Sự hy sinh thầm lặng của những thầy cô giáo nuôi dạy trẻ tàn tật: Phải yêu nghề lắm mới làm được ở đây

Xã hội 26/04/2018 17:07

Những đứa trẻ không may mắn khi vừa sinh ra sẽ được Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (TPHCM) cưu mang. Ở nơi ấy, những người thầy, người cô ngày đêm vẫn chăm sóc các em như chính người thân trong nhà dù các em không được bình thường như những đứa trẻ khác, có thể bất ngờ gào khóc khi lên cơn đau...

Mấy chục năm gắn bó như gia đình

Được thành lập cách đây 43 năm, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè là nơi cưu mang rất nhiều trẻ mồ côi khuyết tật, chậm phát triển và thiểu năng trí tuệ. Nơi đây chính là mái nhà lớn của rất nhiều thế hệ trẻ em thành phố không may mắn sau năm 1975. Một số những người con của trung tâm đã lớn lên, đi học và trở về làm việc tại chính nơi này để tiếp tục chăm sóc những mầm non bất hạnh.

Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, cô Tuyết – giáo viên giảng dạy các em cho biết: "Hàng ngày, những trẻ bị khuyết tật nhẹ có thể tham gia các hoạt động vui chơi ngoài sân, những trẻ bệnh nặng hơn sẽ được các cô nhân viên chăm sóc tại những khu riêng biệt khác. Ai cũng gắn bó với nơi này từ rất lâu rồi”.

Sự hy sinh thầm lặng của những thầy cô giáo nuôi dạy trẻ tàn tật: Phải yêu nghề lắm mới làm được ở đây - Ảnh 1
Khoảng sân trước trung tâm là khu vui chơi của những trẻ mồ côi bị khuyết tật nhẹ -  Ảnh: Phương Duy - Hồng Ngân

Đến khu chăm sóc trẻ thiểu năng, chúng tôi gặp được cô Lan. Gương mặt phúc hậu và ánh nhìn trìu mến của cô khi chăm sóc những đứa trẻ bệnh tật khiến bất cứ ai cũng thấy ấm lòng.

Cô Lan cho biết, cô gắn bó với trung tâm này đã 19 năm. Cô thương và chăm sóc những đứa trẻ như chính con ruột của mình. Đây cũng là nơi cho cô một mái nhà để trú ngụ từ những ngày còn bé. Gần hai mươi năm gắn bó, cô hiểu được nỗi đau về thể xác mà những đứa trẻ không lành lặn phải trải qua.

Sự hy sinh thầm lặng của những thầy cô giáo nuôi dạy trẻ tàn tật: Phải yêu nghề lắm mới làm được ở đây - Ảnh 2
Cô Lan dành tất cả tình yêu thương cho những đứa trẻ trong trung tâm - Ảnh: Phương Duy - Hồng Ngân

Bé này 18 tuổi nhưng không biết nói đâu! Nhưng mình nói bé sẽ nghe hiểu đó” – nói đoạn cô xoa đầu, nhìn bé như nhìn đứa con mới 3 tuổi trong nhà.

Cạnh bên, cô Hòa vừa cười góp thêm câu chuyện giữa những giờ mệt nhoài chăm lũ trẻ: “Cô vào đây làm khi con cô mới học lớp mầm, giờ nó vào đại học rồi!

Công việc thường ngày với những người sáng mắt đã khó, với người khiếm thị như anh Thuận lại càng vất vả hơn. Sau tai nạn bom mìn lúc nhỏ, đôi mắt anh không còn nhìn thấy gì. Anh được đưa vào trung tâm và được theo học nghề vật lí trị liệu tại trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu. Như một cơ duyên, anh trở về trung tâm và làm giáo viên vật lí trị liệu, hàng ngày chăm sóc cho những trẻ khuyết tật, đi lại khó khăn.

Sự hy sinh thầm lặng của những thầy cô giáo nuôi dạy trẻ tàn tật: Phải yêu nghề lắm mới làm được ở đây - Ảnh 3
Giờ tập vật lý trị liệu của thầy Thuận và các giáo viên - Ảnh: Phương Duy - Hồng Ngân

“Phải yêu nghề lắm mới làm được ở đây…”

Cô Hiền, phụ trách công tác Hành chính – Tiếp tân trò chuyện với chúng tôi đã không giấu được sự xúc động và ánh mắt tha thiết khi kể về công việc của cô và những đồng nghiệp đang làm.

Cô cho biết, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè có 3 cơ sở: Cơ sở chính dành cho các em mồ côi, khuyết tật; Cơ sở bán trú dành cho những em khuyết tật theo học để phục hồi chức năng, các em sẽ được gia đình đón về sau giờ học; Cơ sở Bảo Lộc (Lâm Đồng) dành cho những em mồ côi khuyết tật trưởng thành tham gia lao động sản xuất (trồng rau xanh, chè, cà phê…).

Sự hy sinh thầm lặng của những thầy cô giáo nuôi dạy trẻ tàn tật: Phải yêu nghề lắm mới làm được ở đây - Ảnh 4
Trong giờ vui chơi tại cơ sở chính, giáo viên vẫn thường xuyên quan sát toàn cảnh hoạt động của các em - Ảnh: Phương Duy - Hồng Ngân

Hàng ngày, các thầy cô giáo sẽ dạy cho những trẻ mồ côi khuyết tật nhẹ biết đọc, biết viết. Những trẻ lớn hơn bắt đầu dạy nghề. Đối với những nhân viên trực tiếp chăm sóc trẻ, các cô sẽ chia nhau làm theo ca. Lúc nào các cô cũng phải đảm bảo có người túc trực bên cạnh theo dõi tình hình.

Sự hy sinh thầm lặng của những thầy cô giáo nuôi dạy trẻ tàn tật: Phải yêu nghề lắm mới làm được ở đây - Ảnh 5
Chị trang (40 tuổi) - thành viên lớn tuổi nhất trung tâm hàng ngày trò chuyện và phụ các cô giáo làm những công việc nhẹ - Ảnh: Phương Duy - Hồng Ngân

Các bé ở đây sinh hoạt theo nề nếp nên các cô đỡ vất vả hơn. Có bé ăn được cả tô cơm, hút được cả lốc sữa. Mạnh thường quân cũng hay đến đây cho quà bánh, quan tâm đến hoàn cảnh nên cũng mừng cho các em” – cô Hiền chia sẻ.

Đó chính là động lực để những giáo viên, nhân viên nơi đây tận tâm với nghề dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Khi được hỏi chị và mọi người có cảm thấy yêu quý công việc mình đang làm không, chị Hiền cười:

Phải yêu nghề lắm tôi và những người đồng nghiệp mới làm được ở đây!

Sự hy sinh thầm lặng của những thầy cô giáo nuôi dạy trẻ tàn tật: Phải yêu nghề lắm mới làm được ở đây - Ảnh 6
Phải yêu nghề, đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, những người thầy cô và nhân viên trung tâm mới có thể gắn bó với công việc suốt nhiều năm như vậy - Ảnh: Phương Duy - Hồng Ngân

Sống ở thành phố, đồng lương công chức ba cọc ba đồng không đủ cho chị Hiền và những người giáo viên khác trang trải cuộc sống gia đình, chuyện học hành của con. Nhưng ai cũng quyết tâm bám trụ với nghề vì tấm lòng cao cả, vì những số phận kém may mắn hơn mình. 

Ước mong của các chị đơn giản chỉ là những đứa trẻ phát triển khỏe mạnh, có thể chăm sóc được bản thân khi trưởng thành.

'Bản năng làm mẹ mách chị phải cứu con!', tâm sự nhói lòng của mẹ 8x nuôi con trai 3 tuổi tự kỷ

Thời tiết mùa hè nắng như đổ lửa nhưng vẫn không ngăn được bước chân của người mẹ quê Long An ngày nào cũng mất 5 tiếng đồng hồ trên xe buýt đưa con trai đi học tận Sài Gòn. Gần 1 năm qua, bằng tất cả tình yêu thương, chị nhẫn nại từng chút một cùng con chiến đấu với chứng tự kỷ.

TIN MỚI NHẤT