Cơm gạo lứt và 5 cách nấu cơm dẻo ngon, giữ trọn hương vị

Vào bếp 20/12/2021 17:09

Nhắc đến ăn gì để giảm cân, ăn gì để tốt cho sức khỏe..., thì chúng ta không thể bỏ qua cơm gạo lứt. Đây là loại gạo chứa nhiều thành phần dinh dưỡng hơn so với gạo trắng. Để các bạn có được bữa ăn ngon, chúng tôi sẽ chia sẻ 5 cách nấu gạo lứt và 3 món ăn kèm với cơm gạo lứt thơm ngon, cùng tìm hiểu nhé!

Ăn cơm gạo lứt có tác dụng gì?

1. Gạo lứt là gì?

Gạo lứt hay còn gọi là gạo rằn, gạo lật, đây là loại gạo mà khi xay người ta chỉ bỏ đi phần vỏ trấu, còn lớp cám thì vẫn giữ nguyên. 

Do sự khác biệt về ngôn ngữ nên đôi khi các bạn có thể thấy người ta viết “gạo lứt” thành “gạo lức”. 

  • Ở miền Nam, “lứt” và “lức” đồng âm (cách đọc hoàn toàn giống nhau) nên “gạo lứt” còn được viết là “gạo lức”. 
  • Ở miền Bắc, “lứt” và “lức” có cách đọc khác nhau, không thể thay thế cho nhau.

2. Thành phần dinh dưỡng có trong gạo lứt

Cơm gạo lứt và 5 cách nấu cơm dẻo ngon, giữ trọn hương vị - Ảnh 1

Ăn cơm gạo lứt có tác dụng gì?

So với các loại gạo trắng mà chúng ta vẫn thường ăn hằng ngày, gạo lứt được đánh giá là giàu dinh dưỡng hơn, đặc biệt là các vitamin và nguyên tố vi lượng. Mời các bạn tham khảo thông tin về thành phần, giá trị dinh dưỡng của 100g gạo lứt dưới đây:

  • Năng lượng: 370 kcal
  • Carbohydrate: 77,24g (trong đó có đường 0,85g, chất xơ 3,5g)
  • Chất béo: 2,92g
  • Chất đạm: 7,94g
  • Vitamin: Vitamin B1 (0,401mg), vitamin B2 (0,093mg), vitamin B3 (5,091mg), vitamin B5 (1,493mg), vitamin B6 (0,509mg), vitamin B9 (20μg)
  • Khoáng chất: Canxi (23mg), sắt (1,47mg), magie (143mg), manga (3,743mg), phốt pho (333mg), kali (223mg), natri (7mg), kẽm (2,02mg)
  • Nước: 10,37g

3. Tác dụng của cơm gạo lứt

Từ những thông tin về thành phần dinh dưỡng trên, có thể thấy gạo lứt là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Vậy ăn cơm gạo lứt có tác dụng gì?

  • Bổ sung thêm các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, thích hợp đối với những người vừa ốm dậy.
  • Giảm hàm lượng cholesterol xấu, ổn định huyết áp, bảo vệ hệ tim mạch.
  • Ổn định đường huyết, giúp hỗ trợ phòng và điều trị các biến chứng của bệnh tiểu đường.
  • Cung cấp canxi giúp cho xương chắc khỏe, làm chậm quá trình lão hóa xương.
  • Làm đẹp da, hỗ trợ giảm cân, duy trì vóc dáng.
  • Cải thiện chức năng gan, giúp cơ thể đào thải độc tố tốt hơn.

Ăn gạo lứt hàng ngày có tốt không?

Sau khi đã tìm hiểu về những công dụng tuyệt vời của gạo lứt đối với sức khỏe, chắc hẳn không ít người sẽ ăn gạo lứt thường xuyên hơn. Vậy ăn nhiều gạo lứt có tốt không? 

Trên thực tế, các bạn có thể ăn gạo lứt hàng ngày nhưng không nên ăn quá nhiều. Mỗi ngày các bạn chỉ nên ăn khoảng 150 - 200g gạo lứt. Bởi vì nếu ăn quá nhiều sẽ làm phản tác dụng, nhất là khi người dùng mua phải gạo lứt kém chất lượng. 

Ngoài ra, hạt gạo lứt khá cứng, nếu các bạn không nhai kỹ còn có thể dẫn đến chứng khó tiêu.

Những điều cần lưu ý khi ăn gạo lứt

Để thu được hiệu quả tối ưu từ việc ăn gạo lứt, người dùng cần lưu ý những điều sau đây:

  • Chỉ mua gạo lứt ở các địa chỉ uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh mua gạo lứt kém chất lượng, bị ngâm hoặc tẩm hóa chất.
  • Trước khi nấu cơm gạo lứt, các bạn nên ngâm và phải vo sạch. Tuy nhiên, để không làm mất chất dinh dưỡng, bạn không nên ngâm gạo quá lâu hoặc vo gạo quá kỹ.
  • Khi ăn gạo lứt cần phải nhai thật kỹ.
  • Trẻ em, người già, phụ nữ đang mang thai, người bị bệnh thận mãn tính… nên hạn chế ăn gạo lứt.
  • Mặc dù sở hữu thành phần dinh dưỡng dồi dào nhưng gạo lứt không thể thay thế hoàn toàn gạo trắng và các nhóm thực phẩm khác như thịt, cá, rau củ, trái cây…

Các cách nấu cơm gạo lứt đơn giản nhất

1. Cách nấu cơm gạo lứt bằng nồi cơm điện

Cơm gạo lứt và 5 cách nấu cơm dẻo ngon, giữ trọn hương vị - Ảnh 2

Cách nấu cơm gạo lứt bằng nồi cơm điện

Nguyên liệu

  • Gạo lứt
  • Nước ấm

Cách nấu cơm gạo lứt

Bước 1: Vo gạo: Nên vo sơ và ngâm gạo lứt với nước ấm trong khoảng 45 phút để hạt gạo mềm và dẻo hơn

Bước 2: Cho gạo vào nồi cơm: Cho cả gạo và nước ngâm vào nồi cơm điện và bắt đầu nấu.

Bước 3: Ủ cơm: Sau khi nồi đã chuyển sang chế độ warm, các bạn tiếp tục ủ cơm trong nồi từ khoảng 10-15 phút để giúp cơm mềm và nở đều.

Bước 4: Xới cơm: Xới cho tơi cơm và chuẩn bị bàn ăn dần là được rồi.

2. Cách nấu cơm gạo lứt bằng nồi thường

Bước 1: Nồi nấu cơm gạo lứt nên chuẩn bị loại có nắp đậy kín. Tương tự như khi nấu bằng nồi cơm điện, các bạn cũng nên vo sơ gạo và ngâm với nước ấm khoảng 45 phút để hạt gạo mềm và dẻo hơn.

Bước 2: Cho gạo và nước ngâm vào nồi, đặt lên bếp gas nấu đến khi cơm sôi thì xới đều 1 lượt. Sau đó đậy kín nắp, vặn lửa vừa, nấu tiếp đến khi nước trong nồi cạn.

Bước 3: Khi nước đã cạn, các bạn chỉnh lửa liu riu khoảng 3-5 phút thì tắt lửa, ủ trong 10 phút rồi mới dùng.

3. Cách nấu cơm gạo lứt huyết rồng bằng nồi áp suất

Bước 1: Sau khi vo sơ gạo, tiếp tục ngâm gạo lứt huyết rồng trong 4 giờ để hạt gạo đạt độ dẻo và mềm như mong đợi.

Bước 2: Cho gạo và nước vào nồi áp suất với tỉ lệ 1:1,5.

Bước 3: Đậy chặt nắp nồi, hẹn giờ nấu trong 30 phút. Khi cơm đã chín cácbạn chỉ cần xới tơi ra là có thể dùng được.

4. Cách nấu cơm gạo lứt với các loại hạt

Cơm gạo lứt và 5 cách nấu cơm dẻo ngon, giữ trọn hương vị - Ảnh 3

Cách nấu cơm gạo lứt với các loại hạt

Nguyên liệu

  • Gạo lứt: 1 chén
  • Các loại hạt, đậu: đậu gà, đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng
  • Hành
  • Muối
  • Dầu ăn

Cách nấu cơm gạo lứt với các loại hạt

Bước 1: Ngâm gạo lứt cùng với các loại đậu

Gạo lứt vo sơ với nước và ngâm khoảng 45 phút. Đậu gà, đậu đen, đậu đỏ ngâm từ 8 đến 10 tiếng

Bước 2: Trộn đều tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị.

Bước 3: Cho thêm một ít dầu vào nồi để phi thơm hành. Tiếp đó, các bạn đổ toàn bộ hỗn hợp đậu và gạo lứt vào nồi. Nêm thêm một chút muối vào nồi.

Bước 4: Đổ nước vào nồi (có thể sử dụng thêm nước hầm gà) để nấu. Sau 40-50 phút là cơm chín, dùng đũa xới tơi ra là có ngay món cơm gạo lứt bổ dưỡng còn dễ ăn.

5. Cách nấu gạo lứt trộn gạo trắng

Nguyên liệu

  • Gạo lứt 100g
  • Gạo trắng 300g
  • Nước

Cách làm 

Bước 1: Để cơm gạo lứt được mềm thì bạn nên ngâm gạo trước 1 đêm hoặc ít nhất 4 giờ trước khi nấu. Sau đó vo lại thật sạch và bỏ các hạt bị sâu.

Bước 2: Vo sạch gạo trắng rồi cho gạo lứt vào trộn đều rồi cho vào nồi cơm điện hoặc nồi cơm thường. Đổ khoảng 500ml - 800ml nước vào nồi rồi đậy nắp bật nút “Cook”.

Bước 3: Khi cơm đã chín và nồi chuyển sang chế độ “Warm” thì các bạn mở nắp và xới đều cơm lên là có thể thưởng thức.

Cơm gạo lứt làm món gì ngon?

1. Gạo lứt muối mè

Món gạo lứt muối mè ngon, bổ vừa dễ dàng thực hiện và cũng là món ăn thường xuất hiện trong các thực đơn giảm cân của chị em. Cách nấu cơm gạo lứt muối mè như sau:

Nguyên liệu

  • Gạo lứt 150g
  • Mè 150g (bạn có thể dùng mè đen hoặc mè trắng)
  • Đậu phộng 200g
  • Muối hột 70g (tùy theo khẩu vị)

Cách làm gạo lứt muối mè

Bước 1: Nấu cơm gạo lứt, cách làm tương tự như những cách đã giới thiệu ở trên bài viết.

Bước 2: Đầu tiên, các bạn bắt chảo chống dính lên bếp, khi chảo nóng thì bạn cho đậu phộng vào rang, nhớ cho thêm muối rồi đảo đều. Khi đậu có mùi thơm và chuyển sang màu hơi nâu, vỏ nứt thì tắt bếp.

Bước 3: Đổ đậu ra rổ cho bớt nóng cho ra rỗ rồi bóp để tách hết vỏ đậu.

Bước 4: Bạn lấy mè rửa sạch, rồi cho lên bếp rang tiếp giống như đậu phộng. Đảo đều tay rồi giảm lửa. Tắt bếp khi thấy mè đã chuyển màu và có hương thơm.

Bước 5: Cho muối hột lên bếp rang.

Bước 6: Đâm nguyễn muối, đậu phộng và mè rang. Khi cơm nóng, các bạn rắc ít muối mè lên và thưởng thức. Món ăn có màu hấp dẫn của gạo lứt kèm thêm vị béo, thơm của đậu phộng và mè rang mà không ngán.

2. Cơm gạo lứt cuộn rong biển giảm cân

Cơm gạo lứt và 5 cách nấu cơm dẻo ngon, giữ trọn hương vị - Ảnh 4

Cơm gạo lứt cuộn rong biển giảm cân

Nguyên liệu

  • Rong biển dạng lá loại chuyên làm kimbap
  • 300g gạo lứt
  • 100g rau cải
  • 1 quả dưa leo
  • 1 củ cà rốt
  • 2 quả trứng gà
  • 2 cây xúc xích ăn liền
  • Muối
  • Mè rang

Cách làm cơm gạo lứt cuộn rong biển giảm cân

Bước 1: Nấu cơm gạo lứt, cơm chín mềm và dẻo. Các bạn có thể tham khảo thêm cách nấu gạo lứt bằng nồi cơm điện và nồi áp suất ở phía trên.

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu

Cà rốt gọt bỏ vỏ, rửa sạch rồi mang đi luộc chín. Cắt cà rốt thành sợi dài.

Dưa leo và rau rửa sạch. Lấy dưa và xúc xích cắt thành từng sợi.

2 quả trứng các bạn cho vào tô, đánh thật đều lên. Có thể cho thêm một ít muối và gia vị. Sau đó bắc chảo tráng trứng mỏng rồi cắt thành sợi dài.

Bước 3: Cuộn cơm

Trải miếng rong biển lên mặt phẳng, cho phần cơm vào rồi dùng muỗng trải đều ra. Chừa lại một phần ở phần mép để cơm không bị rơi khi cuộn. Cho tiếp phần cà rốt, xúc xích, rau, dưa leo, trứng vào rồi cuộn thật chặt tay.

Bước 4: Cắt cơm thành khoanh vừa ăn, rắc một ít mè rang lên và thưởng thức.

3. Salad gạo lứt

Nguyên liệu

  • 2 muỗng cơm gạo lứt
  • 1 củ hành xắt nhỏ
  • 1 quả ớt chuông xắt lát
  • 2 lá bắp cải xắt miếng vừa ăn
  • 1 củ cà rốt xắt lát
  • ½ trái cà chua xắt nhuyễn
  • 2 tép tỏi xắt nhuyễn
  • ½ củ gừng xắt nhuyễn
  • 2 muỗng dầu vừng hoặc dầu ô liu

Cách thực hiện salad gạo lứt

Bước 1: Đổ dầu vào chảo chống dính, đợi cho nóng thì cho hành, tỏi vào đảo đều đến khi chuyển sang màu vàng và có mùi thơm.

Bước 2: Chỉnh cho lửa lớn, cho bắp cải, cà chua, cà rốt vào đảo đều trong 2-3 phút.

Bước 3: Cho các loại gia vị muối, tiêu và một ít nước chanh.

Bước 4: Cho cơm vào và đảo đều trong 3-5 phút là được.

Trên đây là những công dụng tuyệt vời và cách để nấu được một nồi cơm gạo lứt thơm ngon dinh dưỡng. Chúc các bạn thành công với món ăn của mình nhé!

3 cách chế biến cá chép hấp bia bún đơn giản nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng

Cá chép làm một món ăn đem lại rất nhiều chất dinh dưỡng mà còn dễ dàng biến tấu thành nhiều món ăn ngon. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn món cá chép hấp bia bún thơm ngon, đơn giản sẽ giúp cho đa dạng khẩu vị ăn của gia đình bạn. Cùng vào bếp thực hiện ngay món hấp này ngay nhé!

TIN MỚI NHẤT