Cha mẹ có biết: Trẻ 9 tháng tuổi biết làm những gì?

Chăm sóc con 09/02/2020 06:00

Trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì là một trong vô vàn câu hỏi của các bậc cha mẹ trong hành trình nuôi dạy con. Khi hiểu rõ trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì, phụ huynh có thể tham khảo thêm một số cách dạy trẻ 9 tháng tuổi giúp bé phát triển các kỹ năng tốt hơn.

Nội dung bài viết:

Sự phát triển của trẻ 9-10 tháng tuổi

Trẻ 9 tháng tuổi thay đổi như thế nào?

Giấc ngủ của bé 9 tháng tuổi

Khả năng ăn của bé

Bé chơi đùa và giao tiếp

Hoàn thiện kỹ năng nói

Sự phát triển cảm xúc

Dạy bé 9 tháng tuổi thông minh

Thả đồ vật

Trốn tìm

Vỗ tay và hát

Đi dạo

Đọc sách

Sự phát triển của trẻ 9-10 tháng tuổi

Để việc dạy trẻ thực hiện các hoạt động khác nhau giúp phát triển trí não và các kỹ năng vận động, chúng ta hãy cùng xem trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì qua những cột mốc phát triển sau:

Trẻ có thể bò vững và có thể di chuyển khắp nhà. Một số trẻ còn trở thành “chuyên gia” khi bò lên và xuống cầu thang.

Trẻ có thể thay đổi tư thế một cách dễ dàng: Từ nằm sang ngồi, bò sang vịn đứng (với sự hỗ trợ của các đồ vật chắc chắn như ghế sô-pha).

Cha mẹ có biết: Trẻ 9 tháng tuổi biết làm những gì? - Ảnh 1

Khi bước sang tháng thứ 9, bé sẽ có xu hướng tập nói nhiều hơn - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ có thể nhặt những đồ vật nhỏ (như sợi chỉ, con kiến…) và cho khối hình vào hộp theo từng khuôn.

Trẻ có thể bập bẹ, ê a không ngừng.

Trẻ có thể bắt đầu hiểu những gì bạn nói và đáp lại bằng một âm thanh ê a hoặc bằng một nụ cười.

Trẻ có thể ngồi vững mà không cần hỗ trợ. Không giống như những tháng trước khi ngồi trẻ cần bạn đỡ hoặc gối mềm chèn xung quanh.

Trẻ 9 tháng tuổi thay đổi như thế nào?

Giấc ngủ của bé 9 tháng tuổi

Cha mẹ có biết: Trẻ 9 tháng tuổi biết làm những gì? - Ảnh 2

Bé có thể ngủ chỉ còn 2 giấc mỗi ngày - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì thì chắc chắn hoạt động đầu tiên chính là ngủ. Ngủ vẫn là giai đoạn quan trọng đối với bé. Bé có thể ngủ chỉ còn 2 giấc mỗi ngày. Lúc buồn ngủ, bé hay trở nên cáu gắt và mệt mỏi. Hãy để ý các dấu hiệu của bé mỗi khi bé mệt hoặc buồn ngủ. Ví dụ như là dụi mắt, mè nheo, gục đầu trên vai mẹ hoặc tỏ ra chán các món đồ chơi hấp dẫn.

Bé 9 tháng tuổi có thể tỉnh giấc giữa đêm. Bé có thể nhầm lẫn đó là giấc ngủ ban ngày và sẽ nhanh chóng ngủ lại. Bác sĩ của bé giúp bạn đưa ra vài gợi ý hữu ích, như chi tiết về thời lượng ngủ và khi nào cần đi ngủ ở bé. Hầu hết các bé 9 tháng tuổi ngủ khoảng 11 tiếng ban đêm và 3 tiếng ban ngày.

Khả năng ăn của bé

Đây là một giai đoạn khá hỗn loạn. Bé sẽ hào hứng ăn thử tất cả các món và bạn hầu như không bao giờ giữ cho bé sạch sẽ đến cuối bữa ăn được cả. Hãy cứ để bé khám phá các món ăn và nghiên cứu cách ăn của riêng của mình. Bạn không cần kiểm soát cách bé ăn uống.

Cha mẹ có biết: Trẻ 9 tháng tuổi biết làm những gì? - Ảnh 3

Hãy để bé học cách tự ăn càng sớm càng tốt - Ảnh minh họa: Internet

Hãy để bé học cách tự ăn càng sớm càng tốt. Nếu bé thích ăn bằng tay thì cứ để bé tự nhiên. Bạn chỉ cần chú ý làm sao cho các món ăn nhiều màu sắc và bắt mắt để kích thích bé. Trẻ 9 tháng tuổi ăn gì không quan trọng, việc ăn món gì và ăn bao nhiêu thì hãy để bé tự do lựa chọn. Bạn có thể đút bé thêm các loại thức ăn nghiền hoặc mài nhỏ. Tuy nhiên, cũng đừng quên cho bé một cái muỗng riêng để bé tự khám phá.

Bé chơi đùa và giao tiếp

Bé 9 tháng tuổi sẽ hứng thú với các cuộn giấy. Bé sẽ bị cuốn hút bởi những món đồ chơi nhiều màu sắc, nhiều hình dạng và có âm thanh. Bạn nên kiểm tra sàn nhà và xung quanh trước khi cho bé chơi. Bạn có thể chơi trốn tìm hay giấu đồ chơi để bé tìm. Bạn sẽ nghĩ ra nhiều trò mới và hấp dẫn trong lúc chơi với bé.

Theo dõi phản ứng của bé để xem có thể chơi tiếp trò gì. Những phụ huynh nhạy cảm sẽ dựa vào phản ứng của bé để học cách giao tiếp và đồng cảm với bé. Bé cũng sẽ học được nhiều từ sự tương tác với ba mẹ.

Hoàn thiện kỹ năng nói

Cha mẹ có biết: Trẻ 9 tháng tuổi biết làm những gì? - Ảnh 4

Trẻ có thể bò vững và có thể di chuyển khắp nhà - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì? Thông thường, khi bước sang tháng thứ 9, bé sẽ có xu hướng tập nói nhiều hơn, mẹ sẽ bất ngờ khi giọng bé trở nên cao vút, bé ồn ào hơn, ê a nhiều hơn. Hãy để ý xem trẻ phản ứng như nào khi nghe thấy tiếng ồn đột ngột, nếu có những thay đổi bất thường như việc bé không phản ứng với tiếng động lớn thì hãy đưa bé đi kiểm tra ngay.

Khi bước vào giai đoạn 9 tháng tuổi, trẻ đã biết chú ý khi nghe người khác nói chuyện, trẻ có sở thích nhìn miệng của người nói và sẽ ê a theo, để giúp kỹ năng giao tiếp của trẻ phát triển tốt nhất thì cha mẹ hãy giao tiếp với bé nhiều hơn, kể cho bé nghe những câu chuyện, hát cho bé nghe sẽ giúp phát triển ngôn ngữ nhanh hơn.

Sự phát triển cảm xúc

Trẻ tỏ ra vui thích khi nhìn thấy cha mẹ và những người thân thuộc xung quanh. Trẻ cũng có thể phân biệt được những người lạ mặt (ví dụ như khi ông bà đến thăm hoặc bảo mẫu mới) và tỏ ra cảnh giác, sợ hãi khi tiếp xúc với họ – vốn là biểu hiện của hành vi sợ người lạ. Điều này hoàn toàn bình thường và bạn hoàn toàn có thể dỗ dành bằng cách ôm lấy trẻ và cùng với trẻ chơi với người lạ một lúc.

Cha mẹ có biết: Trẻ 9 tháng tuổi biết làm những gì? - Ảnh 5

Trẻ tỏ ra vui thích khi nhìn thấy cha mẹ - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ cũng bắt đầu học được một số hành vi có thể thấy ở những trẻ lớn hơn như vẫy tay chào tạm biệt, làm phật lòng chỉ để quan sát xem phản ứng của bạn, hoặc tỏ ra buồn bã khi bạn nói “không”. Hãy ghi nhận và phản hồi lại những hình thức tương tác này để trẻ có thể phát triển hơn kĩ năng xã giao của mình.

Dạy bé 9 tháng tuổi thông minh

Một số phương pháp mà cha mẹ có thể dạy trẻ giai đoạn này giúp bé phát triển cả về thể chất lẫn trí não, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ sau này.

Thả đồ vật

Bạn hãy thả một khối hình hoặc một món đồ chơi vào một cái thùng hoặc xô. Khi chúng chạm đáy thùng, bạn hãy tạo ra một âm thanh (ví dụ boom boom…). Bạn lặp lại vài lần như vậy sau đó thả đồ vật mà không tạo ra âm thanh xem trẻ có bắt chước không. Ngoài bắt chước âm thanh bạn cũng hãy cho trẻ thả đồ chơi vào thùng để giúp con rèn luyện kỹ năng vận động và kỹ năng ngôn ngữ .

Trốn tìm

Bạn hãy đặt trẻ vào một thùng giấy lớn và thoải mái, bên trong có lót chăn, đệm mềm. Hãy giả vờ bạn không tìm thấy trẻ, và khi thấy trẻ, bạn hãy kêu to một cách vui vẻ và phấn khích. Bạn có thể cho trẻ khám phá chiếc hộp nếu con thích.

Hoạt động trốn tìm này giúp tăng cường khả năng theo dõi trực quan cũng như phát triển kỹ năng vận động cơ bản, kỹ năng xã hội và dạy trẻ về sự tồn tại của một đối tượng nào đó.

Vỗ tay và hát

Trẻ 9 tháng tuổi đã có thể biết vỗ tay nên bạn hãy hát những bài hát vui nhộn dành cho trẻ em và vỗ tay theo nhịp bài hát, đồng thời khuyến khích trẻ vỗ tay theo. Đây là hoạt động giúp trẻ phát triển khả năng kiểm soát cơ, sự phối hợp giữa mắt và tay cũng như học về giai điệu.

Đi dạo

Đi dạo là một trong những hoạt động ngoài trời tốt nhất với trẻ 9 tháng tuổi. Bạn có thể đưa bé cùng đi siêu thị, đến cửa hàng tạp hóa để mua đồ, hay đơn giản chỉ là đi dạo trong công viên. Bằng hoạt động này, bạn giúp trẻ được quan sát mọi thứ xung quanh mình, mọi người đi ngang qua, trẻ em chơi đùa hay một chú chó đang sủa…

Cha mẹ có biết: Trẻ 9 tháng tuổi biết làm những gì? - Ảnh 6

Trẻ có thể bập bẹ, ê a không ngừng - Ảnh minh họa: Internet

Bạn hãy cho trẻ khám phá đồ chơi trong công viên. Bạn có thể ngồi trên xích đu hoặc trượt cầu tuột khi ôm trẻ trong lòng. Những kinh nghiệm từ hoạt động ngoài trời sẽ giúp kích thích đa giác quan của trẻ.

Đọc sách

Bạn có thể cho trẻ xem các loại sách ảnh (nhiều hình ảnh và ít chữ) để tăng sự hứng thú cho con. Khi đọc cho trẻ nghe, bạn hãy nâng cao giọng một chút để tạo hứng thú cho bé.

Trẻ bắt đầu đọc sách sớm (ngay cả khi đó là sách bằng hình ảnh) sẽ sớm hình thành và phát triển sự yêu thích đối với sách cũng như thói quen đọc sách sau này. Cả hai điều đó đều có ích cho trẻ và là những đức tính tuyệt vời mà bạn có thể tập cho bé ngay từ lúc này.

Những cột mốc trong sự phát triển của trẻ đã được trình bày qua bài viết trên phần nào đã giúp cha mẹ trả lời được câu hỏi trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì. Mỗi giai đoạn sẽ có những cách đánh dấu sự thay đổi riêng và ngày càng hoàn thiện hơn các kỹ năng của trẻ.

Thực phẩm có hại cho não bộ trẻ cha mẹ vẫn vô tư cho con ăn hàng ngày

Não bộ là cơ quan quan trọng nhất của cơ thể. Xây dựng cho trẻ một thói quen ăn uống lành mạnh sẽ giúp trẻ tránh được nguy cơ suy giảm nhận thức, lão hóa và ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ. Hãy tránh xa các thực phẩm có hại cho não bộ trẻ sau đây để con phát triển khỏe mạnh toàn diện.

TIN MỚI NHẤT