Hành chục F0 ở Bình Dương không chịu xuất viện, giám đốc Sở Y tế nói rõ lý do: Sợ kỳ thị, ở viện được chăm lo đầy đủ hơn?

Xã hội 16/09/2021 10:51

Giám đốc Sở Y tế Bình Dương xác nhận có tình trạng F0 không chịu xuất viện tại Bình Dương.

Mới đây, theo nguồn tin từ báo Thanh Niên, một số bệnh viện dã chiến ở Bình Dương còn tồn đọng hàng chục F0, dù những người này đã đủ điều kiện xuất viện sau thời gian điều trị.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương xác nhận có tình trạng F0 không chịu xuất viện.

Ông Chương giải thích, một số trường hợp F0 khi trở về nơi tạm trú thì bị kỳ thị, nên tâm lý F0 khỏi bệnh thường không muốn về. Trong khi đó, F0 tại các bệnh viện được cung cấp đầy đủ các chế độ ăn uống, điều kiện sinh hoạt được đảm bảo dẫn đến tình trạng F0 dù đủ điều kiện nhưng không chịu xuất viện.

Trước đó, cũng qua trao đổi với báo Thanh Niên, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết đã quyết định nâng mức chi tiền ăn cho F0 trong các bệnh viện dã chiến thêm từ 20.000 - 30.000 đồng/người/ngày (tùy từng tầng điều trị, trước đó đã chi từ 70.000 - 90.000 đồng/người/ngày).

Hành chục F0 ở Bình Dương không chịu xuất viện, giám đốc Sở Y tế nói rõ lý do: Sợ kỳ thị, ở viện được chăm lo đầy đủ hơn? - Ảnh 1
Các F0 làm thủ tục xuất viện tại Bình Dương - Ảnh: Thanh Niên

 Theo báo Chính Phủ, tỉnh Bình Dương có 16 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 (trong đó có 3 Bệnh viện dã chiến: Bệnh viện dã chiến số 1 (thành phố Thủ Dầu Một), Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Thới Hòa (thị xã Bến Cát), Bệnh viện dã chiến số 3 (thị xã Bến Cát)), với 120 bác sĩ, 295 điều dưỡng trực tiếp phục vụ; cùng 166 nhân viên y tế hỗ trợ (tổng cộng: 581 người); số giường trên địa bàn tỉnh hiện đáp ứng điều trị được 17.240 người mắc Covid-19.

Ở một diễn biến liên quan đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương, theo báo Công an Nhân dân, ngày 15/9, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương đã xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động kinh tế- xã hội trong trạng thái “bình thường mới” áp dụng từ ngày 16/9/2021.

Cụ thể, lộ trình phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới” ở Bình Dương theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ 15/9 đến 31/10/2021: Bình Dương ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các vùng xanh gồm các huyện phía Bắc: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, thị xã Bến Cát và Thành phố Thủ Dầu Một. Tỉnh vẫn tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt “vùng đỏ”, “điểm đỏ”; mở rộng “vùng xanh”; thần tốc xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Người và các phương tiện giao thông được phép lưu thông bình thường trong các địa bàn “vùng xanh” và lưu thông qua lại giữa các huyện “vùng xanh” phía Bắc (gồm Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng Bắc Tân Uyên) nhưng phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh khi qua các chốt kiểm soát dịch COVID-19 giữa các địa phương.

Người tham gia giao thông phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày (kèm theo xác nhận làm việc tại doanh nghiệp để di chuyển từ nơi ở đến nơi sản xuất khi đi qua các chốt kiểm soát) và F0 đã khỏi bệnh. Hạn chế tối đa các đối tượng là người già, bệnh nền, trẻ em tham gia lưu thông.

UBND các huyện bố trí lực lượng y tế test nhanh miễn phí 24/24h tại các chốt kiểm soát đối với người tham gia giao thông đến từ các “vùng đỏ”, “vùng vàng” của tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành khác trừ các đối tượng lưu thông qua địa bàn trên các tuyến đường thuộc hệ thống “luồng xanh” của tỉnh và quốc gia.

Giai đoạn 2 từ sau 31/10/2021: Nếu vắc xin được cung cấp liên tục, đầy đủ thì khoảng đầu tháng 10/2021, Bình Dương sẽ hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vaccine cho toàn bộ người dân trong tỉnh. Sau 15 ngày để vaccine phát huy tác dụng, đến cuối tháng 10/2021 sẽ cơ bản đạt miễn nhiễm cộng đồng.

Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng” sẽ mở cửa lại các hoạt động kinh tế xã hội có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, loại trừ một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch như: karaoke, vũ trường, quán bar, massage...

Giai đoạn 3 từ sau 31/12/2021: Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng” sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội. Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch phải có tiêu chí điều kiện hoạt động. 

Tất cả các giai đoạn này, trong trường hợp diễn biến dịch xấu hơn thì tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành Y tế, sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn.

Đồng thời, sau ngày 16/9, UBND tỉnh cũng sẽ tính toán ban hành biện pháp xử lý đối với các F0/F1 đã tiêm vắc-xin theo hướng cách ly tại nhà và được cung cấp “túi thuốc an sinh”.

Mặt khác, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương cho hay, trong ngày 15/9, địa phương này ghi nhận 3.228 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân tính từ đợt dịch thứ 4 là 166.075 ca; trong đó có 1.503 bệnh nhân tử vong.

Xúc động cảnh 2 vợ chồng mắc Covid-19 ngồi trên giường bệnh, dựa lưng vào nhau để cùng tập từng nhịp thở

Là F0 đang nằm viện điều trị Covid-19, người phụ nữ vẫn khiến nhiều người vừa thương vừa không khỏi ghen tỵ vì đã tìm được "một nửa" quá hoàn hảo.

TIN MỚI NHẤT