Bài văn khấn và đồ dâng cúng trong lễ hội Đền Hùng

Đời sống 12/04/2018 09:53

Nhiều người đi đền Hùng với mong muốn cầu tài, cầu lộc. Vậy thì phải khấn như thế nào cho đúng?

Dâng lễ vật lên tổ tiên không quan trọng ở vật chất mà nên dâng những cái tinh túy nhất, mang giá trị tinh thần chứ mâm cao cỗ đầy mà không chân thành cũng mất đi giá trị. Du khách có thể về với Đền Hùng chỉ cần thắp một nén hương để thể hiện tấm lòng hướng về ngày giỗ Tổ và cầu mong cho bản thân một điều gì đó. Tệ hại nhất là cúng ê hề, mâm cao cỗ đầy nhưng thiếu sự thành kính. Muốn lễ đúng phải lễ đủ nội dung là: Tạ ơn, sám nguyện, cầu nguyện, hứa nguyện sau đó mới đến dâng lễ.

Đi hội Đền Hùng
Đi hội Đền Hùng. Ảnh minh họa: Internet.

Giá trị văn hoá tâm linh của lễ hội đền Hùng thể hiện ở chỗ con người luôn hướng tới cái chân- thiện- mỹ, cái cao cả mà con người luôn ước vọng tôn thờ, trong đó có cả niềm tin tôn giáo tín ngưỡng. Một điều chắc chắn rằng đứng trước tổ tiên, thần linh không một người nào cầu mong ước nguyện điều xấu xa có hại cho người khác, có hại cho cộng đồng. Khi trở về thế giới tâm linh, họ luôn mong muốn và tin tưởng vào sự chứng giám và phù hộ của thần linh vì sự trung thực, thành tâm của họ. Vì vậy, những nghi lễ, tín ngưỡng trong lễ hội nhìn chung đã giúp con người thoả mãn nhu cầu về đời sống tinh thần.

Lễ vật dâng cúng tại hội Đền Hùng

Lễ vật trong lễ dâng hương tại Đền Thượng được Ban tổ chức lễ hội chuẩn bị gồm có 100 chiếc bánh chưng gói lá dong tươi xanh buộc lạt giang nhuộm hồng, 100 chiếc bánh dày giữa có dán chữ Phúc mầu đỏ, 1 chiếc thủ lợn đã luộc chín, một mâm xôi gấc được đồ bằng 5 kg gạo nếp, 5 mâm ngũ quả được lựa chọn các loại quả mang đặc trưng của các vùng miền trong cả nước, 8 mâm bánh khảo, bánh cốm được xếp thành hình tháp, cùng với trầu cau, rượu nước, vàng hương… Như vậy, lễ vật dâng cúng Vua Hùng ngày nay vẫn là các sản phẩm thuần nông nghiệp, đó là 2 loại bánh đặc sản truyền thống được lưu truyền trong truyền thuyết chọn người hiền tài nối ngôi vua từ đời Vua Hùng Vương thứ 6.

Lễ hội Đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng. Ảnh minh họa: Internet.

Lễ vật ngày nay không chỉ là sản vật của Phú thọ mà còn là sản vật của mọi miền đất nước với hoa thơm quả ngọt dâng tiến Vua Hùng. Điều này cho thấy khi lễ hội Đền Hùng có sự lan tỏa và biến đổi, các thành tố cấu thành lễ hội cũng có sự thay đổi như: Trong lễ dâng hương thành phần tham gia lễ dâng hương cũng phong phú với nhiều thành phần từ Lãnh đạo Đảng, nhà nước đến nhân dân khắp mọi miền đất nước, lễ vật cũng phong phú tập trung mang đặc trưng các vùng, miền.

Bài văn khấn lễ hội Đền Hùng

Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

Kính lạy chín phương trời đất, Mười phương chư Phật, Thánh hiền.

Lạy các Vua Hùng linh thiêng, Gây dựng đất này Tiên tổ.

Con tên là...... địa chỉ...............

Nhân ngày Giỗ tổ con xin gởi đến đấng bề trên chút hương hoa lễ phẩm thể hiện lòng thành của gia đình con đến các Vua Hùng và các bậc tổ tiên.

Kính xin độ trì phù hộ,

Mọi chuyện tốt lành bình an.

Bách bệnh giảm trừ tiêu tan,

Điều lành mang đến vẹn toàn. Điều dữ mang đi, yên ổn.

Đi đến nơi, về đến chốn,

Tai qua nạn khỏi tháng ngày

Cầu được ước thấy, gặp may, Mọi điều hanh thông, thuận lợi.

Con cái học hành tấn tới, Ngoan ngoãn nghe lời mẹ cha. Thi đỗ lớp gần, trường xa, mát mặt gia đình làng nước.

Tình duyên gặp người kiếp trước, Ý trung nhân... xứng muôn phần.

Tình xa duyên thắm như gần, Suốt đời yêu thương nhất mực.

Đi làm... thăng quan tiến chức, Buôn bán một vốn bốn lời.

Hạnh phúc thanh thản một đời.

Nam mô a di đà Phật!

Kính lạy cao xanh Trời đất, Lạy các Vua Hùng linh thiêng. Đức Thánh Trần cõi người hiền, Muôn đời độ trì phù hộ!

Nam mô a di đà Phật! (cúi lạy 3 cái).

Chúc bạn và gia đình có chuyến hành hương về lễ hội Đền Hùng như ý.

Giổ tổ Hùng Vương 2018 là ngày nào?

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 sẽ được tổ chức từ ngày 21 đến 25/4/ 2018 (tức từ ngày 6 đến 10 /3 âm lịch) tại Đền Hùng, Phú Thọ.

TIN MỚI NHẤT