Ca mắc tay tay - chân - miệng ở TP.HCM tiếp tục tăng, nhiều trường hợp chuyển nặng, phải thở máy, lọc máu

Tin y tế 22/06/2023 07:16

Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, TP.HCM đang điều trị nội trú hơn 60 ca tay-chân-miệng (TCM). Hai tuần nay ca nhập viện tăng. Trẻ ra vô phòng cấp cứu liên tục nên đôi khi hai trẻ phải chung một giường.

Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, số ca mắc tay-chân-miệng ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam liên tục tăng, trong đó nhiều ca khi nhập viện đã trở nặng, phải thở máy, lọc máu.

Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, TP.HCM đang điều trị nội trú hơn 60 ca tay-chân-miệng (TCM).  PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Nhi đồng 1, khoa đang điều trị sáu ca TCM nặng cấp độ 3 và 4. Trong đó, có hai ca thở máy, một ca vừa thở máy vừa lọc máu, ba ca đã cai máy thở.

“Ca vừa thở máy vừa lọc máu là bệnh nhi 19 tháng tuổi (ngụ Bình Dương), mắc TCM cấp độ 4. Trước đó, bệnh nhi bị nổi bóng nước, khám ở BV địa phương BS chẩn đoán mắc TCM nặng, đề nghị nhập viện điều trị, sau đó người nhà xin chuyển lên BV Nhi đồng 1.

“Bệnh nhi nhập viện ngày 19-6 trong tình trạng suy hô hấp, sốc, phù phổi cấp độ 4, phải đặt nội khí quản, thở máy, truyền tĩnh mạch, chống sốc. Do bệnh TCM cấp độ 3 chuyển sang cấp độ 4 rất nhanh nên bệnh nhi phải lọc máu. Đã qua 20 giờ lọc máu, tình trạng bệnh nhi có cải thiện song vẫn còn rất nặng, các BS đang theo dõi đáp ứng điều trị” - BS Quang chia sẻ.

Ca mắc tay tay - chân - miệng ở TP.HCM tiếp tục tăng, nhiều trường hợp chuyển nặng, phải thở máy, lọc máu - Ảnh 1
Bệnh nhi lọc máu đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Còn tại BV Nhi đồng 2, ngày 20-6, số ca nhập viện điều trị nội trú TCM là 45 trẻ. Hiện BV đang điều trị một trường hợp nặng là bệnh nhi ba tuổi (ngụ Bình Thuận), nhập viện ngày 15-6 trong tình trạng sốt cao liên tục, mạch và huyết áp tăng cao, giật mình run chi, chẩn đoán TCM cấp độ 3.

BS Nguyễn Trung Bạo, khoa Hồi sức - Nhiễm, cho biết bệnh nhi đã được đặt nội khí quản, thở máy, truyền kháng thể. Tuy nhiên, sau đó bệnh chuyển nặng lên cấp độ 4 nên phải lọc máu. Sau lọc máu ba ngày, bệnh nhi có dấu hiệu thần kinh ổn, giảm sốt, tri giác tỉnh nên được ngưng lọc máu và cai máy thở.

Chị HTMT (mẹ bệnh nhi) kể trước đó bé chỉ sốt nhẹ, sau đó sốt cao 39 độ C, lau mát và uống thuốc hạ sốt không hạ. Hôm sau bé nổi hồng ban ở lòng bàn chân và miệng, nghi con mắc TCM chị đưa đến khám ở BV tư. “BS cho uống thuốc nhưng bé vẫn sốt cao, ngủ giật mình chới với nhiều cơn nên tôi đưa bé lên BV tỉnh khám. BS chẩn đoán bé mắc TCM cấp độ 2B, đề nghị chuyển lên BV Nhi đồng 2. Hiện bé đã tỉnh táo hơn nhiều” - chị T nói.

Dẫn tin từ VnExpress, số ca tay chân miệng tăng gần 150% trong một tháng qua, nhiều ca nặng, Sở Y tế TP HCM chuẩn bị ba kịch bản ứng phó nguy cơ dịch bùng phát.

Tuần qua thành phố ghi nhận 423 ca tay chân miệng, tăng ở cả số nhập viện và số khám ngoại trú. 147 bé, đều dưới 6 tuổi, đang điều trị ở các bệnh viện. Trong đó, 18 trẻ bệnh nặng phải hồi sức tích cực, 14 bé thở máy và một ca lọc máu. Đến nay thành phố ghi nhận một ca tử vong do tay chân miệng.

So với cùng kỳ năm ngoái, số ca tay chân miệng hiện giảm hơn 53%, tuy nhiên sự xuất hiện chủng Enterovirus 71 đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao gây bệnh nặng khiến giới chức y tế lo ngại nguy cơ bùng phát dịch. Để ứng phó tình huống ca nặng từ độ 2a trở lên, ước tính chiếm khoảng 10% ca nội trú, Sở Y tế chuẩn bị ba kịch bản thu dung điều trị.

Ca mắc tay tay - chân - miệng ở TP.HCM tiếp tục tăng, nhiều trường hợp chuyển nặng, phải thở máy, lọc máu - Ảnh 2
Một bệnh nhi tay chân miệng độ 3 điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố - Ảnh: VnExpress

Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết bệnh nhân diễn biến nhẹ. Một số trường hợp bệnh nặng và biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm trùng máu, có thể dẫn đến tử vong.

Biện pháp phòng chống là vệ sinh đồ chơi cho trẻ, vệ sinh nhà cửa bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan. Dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run tay chân, khi ấy nên đưa trẻ đến viện ngay.

Cứu sống và bảo tồn tử cung cho thai phụ nhau bong non thể nặng, máu chảy ồ ạt

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam đã phẫu thuật cứu sống sản phụ nhau bong non thể nặng.

TIN MỚI NHẤT