Truyện ngắn hay về thầy cô giáo nhân ngày 20/11

Giải trí 14/11/2018 10:07

Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, dành tặng những ai đã và đang đi qua những năm tháng học trò tuyển tập truyện ngắn hay về thầy cô giáo nhân ngày 20/11. Có thể bạn đọc sẽ tìm thấy câu chuyện tương tự về thầy cô giáo của mình trong số truyện ngắn ngày 20-11 đầy cảm xúc dưới đây.

Truyện ngắn ngày 20-11 đầy cảm xúc  gửi tặng thầy cô
Truyện ngắn ngày 20-11 đầy cảm xúc gửi tặng thầy cô

Như những người lái đò thầm lặng, thầy cô luôn là người cần mẫn cho ta kiến thức, là người gieo mầm tương lai cho biết bao thế hệ học trò. Đó là hành trình yêu thương, là câu chuyện đẹp luôn được nhắc đến trong các truyện ngắn về thầy cô ngày 20/11.

Truyện ngắn hay và cảm động về thầy cô giáo nhân ngày 20/11

Truyện ngắn hay và cảm động về thầy cô giáo nhân ngày 20/11

1. Hành trình yêu thương

Con là Nguyễn Văn Chúc, học trò cũ của thầy đây. Mấy hôm trước có người cho con địa chỉ điện thư của thầy nhưng mãi đến hôm nay con mới được dịp xuống phố dùng Internet. Chỗ con ở không có điện thoại, chỉ có rừng núi hẻo lánh và trăng sao.

Thầy cô là những người đã chỉ dạy, bảo ban để chúng ta thành công trên con đường sự nghiệp tương lai
Thầy cô là những người đã chỉ dạy, bảo ban để chúng ta thành công trên con đường sự nghiệp tương lai

Nhắc đến trăng sao, con lại nhớ những đêm tới thăm thầy. Hai, ba thầy trò nằm trên sân cỏ nhìn trời… đây là chòm Thần Săn… đây là chòm Tua Rua… đây là chòm Bắc Đẩu… đây là chòm Ngỗng Trời… đây là chòm Thần Nông… đây là chòm Cái Gầu… đây là chòm Con Vịt… Thầy kể cho chúng con nghe những sự tích nhân gian, những câu ca dao, về sao. Thầy mở rộng chân trời yêu thương quê hương mình cho chúng con.

Thầy trò mình có khi ngủ quên trên bãi cỏ xanh cho đến khi sương lạnh đánh thức dậy. Có đêm con thấy thầy đứng im lìm như bức tượng hướng về phía trời xa. Hình như thầy cô đơn lắm. Thầy làm gì đâu ngoài việc tận tụy, yêu thương học trò. Lúc sau này con mới hiểu sự ghen ghét, đố kỵ là gì? Con thương thầy vô cùng.

Một lần các bạn của thầy tới thăm. Mấy đứa con tình nguyện giúp thầy. Cả ngày các bạn thầy vui vẻ lắm. Con tưởng thầy cũng vậy. Khi đêm về dưới ánh lửa, cô Vy ngâm tặng thầy một đoạn thơ mà bây giờ con còn nhớ lõm bõm:

                                     “…Ta là sao Tinh-Đẩu

                                  Cao vút trời cô đơn

                     Sáng không đủ soi đường cho người chừ đêm chưa đành tắt 

                              Một mình ta với lòng ta chừ bão táp không nguôi”

Ánh lửa bập bùng. Con nhìn thấy những giọt nước mắt trên má cô. Mọi người im lặng. Chỉ còn tiếng tí tách của những thanh củi đang biến thành than, tro… 

Con thích bài Khúc Ca Phạm Thái đó lắm. Tác giả là ai? Có phải là Nguyễn Đình Toàn không thầy? 

Rồi thầy đọc thơ. Giọng thầy vang dội cả vườn soài, thẩm nhập vào lòng người:

                             “… Ai đã gõ trên đôi bờ luyến tiếc,

                                  Sông Núi buồn say tỉnh khiến em mong.

                                  Trong chén đắng môi xanh vầng Nhật Nguyệt.

                                   Người có buồn khi nhắp với ta không?” 

                                        (Biển Đông Sóng Giục – Nguyễn Hoàng Lãng Du)

Thật tội nghiệp thầy! Bây giờ chén đắng cũng đã vỡ. Thầy nói với con:

   - Sinh, Ly, Tử, Biệt là chuyện của đời thầy.

Con được thầy đón nhận đặc biệt vì con có quá nhiều bất hạnh… 

Một hôm anh Túc trình bày về một đề tài ngắn thầy cho. Anh ấy kết luận:

   - Chúng ta là những người nghèo hèn. Cha mẹ trả cho tiền học đúng hạn đã là may lắm rồi.

Thầy hỏi:

   - Trong các em, ai đồng ý với Túc?

Hầu hết cả lớp giơ tay. Lần đầu tiên con thấy thầy tức giận. Thầy đấm mạnh xuống hộp phấn bằng gỗ. Hộp phấn bị bể thành nhiều mảnh. Cả lớp sợ hãi không hiểu tại sao.

Lúc sau, thầy nghẹn ngào dạy chúng con:

   - Thầy cấm các em được nói như vậy. Các em nghèo nhưng có hèn đâu? Hãy cố gắng tiếp tục như thế. Phải tiếp tục như thế.

Rồi giọng thầy bình thường trở lại:

   - Ngày xưa thầy nghèo lắm. Các em biết thế không?

Chuông reo hết giờ. Cả lớp đứng lên vỗ tay. Chúng con chưa bao giờ cảm thấy gần gũi thầy như vậy.

Chị Huệ từ bàn trên bước xuống đưa con cái khăn tay. Con lên băng cho thầy. Chiếc khăn có máu đó nằm trên bàn làm việc của thầy. Con giữ nó nhiều năm cho đến khi vợ chồng Huệ xin lại làm kỷ niệm. Chiếc khăn trở thành bảo vật. Thầy dạy chúng con: "Trong yêu thương cái gì cho thì còn, cái gì giữ thì khó tồn tại lâu dài”.

Ngày lễ Nhà giáo Việt Nam trọng đại là dịp tri ân nghề giáo viên cao quý
Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp tri ân nghề giáo viên cao quý

Con nhớ vào một lần thi cuối tháng bị Nam trêu chọc, con cầm thước đập vào tay Nam nhưng anh ấy rút tay kịp. Tiếng động làm nhiều người quay lại. Thầy nghiêm nghị nhìn xuống. Con đinh ninh là sẽ bị thầy trách phạt nhưng thầy chỉ bảo:

   - Cuối giờ, Chúc lên gặp thầy.

Tan học con lên bàn thầy. Thầy hỏi:

   - Có chuyện gì thế?

Con nhận trách nhiệm:

   - Thưa thầy, lỗi tại con. Con mong thầy tha thứ.

Thầy lắc đầu:

   - Thường ngày Chúc không có phản ứng như thế. Có chuyện gì vậy?

Con kính phục thầy. Thầy không cứng nhắc trong việc trách phạt mà còn muốn hiểu nguyên do. Tương quan tốt đẹp giữa người và người là sự cảm thông.

   - Thưa thầy… mẹ con… ốm nặng, không biết có qua khỏi được không?

Thầy lặng lẽ hỏi:

   - Sao Chúc không nghỉ ở nhà săn sóc cho mẹ?

Con lắc đầu:

   - Con muốn thế lắm nhưng mẹ dặn…mẹ dặn con phải đi học… Học được ngày nào hay ngày ấy chứ khi mẹ mất không thể tiếp tục được nữa.

Con tưởng thầy sẽ nói với con, sẽ an ủi con nhưng chỉ thấy thầy im lặng. Đợi lâu, con ngước nhìn lên. Trời ơi! Trên khuôn mặt thầy ràn rụa nước mắt… Con mang theo hình ảnh đó suốt đời con.

Nam thỉnh thoảng đến thăm con. Chúng con ngồi với nhau hồi tưởng những kỷ niệm ngày còn đi học. Chúng con nói nhiều về thầy. Chuyện của chúng con không bao giờ hết. Có chuyện nhắc lại nhiều lần mà tưởng như đã lâu chưa nói tới.

Thầy cô luôn là người cần mẫn cho ta kiến thức, là người gieo mầm tương lai cho biết bao thế hệ học trò
Thầy cô luôn là người cần mẫn cho ta kiến thức, là người gieo mầm tương lai cho biết bao thế hệ học trò

Mấy hôm trước Nam đến ngủ lại một đêm. Buổi sáng chia tay, Nam ngậm ngùi:

   - Ông nghèo và cô đơn quá.

Nam là bạn chí thân nhưng vẫn chưa hoàn toàn hiểu con. Cõi đời này chỉ có thầy mới biết được ý hướng của con.

Trong đời tu sĩ, con có Chúa. Nơi tâm hồn, con có thầy. Trên bầu trời rộng, con có trăng sao. Giữa người nghèo khó, con có anh chị em. Cô đơn sao được, phải không thầy?

Nếu cha mẹ cho chúng ta hình hài thì thầy cô là người cho ta kiến thức, là những người gieo mầm tương lai, chèo lái con thuyền. Để nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 ngoài những món quà, những bó hoa tươi ra bạn có thể gửi tới thầy cô những câu chuyện cảm động về tình thầy trò.

Truyện ngắn hay về thầy cô giáo nhân ngày 20/11 giúp bày tỏ lòng biết ơn và tình cảm yêu mến tới các thầy cô
Truyện ngắn hay về thầy cô giáo nhân ngày 20/11 giúp bày tỏ lòng biết ơn và tình cảm yêu mến tới các thầy cô

Truyện ngắn hay về thầy cô giáo nhân ngày 20/11 không chỉ bày tỏ lòng biết ơn và tình cảm yêu mến tới các thầy cô mà còn giúp chúng ta hiểu hơn về nghề giáo thiêng liêng, đáng quý. Là một trong số truyện ngắn ý nghĩa về ngày 20/11, “Cô giáo vùng cao” cũng là một câu chuyện đẹp như thế.

2. Cô giáo vùng cao

Đối với Thục thì một năm trôi qua được đánh dấu tới hai lần nhìn theo cả khía cạnh công việc, không gian lẫn thời gian. Hai lần được đánh dấu đó nhằm vào mùa xuân và mùa hạ.

Những mẩu truyện ngắn ý nghĩa về ngày 20/11 giúp chúng ta hiểu hơn về nghề giáo thiêng liêng, đáng quý
Những mẩu truyện ngắn ý nghĩa về ngày 20/11 giúp chúng ta hiểu hơn về nghề giáo thiêng liêng, đáng quý

Mùa xuân nhắc nhớ đến những gì đã qua, những dấu ấn để lại trong kết cục được mất hay thành bại của mỗi người; mùa xuân mang đến niềm hân hoan trong lòng người trẻ và lại gợi lên nỗi buồn của đời người với những ai tuổi đã xế chiều. Còn mùa hạ thường mang đến những nhớ nhung, là mùa của cái nắng oi nồng, mùa của những cơn mưa xối xả, mùa của tiếng ve kêu râm ran trong khi những cây phượng ven đường đua nhau nở rộ những vòm hoa thắp lửa để rồi những cô cậu học trò lòng bồi hồi vì phải tạm xa trường lớp, thầy cô, bè bạn khi năm học nữa lại kết thúc.

Năm nay, lần đầu tiên Thục được nghỉ hè với tư cách một giáo viên tiểu học. Tuy không còn cảm xúc như một cô học trò nhỏ trong kỳ nghỉ dài ngày nhưng cô cũng thấy vui thích và phần nào mong đợi nó vì cô sẽ được thảnh thơi sau những tháng ngày lo lắng, căng thẳng với chương trình mới. Bỏ lại sau lưng những trang giáo án, những tiết dự giờ, những hôm tất bật chuẩn bị các môn học thẩm mỹ, âm nhạc, hội họa mà cô phải dạy kiêm luôn vì thiếu giáo viên.

Nghề nhà giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý
Nghề nhà giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý

Bây giờ cô có thể chăm sóc hằng ngày mảnh vườn nhỏ trồng những bụi cẩm tú cầu và những cây huệ đất với những bông hoa nở rộ màu cánh sen. Cô cố ý trang trí góc phòng của mình cho thật lãng mạn bằng những bức ảnh phong cảnh, trên tường gắn những ngôi sao dạ quang đủ màu sắc và hôm nào cũng đặt trên bàn viết một bình đầy những loài hoa hái được trong vườn nhà.
Thục làm những công việc đó trong ba tuần, mặc dù cô có vẻ thảnh thơi, nhàn hạ nhưng trong thâm tâm cô cảm thấy một sự thiếu vắng, rỗng không mà Thục chỉ nhận ra được khi một hôm chị hàng xóm sang nói như phân trần: “Em ơi, em dạy giúp thằng bé nhà chị trong mấy tháng hè, chị sợ thời gian chơi nhiều quá nó sinh lêu lổng mà chị thì bận làm lụng suốt ngày…”.

Khi Thục dạy kèm những đứa trẻ hàng xóm của cô ở đây, cảm giác thiếu vắng ấy lại ùa về ngập tràn trong cô. Cô nhận ra đó chính là nỗi nhớ trường lớp, nhớ những cơn mưa núi rừng, nhớ con đường gập ghềnh thác lũ, lầy lội nước nguồn, nhớ con suối ẩn hiện dưới những tán cây rừng. Và khi bọn trẻ tranh nhau kể về một phim hoạt hình nào đó chiếu trên truyền hình, Thục bỗng nhớ da diết đám học trò của cô - những đứa trẻ mặt mày, tay chân lúc nào cũng đen nhẻm, nheo nhếch, quần áo xộc xệch, quanh năm chỉ biết quẩn quanh với nương khoai, rẫy mía, biết đi thì giữ em, biết chạy thì giữ bê, giữ nghé.

Thầy cô như những người lái đò thầm lặng
Thầy cô như những người lái đò thầm lặng

Thục đã không khỏi buồn lòng vì các em đi học không đều nhưng rồi cô lại thấy thương chúng hơn. Ngay những hôm trời nắng cũng có em đến trường, quần áo tập vở ướt mem vì té xuống suối. Hôm nào trời mưa to cũng có nhiều đứa không mang tập viết đi học vì sợ ướt, nên bao giờ trong túi xách Thục cũng có sẵn vài cuốn tập và viết chì để phát cho các em.

Nhớ ngày đầu khi Thục nhận lớp, thầy hiệu trưởng cũng đã nhìn cô với vẻ ái ngại qua lớp kính dày trễ xuống tận chóp mũi, giọng cảnh báo: “Sẽ có rất nhiều khó khăn đấy nhé cô bé!”. Lúc đó Thục chỉ lí nhí: “Dạ, con biết” để giấu những khát vọng đang cháy bỏng trong cô. Vì khát vọng đó cô đã tự nguyện bỏ tất cả lại sau lưng - phố thị, bạn bè và những thú vui chơi đáng có của tuổi thanh xuân - để làm cái việc mà đám bạn cô đều cho là điên rồ, vì họ biết Thục thừa sức để xin được về dạy ở thị xã hay một nơi nào đó tốt hơn nhiều.

Ngày đầu lên lớp, Thục phải xắn quần lội suối tới lớp, đôi giày buộc lại xách tay, và cô phải chăm chú, vất vả lắm mới tránh được những cây gai mắc cỡ mọc chi chít ven đường. Vậy mà khi vô lớp Thục vẫn ngạc nhiên vì thấy trò nào cũng đi chân đất cả. Lại gần một em, cô trìu mến hỏi:

- Dép của em đâu? Sao em không mang dép đi học, đường rất nhiều gai...
Im lặng và ngập ngừng một hồi, cậu học trò mới trả lời, đầu cúi thấp:

- Tao đi chân không quen rồi ờ...

Nghe cách xưng hô của cậu học trò, ban đầu Thục hơi sửng sốt nhưng rồi cô hiểu ra đây chính là lúc cô đối diện với thực tế khó khăn, và ẩn sau những câu chuyện hài hước cô từng nghe về cách xưng hô đó là số phận của những con người bé bỏng, mỏng manh trước bao bất trắc cuộc đời. Xen lẫn với các bài học chính khóa Thục thường phải dạy các em cách xưng hô, cách nói chuyện với người lớn tuổi, cách thưa gửi, dạy các em biết phân biệt điều hay lẽ phải. Hầu hết những đứa trẻ học ở đây là con em của bà con dân tộc ít người mới đây còn sống du canh du cư chênh vênh trên sườn núi, cái bụng còn đói thì làm sao biết đến cái chữ.

Ký ức về thầy cô uôn là câu chuyện đẹp luôn được nhắc đến trong các truyện ngắn về ngày 20/11
Ký ức về thầy cô luôn là câu chuyện đẹp được nhắc đến trong các truyện ngắn về ngày 20/11

Dạy trước Thục ở đây có Tuyết; có lần Tuyết nói với Thục: “Buổi sáng đi học mấy tiết đâu có đủ để các em nhớ, chiều về lại chỉ nói chuyện với người thân bằng tiếng dân tộc nên mình dạy bao nhiêu điều ở lớp chúng đều quên hết”. Quả nhiên mọi việc đều xảy ra đúng như Tuyết kể, nhưng đối với Thục các em cũng rất đáng yêu. Thục nhớ nhất những tiết dạy hát, mặc dù đám học sinh của cô hát chưa đúng giọng nhưng tiếng hát của chúng ngân nga trong trẻo và đặc biệt là những đôi mắt hoang sơ sâu thẳm mở to như chứa đựng những bí ẩn của núi rừng.

Thục trở lại trường khi ba tháng hè đã kết thúc, cô không ghé rủ Tuyết như mọi khi vì Tuyết vừa lập gia đình và đã xin chuyển sang dạy ở xã. Một thầy giáo vừa chuyển về để thay Tuyết, anh sẽ dạy lớp 1, còn cô dạy lớp 2 với những học trò cũ của cô năm ngoái. Nhìn vội lên bảng công tác của trường, Thục thấy có tên thầy giáo mới: Minh. Cô đi thẳng về phía lớp. Những đứa trẻ đã ngồi ngay ngắn, giương những đôi mắt ngơ ngác lên nhìn cô giáo. Ba tháng hè qua dường như da chúng càng đen hơn, quần áo xộc xệch hơn, lại dính đầy nhựa cây, sình lầy... bốc ra một mùi chua nồng, ngai ngái. 

Câu chuyện về thầy cô giáo đầy cảm xúc
Câu chuyện về thầy cô giáo đầy cảm xúc

Thục đi khắp lượt, đến cuối lớp rồi quay trở lại bục giảng, cô hỏi:

- Ba tháng vừa qua các em nghỉ hè có vui không?

Cả lớp đều yên lặng. Thục biết trở lại lớp học sau ba tháng hè các em sẽ trở về với trạng thái bỡ ngỡ ban đầu như khi mới bước chân đến trường, nhưng cô không ngờ tình hình lại tệ đến vậy. Thục biết nếu không lấy lại sự thân mật thì khó mà dạy các em được.

- Thời gian vừa qua các em có ôn lại bài cũ và tập viết như cô đã dặn không?
Vẫn im lặng. Một lần nữa Thục đưa mắt nhìn khắp lớp học rồi gọi đứa bé ngồi bàn đầu tiên:

- K’rin, em hãy đánh vần đọc cho cô nghe hàng chữ cô vừa viết trên bảng xem.
Thằng bé đứng dậy, dáng điệu rụt rè nhưng đôi mắt vẫn nhìn Thục không chớp, mãi nó mới buông một tiếng cộc lốc:

- Quên ờ…

Thục thất vọng nhưng cố nén nước mắt sắp trào ra:

- Vậy là các em không ôn bài cũ như cô dặn phải không? Thôi, không sao, rồi cô trò mình sẽ ôn lại sau. Vậy mùa hè qua các em đã làm gì giúp ba mẹ hay có câu chuyện gì vui các em muốn kể cho cô và các bạn cùng nghe không?
Lại im lặng. Không có gì khác ngoài những ánh mắt chăm chăm nhìn cô, những đôi mắt còn vẻ hoang dại núi rừng, những đôi mắt quanh năm chỉ biết nhìn rõ con cá, con cua dưới suối, con chim trên cành và trong trí não đám trẻ ấy chỉ nhớ làm cách nào để bẫy được nhiều thú, bắt được nhiều cá, nhiều chim rừng. 

- Thôi, bây giờ cô sẽ kể chuyện cho các em nghe nhé!

Rồi Thục kể cho chúng nghe câu chuyện cổ tích về vẻ đẹp và sự kỳ diệu của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Cô cố giữ một giọng kể truyền cảm, chú ý nhấn mạnh đến những hình ảnh gợi nhớ, bọn trẻ cũng nghe rất say sưa, những đôi mắt mở to hồn nhiên. Kết thúc câu chuyện Thục hỏi:

- Các em biết không, vừa rồi là mùa hạ, mùa hạ thì sao các em? Nắng nóng nè, hoa phượng nở nè và cùng với những cơn mưa là những chú ve trên cây kêu râm ran vào những buổi trưa nè... Các em biết con ve không?

- Con nhót.

Thục thoáng vui mừng vì phần nào cô đã lấy lại sự gần gũi với các em, cô quay sang đứa học trò vừa mới trả lời:

- M’ Ka, em rất giỏi nhưng ở đây các em hãy nói và học thật giỏi tiếng mà cô đã dạy cho các em để sau này các em có thể học lên thêm nữa. Các em có muốn học lên không?

Có một cánh tay thập thò đưa lên, Thục đến gần đứa trẻ, cô hỏi bằng một giọng rất âu yếm:

- A Lũ à, em muốn nói điều gì với cô và các bạn phải không?

Đứa học trò ngập ngừng cúi đầu xuống hồi lâu, những ngón tay run run đặt trên bàn, lâu lâu nó rụt rè nhìn lên rồi lại cúi xuống. 

Truyện ngắn hay, ý nghĩa dành tặng thầy cô nhân ngày 20/11
Truyện ngắn hay, ý nghĩa dành tặng thầy cô nhân ngày 20/11

Thục im lặng nhìn em khuyến khích. Đứa học trò hình như cũng biết mọi người đang im lặng chờ đợi nó phát biểu và cuối cùng nó nói, ban đầu hình như lấy hết can đảm nên tiếng nó rất rõ, vang trong một không gian yên tĩnh, nhưng rồi mấy âm cuối yếu đi, xìu xuống, nhão ra tựa như bờ suối lở khi nước lũ tràn về:

- Thưa cô, cho tao đi… đ..á..i…

Đứa học trò vừa nói xong thì không khí lớp học như vỡ ra, những đứa trẻ khác gục đầu xuống bàn cười khúc khích trong khi khuôn mặt A Lũ vẫn đang ngơ ngác, sợ hãi. Thục có cảm giác như mình không thể nào chịu đựng được nữa, cô bước ra khỏi lớp học, không nén được những giọt nước mắt tuôn rơi. Quên mất là Tuyết đã chuyển đi, cô định chạy qua tìm Tuyết như mọi khi để chia sẻ nỗi thất vọng trong lòng nhưng chợt thấy thấp thoáng bóng thầy giáo mới, Thục vội vã nấp sau một tán cây rừng khóc nức nở. Vậy là những gì cô dạy các em trong năm qua cũng bằng không, chúng không nhớ gì cũng chẳng tiếp thu được gì.
Bây giờ Thục mới thầm trách mình sao lại chọn nơi này trong khi còn nhiều nơi cô có thể tới, ở đó cô được gần gia đình, có nhiều bạn bè đồng nghiệp, có những đứa trẻ mặt mũi sáng sủa, sạch sẽ, ngoan ngoãn, vâng lời và học hành chăm chỉ. Thục ngẩng lên, Minh đã đứng đó tự lúc nào. Mặc dù thoáng thẹn thùng nhưng Thục cũng không giấu đi những giọt nước mắt. Cô thất vọng quá rồi và hơn lúc nào hết cô cần sự động viên an ủi của ai đó. Minh ngồi xuống cạnh cô, giọng thân thiết như cô và anh đã quen biết tự bao giờ:

- Chúng ta tình nguyện chọn nơi đây làm nghề gõ đầu trẻ, nhưng những đứa trẻ ở đây không dễ gõ đầu chút nào phải không em? Nhưng lỗi không ở chúng, cũng không do ai cả, có trách chăng là trách cuộc sống quá cực nhọc, vất vả chốn núi rừng này. Chúng ta may mắn hơn họ quá nhiều. Có những điều làm ta ngạc nhiên, sửng sốt hay phật lòng thì đối với họ là bình thường. Những đứa trẻ có thể xưng mày tao với ông bà cha mẹ chúng và ông bà cha mẹ chúng cũng xưng hô như vậy với người trên, người khác, cái nếp đó đã ăn sâu vào máu thịt người dân và bọn trẻ ở đây bao đời rồi. Đã chọn con đường này thì còn ai nữa nếu chúng ta không đem ánh sáng văn hóa đến cho các em? Vừa gặp sóng cả đã ngã tay chèo thì liệu lương tâm của chúng ta có cắn rứt không nếu để mặc cho các em sống như thế giữa thời đại văn minh? Các em đang cần chúng ta đưa ước mơ của chúng thoát khỏi con suối bờ nương, đưa tầm mắt của chúng vượt ra khỏi sự phong tỏa của núi rừng và hướng chúng đến những điều tốt đẹp mà chúng ta may mắn có được...

Thục ngồi yên lặng lắng nghe Minh, lòng không khỏi cảm phục trước những lý lẽ thuyết phục và lòng nhân hậu của anh. 

- Thôi, trở về lớp đi em, anh đi trước nhé.

Thục vào lớp, cô không ngờ những lời chân thành của Minh đã tạo cho cô sức mạnh và sự phấn chấn đến vậy. Sự phấn chấn như một ngày mới bắt đầu từ một buổi sớm bình minh rất đẹp. Nhìn ra cửa sổ cuối lớp Thục thấy Minh đứng cạnh giếng nước, một tay anh đặt nghiêng ngang chân mày chào cô theo kiểu quân đội và cười rất tinh nghịch. Thục bẽn lẽn giấu nụ cười sau viên phấn trắng.

Nói về tuổi học trò và những kỉ niệm với thầy cô giáo, chúng ta có đủ các cung bậc cảm xúc, buồn vui lẫn lộn. Đọc truyện cười ngắn về ngày 20-11, chúng ta có thể cười khúc khích nhưng cũng có thể trào dâng cảm xúc vì nhớ về một thời tươi đẹp đã qua.

Nằm trong tuyển tập các truyện ngắn về ngày 20/11, “Thầy Tôi Khóc” sẽ khiến bạn phải suy tư ít nhiều về những người thầy, người cô vừa đáng yêu, vừa đáng quý xiết bao.

3. Thầy Tôi Khóc

Tôn sư trọng đạo là một lẽ sống tất yếu đã đi vào lòng người Việt Nam từ bao đời nay
Tôn sư trọng đạo là một lẽ sống tất yếu đã đi vào lòng người Việt Nam từ bao đời nay

Học trò khóc là lẽ thường. Thầy giáo khóc mới là điều lạ. Nhất là khi khóc trước mặt học trò mình... Nhưng không phải vì thế mà tôi kể lại chuyện này.

Hôm đó, sau khi vào lớp, thầy ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống rồi nghẹn ngào nói: 
  - Mất... Hoàng... Sa rồi, các em ơi!

Đoạn thầy đến chỗ ngồi và gục mặt xuống bàn. Hai tay thầy ôm lấy đầu. Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Mãi một lát sau thầy mới đứng dậy giảng bài. Đôi mắt thầy đỏ hoe. Gương mặt rất là đau khổ. Chúng tôi đoán Hoàng Sa là người tình của thầy và có lẽ cô ta vừa mới cho thầy vào số... de. Vì thế, bọn con gái chúng tôi không những cười khúc khích mà còn tinh nghịch chọc phá thầy nữa.

Tri ân thầy cô
Tri ân thầy cô

Chuyện thầy tôi khóc vì cô... Hoàng Sa đã xảy ra trên 38 năm rồi. Và thầy tôi nay đã ra người thiên cổ.

Gần đây tôi nghe nói nhiều về Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi nhớ lại chuyện xưa và thật hối hận, xấu hổ về thái độ của tôi, của chúng bạn lúc đó.

Tôi quên thưa rằng thầy tôi là người Tàu. Thầy dạy môn Sử-Địa. Và hôm đó cũng là buổi dạy cuối cùng của thầy.

Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam

Đi qua tuổi học trò với bao kỉ niệm và truyện ngắn hay về thầy cô giáo nhân ngày 20/11 sẽ luôn được các thế hệ học sinh, sinh viên nhắc đến mỗi dịp chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Những truyện ngắn hay nhất về ngày 20-11 được xem là món quà tinh thần quý giá dành tặng những người thầy, người cô luôn cần mẫn cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Ngày 20/11: Những bài thơ hay và ý nghĩa nhất về thầy cô giáo tự sáng tác

Ngày Hiến chương Nhà giáo hằng năm là dịp để thể hiện tình cảm quý mến và tri ân sâu sắc những người thầy, người cô đã bảo ban dạy dỗ và dìu dắt chúng ta nên người. Hãy cùng tìm hiểu và gửi những bài thơ hay và ý nghĩa nhất về thầy cô giáo tự sáng tác nhân dịp này!

TIN MỚI NHẤT