Trong những ngày gần đây, ghi nhận tại Hà Nội cho thấy số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng có xu hướng tăng nhẹ, với nhiều trường hợp lây nhiễm trong cùng gia đình. Dù các triệu chứng không còn quá nghiêm trọng như các đợt dịch trước, người dân vẫn được khuyến cáo không nên chủ quan.
- Gắp kim băng trong thực quản bé gái 5 tháng tuổi ở Bắc Giang
- Nóng: TP.HCM ghi nhận 79 ca mắc COVID-19, số ca tăng đáng kể trong tuần qua
Theo thông tin từ báo Đời sống và Pháp luật, chị Lan Anh (28 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết hiện tại gia đình chị đang có 7 thành viên cùng sinh sống. "Vì mình là giáo viên, hàng ngày tiếp xúc với khá nhiều học sinh. Triệu chứng ban đầu là thấy cơ thể mệt mỏi đau người. Sau đó đến chồng mình cũng có các biểu hiện tương tự kèm theo sốt, mệt phải nghỉ làm ở nhà. Tuy nhiên mình không hề nghĩ đến trường hợp bản thân mắc COVID-19".
Chị Lan Anh cho biết, phải đến Chủ nhật vừa rồi (tức 18/5) con gái chị cũng có biểu hiện sốt cao tương tự. Khi test nhanh, chị mới phát hiện cả gia đình đều dương tính COVID-19.
Theo chị, đợt này các triệu chứng rõ rệt là mỏi mệt, ho khan kèm theo khó thở. Sau khi khỏi bệnh, cả nhà vẫn tiếp tục bị ho có đờm. Riêng chồng chị phải sử dụng thêm viên uống Panadol để giảm mệt mỏi. Việc mắc bệnh khiến cả nhà phải nghỉ học, nghỉ làm để cách ly và chăm sóc lẫn nhau. May mắn là do rơi vào cuối tuần nên công việc không bị ảnh hưởng nhiều vì các triệu chứng của COVID-19 cũng không quá nặng.
"Gia đình mình cũng đã lây nhiễm chéo sang các anh chị ở cùng nhà. Nhưng mọi người cũng chỉ mắc trong 3-4 ngày sau đó test lại thì thấy 1 vạch. May mắn cả nhà không ai phải nhập viện điều trị, nếu quá mỏi người thì uống thêm Panadol, uống nước tía tô. Riêng con gái mình triệu chứng nặng hơn chút thì bị sốt, phải uống hạ sốt 3 lần trong nửa ngày. Bạn ấy có mũi nên mình vệ sinh mũi, ăn đồ ấm... và sau khi cắt sốt thì bé có vui chơi bình thường".

Theo thông tin từ báo Dân trí, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 2405/SYT-NVY về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) là đơn vị thường trực về công tác phòng chống dịch, thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng.
Tiếp tục thực hiện các hoạt động kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2023-2025 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chủ động, thường xuyên phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời, hiệu quả; thực hiện lấy mẫu đại diện tại các ổ dịch, nhất là các trường hợp mắc bệnh nặng để xét nghiệm xác định các biến thể và theo dõi sự lây lan của dịch bệnh.
CDC Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, đặc biệt là giám sát sức khỏe của các hành khách đến từ các quốc gia/khu vực có dịch Covid-19 gia tăng hoặc lưu hành các biến chủng nguy hiểm.
CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, khoanh vùng xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh dịch, kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp mắc bệnh nặng, tử vong do dịch bệnh.
Chủ động tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh truyền nhiễm; giám sát các tác nhân gây bệnh và các biện pháp xử lý ổ dịch để đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố.
Hướng dẫn các đơn vị quản lý tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí, các trung tâm thương mại, địa điểm công cộng tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như: đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế; hạn chế tụ tập nơi đông người nếu không cần thiết; rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Khi người dân có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời...

Cùng với đó, CDC Hà Nội phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình và các đơn vị liên quan để tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố; thường xuyên cung cấp kịp thời thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm để người dân chủ động nắm bắt và thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 tại cơ sở theo diễn biến, dự báo tình hình dịch để sẵn sàng ứng phó khi số mắc Covid-19 gia tăng, không để tình trạng ứng phó thụ động, bất ngờ.
Các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị y tế, vật tư y tế để tổ chức thu dung, cách ly, chẩn đoán, điều trị và thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm, đặc biệt là lây nhiễm qua đường hô hấp để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Có giải pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, bệnh nặng, người cao tuổi…; khu vực hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…
Đồng thời tăng cường công tác vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch và bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp.
Đối với các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc Sở Y tế Hà Nội thực hiện tuyên truyền và hướng dẫn cán bộ, nhân viên, trẻ em và người được chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...