho thấy, bé bị đa chấn thương sọ não. Ngoài ra, não bé cũng bị ứ dịch. Em phải ở lại bệnh viện suốt 7 tháng và cuối cùng được về nhà hôm 2/3/2017.

Điều đáng buồn là bé trai giờ đã bị tàn tật vĩnh viễn. Em không thể tự ngồi, di chuyển, xoay hay lật người được. Thức ăn, nước uống cũng phải truyền qua một cái ống vào người bé.

Công tố viên Chua cho biết thêm: "Quan trọng là tiếp tục tiến hành can thiệp sớm và những lần tái khám chặt chẽ để ngăn ngừa biến chứng xảy ra. Tuy nhiên, nạn nhân có vẻ cần có sự trợ giúp trong mọi hoạt động của cuộc sống thường ngày và việc di chuyển, đi lại".

Hiện tại, bé trai gần 3 tuổi và anh bé, 4 tuổi, đang sống với cha mẹ nuôi tạm thời. Còn chị gái 2 bé thì sống cùng cha mẹ đẻ. Cha nuôi tạm thời của nạn nhân chia sẻ về tình trạng của bé trai trên: "Có một lần, khi chiếc chăn che kín mặt, con đã không thể có phản ứng gì. Con cũng không thể nằm ngửa và cần được đặt nằm trên một chiếc giường dạng xe đẩy đặc biệt do tình trạng trào ngược axit dạ dày thực quản".

 

Bị bố đánh vào đầu trong cơn tức giận, bé trai 3 tuổi vẫn như 1 đứa trẻ 4 tháng, cả đời tàn tật - Ảnh 2

Tuyệt đối không rung lắc khi bé quấy khóc (Ảnh minh họa).

Làm thế nào để giữ bình tĩnh khi em bé không ngừng khóc?

Khi trẻ khóc quấy mãi không thôi, bạn có thể bị thôi thúc bởi cảm giác phải làm bất cứ việc gì, miễn là bé ngừng khóc. Nhưng dù đó là điều gì, tuyệt đối không được đánh hoặc rung lắc trẻ.

Rung lắc trẻ rất nguy hiểm bởi cơ cổ của bé còn yếu và thường xuyên phải nỗ lực để đỡ đầu. Rung lắc bé do đơn thuần tức giận có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường, bao gồm mù mắt, tổn thương não hoặc thiểu năng trí tuệ. Nó có thể đe dọa tính mạng bé hay thậm chí khiến bé tử vong.

Một số cách dỗ bé nín khóc

Trẻ sơ sinh thường khóc khi đói hoặc buồn ngủ. Việc đầu tiên bạn có thể thử là hoặc cho con ăn hoặc bế con lên để vỗ về, ru ngủ. Ngoài ra, hãy kiểm tra xem con có cần thay tã không.

Nếu thời điểm con khóc đã gần tới giờ ngủ ngắn, bạn có thể thay đổi tư thế của trẻ hoặc ru vỗ nhẹ nhàng để trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ. Nếu các cách này đều không hiệu quả, có thể con bạn chỉ cần sự chú ý của bạn hay một chút thời gian được bạn âu yếm mà thôi.

Một số nguyên nhân phổ biến khiến bé sơ sinh khóc:

- Buồn ngủ hoặc mệt mỏi.

- Tè ướt bỉm hoặc bỉm bị bẩn.

- Đói.

- Bị kích thích quá nhiều do tiếng ồn hoặc hoạt động.

- Đau bụng, trào ngược dạ dày - thực quản hay dị ứng đồ ăn.

- Đau hay bệnh.

- Đầy hơi.

- Nỗi lo lắng, sợ hãi người lạ.

 

Bị bố đánh vào đầu trong cơn tức giận, bé trai 3 tuổi vẫn như 1 đứa trẻ 4 tháng, cả đời tàn tật - Ảnh 3

Bế con áp vào người mình và trò chuyện với con hoặc hát cho con nghe. Nói với con rằng con đang ổn mà (Ảnh minh họa).

Rất nhiều lần, bé có vẻ hoàn toàn ổn nhưng nhất định không chịu dừng tiếng khóc. Những lúc như vậy, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và thử tiếp một trong những việc sau:

- Bế con áp vào người mình và trò chuyện với con hoặc hát cho con nghe. Nói với con rằng con đang ổn mà.

- Thử đi ra ngoài. Bước ra ngoài trời, đi dạo nhanh hoặc lên ô tô đi vài vòng ngắn có thể giúp xoa dịu con bạn.

- Nhắc nhở bản thân rằng cảm giác tức giận bởi tiếng khóc không ngừng nghỉ của con bạn là hoàn toàn bình thường. Nhưng giận dữ không giúp ích gì. Đôi khi, trẻ chỉ cần khóc ra cho thỏa. Trẻ sơ sinh cũng có cảm nhận mà.

- Trong trường hợp bạn là người duy nhất xử lý tình trạng em bé đang khóc, hãy nghỉ một chút khi bạn cảm thấy cần phải như vậy. Đề nghị chồng bạn hoặc một người bạn thân thay bạn một chút cho tới khi bạn bình tĩnh trở lại.

- Khi bạn đã thử gần như mọi cách và em bé vẫn cứ quấy khóc, hãy tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ chuyên gia sức khỏe.

Trẻ 4 – 5 tháng tuổi có thói quen tỉnh giấc nửa đêm, mẹ thông thái lưu ý 6 điều này

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ tỉnh giấc nửa đêm, các bậc cha mẹ cần phải tìm hiểu nguyên do thì mới có thể lựa chọn biện pháp thích hợp.

TIN MỚI NHẤT