Biến thể vi rút coxsackie A24 gây đau mắt đỏ ở TP.HCM: Tốc độ lây lan nhanh, làm gì để phòng ngừa?

Tin y tế 19/09/2023 16:56

Coxsackie A24 - nguyên nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ ở TP.HCM, là biến thể vi rút entero nhóm C có nhân RNA. Trong khi đó, vi rút adeno chứa nhân DNA. Các nghiên cứu cho thấy vi rút chứa nhân RNA có tốc độ lây lan nhanh hơn so với DNA.

Theo thông tin từ Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết về mức độ gây bệnh nặng so với các chủng vi rút khác thì chưa có bằng chứng khẳng định, tuy nhiên vi rút  coxsackie A24 có tốc độ lây lan nhanh.

"Coxsackie A24 vi rút là biến thể vi rút entero nhóm C có nhân RNA. Trong khi đó, vi rút adeno  chứa nhân DNA. Các nghiên cứu cho thấy vi rút chứa nhân RNA có tốc độ lây lan nhanh hơn so với DNA", bác sĩ Tiến phân tích.

Ngoài ra, có một điểm khác biệt, đó là vi rút coxsackie A24 không chỉ gây viêm kết mạc ở mắt, mà trong một số trường hợp có thể gây viêm mạc vùng má, môi, viêm amidan, viêm họng, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, ói, tiêu chảy...

Vi rút coxsackie A24 có thể gây ra viêm kết mạc bệnh cảnh nặng nhưng thường cấp tính, bệnh mau khỏi trong khoảng 3-5 ngày, lâu hơn khoảng 7-10 ngày. Coxsackie A24 vi rút ít gây viêm giác mạc, nhưng trong một số trường hợp có thể gây phù giác mạc. Trong khi đó, nhóm vỉ rút adeno gây đau mắt đỏ có thể gây viêm giác mạc mạn tính.

Biến thể vi rút coxsackie A24 gây đau mắt đỏ ở TP.HCM: Tốc độ lây lan nhanh, làm gì để phòng ngừa? - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Đức Quốc (Khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết viêm kết mạc do vi rút coxsackie A24 có biểu hiện chủ yếu là gây đỏ mắt nhiều, vì vậy bệnh còn thường được gọi là viêm kết mạc xuất huyết. Ngoài ra, bệnh còn có một số triệu chứng khác như ngứa mắt, đau, sưng mí, chảy ghèn, các triệu chứng siêu vi toàn thân.

Viêm kết mạc xuất huyết có tốc độ lây lan nhanh, đa số bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, một số ít trường hợp, bệnh có thể gây phù giác mạc. Người bệnh cần phải đến các bệnh viện chuyên khoa mắt để kiểm tra để có hướng điều trị phù hợp.

Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, viêm kết mạc xuất huyết là biểu hiện chủ yếu trong đợt bùng phát mắt đỏ hiện nay tại TP.HCM, theo các báo cáo khoa học trên thế giới, tác nhân chính là nhóm vi rút entero, trong đó bao gồm biến thể coxsackie A24 và EV70.

Biến thể vi rút coxsackie A24 gây đau mắt đỏ ở TP.HCM: Tốc độ lây lan nhanh, làm gì để phòng ngừa? - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Dẫn tin từ VTV, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.

Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt, sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt 5 biện pháp sau:

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Bác sĩ BV Nhi TƯ: Những điều cha mẹ cần biết về bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp)

Bệnh viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân hè, dễ lây lan thành dịch.

TIN MỚI NHẤT