Trẻ em đòi đất!

Xã hội 19/03/2023 05:26

Các nhà hoạch định chính sách trong một thời gian dài ít quan tâm đến quỹ đất dành cho trẻ em. Quy hoạch đô thị chủ yếu quan tâm nhiều đến đất công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đất ở phân lô bán nền. Các khu công viên, sân chơi thể thao công cộng như sân bóng đá, bể bơi... dành cho trẻ em gần như thiếu trầm trọng.

Trẻ em đòi đất! - Ảnh 1

Hội nghị lấy ý kiến trẻ em vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi gây xôn xao dư luận. Ảnh: DV

Gần đây, dư luận xôn xao khi Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến trẻ em đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Nhiều ý kiến cho rằng, trẻ em chưa đủ lớn, chưa đủ hiểu biết để có thể góp ý xây dựng pháp luật nói chung và nhất là Luật Đất đai, một bộ luật khó, phức tạp, đòi hỏi lượng kiến thức nhất định, cả về lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tiễn.

Thậm chí, trên mạng xã hội nhiều người đã bè dỉu, xách mé các cơ quan đứng ra tổ chức việc này. Rằng, đó là việc làm mang nặng tính hình thức, gây lãng phí, tốn kém thời gian, không cần thiết.

Trên thực tế, Hiến pháp nước ta đã hiến định: Nhà nước của dân, do dân và vì dân; người dân có quyền làm chủ; được tham gia quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, trình độ… Nhà nước có trách nhiệm phải lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân nói chung.

Dự thảo Luật Đất đai cũng có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em.

Cụ thể, tại Điểm d Khoản 2 Điều 104 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, các khoản bao gồm: "Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật. Do đó, việc lấy ý kiến góp ý của trẻ em như trường hợp trên là hợp pháp, hợp hiến.

Vấn đề đặt ra ở đây là việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của trẻ em liên quan đến Luật Đất đai sửa đổi cần phải chú trọng vào vấn đề nào, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em hay không? Tránh trường hợp góp ý chung chung, làm chiếu lệ, hình thức.

Có thể nói, điều dễ nhìn thấy nhất từ tác động của Luật Đất đai đối với trẻ em đó chính là quỹ đất dành cho sân chơi trẻ em cả ở thành phố và nông thôn. Đây là điều mà trẻ em cần lên tiếng, các tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em cần phải lên tiếng, không phải chỉ khi có chủ trương góp ý dự thảo Luật Đất đai.

Trẻ em đòi đất! - Ảnh 2

Không riêng gì đất đai mà tiếng nói của trẻ em ở nhiều lĩnh vực khác cần được tôn trọng. Ảnh: DV

Thực tế cho thấy, mấy chục năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trẻ em ngày càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển cũng để lại những “khoảng trống” về quyền trẻ em, ít nhất là trong việc đầu tư, xây dựng các sân chơi cho thiếu nhi.

Các nhà hoạch định chính sách trong một thời gian dài ít quan tâm đến quỹ đất dành cho trẻ em. Các quy hoạch đô thị chủ yếu quan tâm nhiều đến đất công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đất ở phân lô bán nền. Các khu công viên, sân chơi thể thao công cộng như sân bóng đá, bể bơi, khu vui chơi giải trí tổng hợp giành cho trẻ em bị thiếu trầm trọng.

Một số khu đô thị ở thành phố quy hoạch bị điều chỉnh theo hướng tăng diện tích đất thương mại, dịch vụ, giảm bớt diện tích các công trình công trọng, đặc biệt là sân chơi dành cho trẻ em.

Một số chung cư, tỷ lệ diện tích sân chơi cho trẻ em trên số lượng dân cư chỉ chiếm số lượng rất nhỏ. Trẻ em bị “nhốt” trong các cao ốc bê tông sau những giờ học chính khóa, học thêm, trở nên lười vận động, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất.

Một số khu vui chơi giải trí cho trẻ em nếu có đều được đầu tư bởi các doanh nghiệp. Trẻ em muốn vui chơi, gia đình phải trả phí dịch vụ. Con em của công nhân, viên chức, người lao động có thu nhập thấp gần như không có điều kiện để sử dụng các dịch vụ như vậy.

Chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em không chỉ diễn ra ở thành phố. Hiện nay tại các vùng nông thôn, dù chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới có tiêu chí nhà văn hóa và sân chơi thể thao.

Tuy nhiên, thực tế, các công trình này chưa đủ diện tích và điều kiện sân bãi, dụng cụ đảm bảo nhu cầu của trẻ em. Sân nhà văn hóa các thôn, xóm chủ yếu phục vụ các môn cầu lông, bóng chuyền của người lớn. Một số nơi, tận dụng quỹ đất eo hẹp trong khuôn viên nhà văn hóa, người dân tự đóng góp xây dựng các khu vui chơi khoảng vài chục m2 cho trẻ em. Các điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ khi vui chơi còn bỏ ngỏ.

Trẻ em đòi đất! - Ảnh 3

Sân chơi cho thiếu nhi ở nông thôn được làm từ các vật liệu tái chế

Tại các trường học, ngoại trừ các trường tư thục có quỹ đất được đầu tư sân chơi cho học sinh, các trường công, do được đầu tư xây dựng đã lâu nên quỹ đất dành cho sân tập luyện, học tập môn giáo dục thể chất rất hạn chế.

Trở lại thành phố, không ít công viên bị “xẻ thịt”, “băm nát” để xây nhà hàng, quán cà phê, đồ uống, chỗ dành cho trẻ em bị thu hẹp dần.

Trên trang cá nhân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nêu ý kiến rằng nếu ông là một đứa trẻ hoặc có quyền thay mặt một đứa trẻ, nhà thơ sẽ lên tiếng đòi cho trẻ em được quyền sử dụng đất cho hai mục đích cơ bản là dành quỹ đất để xây dựng các khu như bảo tàng thiên nhiên, công viên cho trẻ em và dành quỹ đất để xây dựng các không gian văn hóa cho trẻ em.

“Tôi chưa bao giờ thấy chúng ta đặt vấn đề này một cách nghiêm túc và cấp bách khi quy hoạch thành phố hay các vùng ngoại ô. Vì thế vào các ngày nghỉ, quá nhiều gia đình đưa trẻ em đi siêu thị chơi. Trẻ em đang bị cướp đi những không gian thiên nhiên, không gian văn hóa… Đấy là sự thật. Đó có phải là điều vô cùng quan trọng trong sửa đổi Luật Đất đai hay không?”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đặt câu hỏi.

Ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của ông Thiều nhận được sự đồng tình của nhiều bạn đọc. Một số ý kiến cho rằng, lâu nay trong quy hoạch, chúng ta chỉ đặt lợi ích của người lớn lên trên hết, chỉ thấy lợi ích trước mắt. Trẻ em bị tước đoạt nhiều quyền lợi liên quan đến đất đai.

Trong xã hội văn minh, quyền trẻ em luôn được nhắc đến bằng sự trân trọng nhất. Không chỉ câu chuyện quyền lợi liên quan đến đất đai, chỗ ở, nơi vui chơi mà còn các quyền khác về thân thể, về học hành

Và vì thế, khi nào trẻ em được cất tiếng nói bình đẳng dù trực tiếp hay dán tiếp thì khi đó xã hội mới thực sự văn minh.

Bàn về quyền lợi của trẻ em cũng là một hồi chuông cảnh báo về sự vô cảm của người lớn trong xã hội hiện nay, không chỉ ở địa hạt đất đai.

Gần 2 tháng 'khai tử' hộ khẩu giấy: Trường hợp nào vẫn cần xác nhận cư trú? Thủ tục xin cấp ra sao?

Sau hơn một tháng "khai tử" sổ hộ khẩu giấy, người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

TIN MỚI NHẤT