Uống 1 lít rượu, người phụ nữ ngộ độc nặng, nhập viện trong tình trạng sùi bọt mép, suy hô hấp

Tin y tế 05/01/2024 09:29

Người bệnh có uống một lít rượu trắng, đến tối thì có biểu hiện sùi bọt mép, đồng tử hai bên co, người lạnh, huyết áp tụt.

Theo thông tin từ VnExpress, ngày 4/1, bác sĩ Nguyễn Thị Việt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, cho biết trước đó, người bệnh có uống một lít rượu trắng, đến tối thì có biểu hiện sùi bọt mép, đồng tử hai bên co, người lạnh, huyết áp tụt. Bệnh nhân không bị nghiện rượu.

Bác sĩ chỉ định rửa dạ dày, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm và đặt sonde bàng quang, hỗ trợ đường thở. Tuy nhiên, "người bệnh suy hô hấp, viêm phổi nặng, phải chuyển khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Thận nhân tạo để theo dõi", bác sĩ nói.

Sau hai ngày, tri giác người bệnh đã cải thiện, tỉnh táo, sinh niệu ổn định, thoát nguy kịch.

Uống 1 lít rượu, người phụ nữ ngộ độc nặng, nhập viện trong tình trạng sùi bọt mép, suy hô hấp - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Dẫn từ Người Đưa Tin, các bác sĩ khuyến cáo, khi ngộ độc rượu, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng ban đầu như: mặt tái, nôn, đi loạng choạng không vững… Tình trạng nặng hơn sẽ dẫn đến các triệu chứng kích thích thần kinh, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, thậm chí là hôn mê sâu.

Khi uống rượu tạo cảm giác no giả, nên nhiều người uống mà không ăn dẫn đến bị hạ đường huyết. Có trường hợp uống liên tục vài ngày, uống quá nhiều tới khi nguy kịch mới vào viện thì đã để lại di chứng rất nặng nề, đặc biệt là di chứng não.

Uống quá nhiều rượu còn gây ra các bệnh như viêm tụy cấp, suy gan, cơ tim giãn, teo não, rối loạn tâm thần, thiếu máu, suy tủy... Đặc biệt, người uống phải rượu pha cồn công nghiệp còn nguy hiểm đến tính mạng.

Mặc dù ngộ độc rượu được cảnh báo nhiều, song nhiều người vẫn mua rượu không rõ nguồn gốc, rượu trôi nổi, rượu tự pha chế về uống.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu trong dịp lễ, Tết, người dân cần thực hiện các nguyên tắc sau:

- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

- Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

- Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Ba bệnh nhân bị mù mắt vì ngộ độc cồn công nghiệp methanol trong rượu

Cồn công nghiệp methanol lúc đầu gây say như rượu thông thường, sau đó chuyển hóa thành axit formic rồi gây tổn thương các tế bào khác nhau, đặc bệt là mắt và não, gây tổn thương dây thần kinh thị giác, sưng phù, giảm thị lực, thậm chí mù.

TIN MỚI NHẤT