61 ca tử vong do bệnh dại trong 10 tháng: Làm gì khi bị chó mèo cắn?

Tin y tế 13/11/2023 16:42

Bệnh dại là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây tử vong hàng đầu, với tỷ lệ tử vong gần như 100% khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.

Báo động tình trạng trẻ em bị súc vật cắn

Theo các số liệu thông kê, hàng năm, thế giới ghi nhận khoảng 60.000 trường hợp tử vong do bệnh dại ở người, chủ yếu ở Châu Á (59,6%) và Châu Phi (36,4%). Bệnh dại hiện diện ở tất cả các châu lục ngoại trừ Nam Cực, và hơn 95% số ca tử vong ở người xảy ra tại châu Á và châu Phi.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 61 ca tử vong do bệnh dại, tăng 18 ca so với cùng kỳ năm ngoái (~ 42%). Bên cạnh đó, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại.

61 ca tử vong do bệnh dại trong 10 tháng: Làm gì khi bị chó mèo cắn? - Ảnh 1
Từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 61 ca tử vong do bệnh dại.

Đa số các trường hợp tử vong đều chưa được tiêm phòng do tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn chó bình thường, không hiểu biết về bệnh dại, trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình, tâm lý e ngại với vắc xin phòng dại…

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tại Phòng Khám – Tư vấn tiêm chủng (Bệnh viện Nhi Trung ương), tỷ lệ người bị chó mèo cắn đến tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm 2022, với 271 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại, trong đó trên 70% trường hợp ở Hà Nội và gần 68% là trẻ dưới 15 tuổi.

Việc tiêm phòng vắc xin dại được thực hiện cho 326 đối tượng với 679 liều tiêm, trẻ dưới 15 tuổi chiếm chủ yếu (khoảng 60%). Số mũi tiêm vắc xin phòng dại trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, nhiều trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng đa vết thương toàn thân do chó cắn. Gần đây nhất là trường hợp cháu bé 7 tuổi (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau đớn, tâm lý hoảng loạn cùng với hàng trăm vết thương trên cơ thể do bị 4 con chó lao vào tấn công khi cháu bé chơi tại nơi làm việc của bố.

Làm gì khi bị chó mèo, động vât cắn?

Theo các chuyên gia y tế, bệnh dại là bệnh do vi rút lây truyền từ động vật sang người, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương nhưng có thể phòng ngừa được bằng vắc xin.

Khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%. Trong 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virus dại sang người. Tuy nhiên, bệnh dại cũng có thể ảnh hưởng đến cả động vật nuôi và động vật hoang dã.

61 ca tử vong do bệnh dại trong 10 tháng: Làm gì khi bị chó mèo cắn? - Ảnh 2
Khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%.

Virus dại lây lan sang người và động vật qua nước bọt, thường là qua vết cắn, vết trầy xước hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (ví dụ như mắt, miệng hoặc vết thương hở). Trẻ em từ 5 tuổi đến 14 tuổi là nạn nhân thường xuyên của căn bệnh này.

Theo các chuyên gia dịch tễ, bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Vắc-xin phòng dại không gây hại cho người tiêm. Vắc xin phòng dại được sản xuất từ vi rút dại đã bất hoạt do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác.

Để phòng tránh bệnh dại khi bị chó mèo hoặc động vật cắn, cào, liếm vào vết xước... cần nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút.

Bên cạnh đó, có thể rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iode; cồn 70 độ hoặc rượu mạnh; xà phòng, dầu gội, dầu tắm…

 

Sau đó, cần khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc-xin và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tình trạng động vật cắn, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh; tình trạng và số lượng vết cắn, vị trí bị cắn; tình hình bệnh dại trong vùng.

Đặc biệt, mỗi gia đình phải kiểm soát bệnh dại ở động vật (đặc biệt là ở chó mèo). Cần tiêm vắc - xin cho thú nuôi, đặc biệt cho chó, kể cả chó con theo định kỳ. Phải chú ý phòng ngừa vết cắn cho cả trẻ em và người lớn. Không tạo ra hoàn cảnh cho chó cắn; đeo rọ mõm cho chó khi ra đường; xích hoặc nhốt chó khi có người lạ đến gia đình…

TIN MỚI NHẤT