Cảnh báo: Ca COVID-19 tăng trở lại, có bệnh nhân phải thở oxy, người dân cần chủ động phòng bệnh

Sức khỏe 22/05/2025 10:28

Covid-19 là bệnh lưu hành, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B giống như cúm. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, thời điểm này người dân không nên quá lo lắng, nhưng cũng không chủ quan, cần có biện pháp phòng bệnh chủ động.

Theo thông tin từ VTC News, nam sinh 19 tuổi ở Hà Nội đang tham gia học quân sự tại một cơ sở huấn luyện thì sốt cao liên tục và đau đầu âm ỉ. Nghĩ chỉ là cảm cúm do thay đổi thời tiết, nên người này uống thuốc hạ sốt nhưng các triệu chứng không thuyên giảm.

Sáng hôm sau, sốt chưa hạ, nam sinh đến viện kiểm tra. Kết quả test nhanh cho thấy dương tính với COVID-19. “Tôi bất ngờ vì trước đó không ho, không đau họng, chỉ sốt và đau đầu”, nam sinh nói.

Bệnh nhân được đưa vào khu điều trị riêng tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) và theo dõi sát sao. Sau ba ngày điều trị, tình trạng sốt chấm dứt, sức khỏe dần ổn định, ăn uống bình thường trở lại.

Cảnh báo: Ca COVID-19 tăng trở lại, có bệnh nhân phải thở oxy, người dân cần chủ động phòng bệnh - Ảnh 1
Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn - Ảnh: VTC News

Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Đơn nguyên truyền nhiễm, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, tuần qua, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng dần. Từ đầu tháng 5 đến nay, đơn vị tiếp nhận 12 ca nhiễm, trong đó 7 người vẫn đang được điều trị tại viện.

“Số lượng bệnh nhân COVID-19 bắt đầu nhích lên từng tuần, với tốc độ rõ rệt hơn trong khoảng một tuần trở lại đây”, bác sĩ Khánh nói. Hầu hết các ca nhập viện đều xuất hiện triệu chứng viêm long đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng và khó thở. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện quá nặng.

Các bệnh nhân được chỉ định điều trị nội trú đều nằm trong nhóm nguy cơ cao, chủ yếu là người trên 60 tuổi, có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch. “Một trường hợp phải hỗ trợ oxy do suy hô hấp”, bác sĩ Khánh nói.

Các bệnh viện khác trên địa bàn thủ đô cũng ghi nhận số ca COVID-19 tăng. Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận tới 18 trẻ nhập viện vì COVID-19 trong ngày 19/5, nâng số bệnh nhi mắc bệnh từ đầu năm đến nay lên hơn 100 ca.

Tính trên toàn quốc, ba tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tăng nhẹ, trung bình khoảng 20 ca mỗi tuần. Tổng cộng từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận gần 200 ca rải rác tại nhiều tỉnh, nhiều nhất tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Bắc Ninh và Quảng Ninh.

Theo Bộ Y tế, đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 với tần suất đi lại, tập trung đông người là nguyên nhân khiến dịch có nguy cơ lan rộng trở lại. Dù vậy, tình trạng bệnh nặng ít khả năng xảy ra do biến thể hiện nay không còn gây triệu chứng nghiêm trọng như trước.

Cảnh báo: Ca COVID-19 tăng trở lại, có bệnh nhân phải thở oxy, người dân cần chủ động phòng bệnh - Ảnh 2
Tất cả các trường hợp mắc COVID-19 nhập viện cần được khai thác đầy đủ tiền sử tiêm vaccine phòng COVID-19 - Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM

Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu HCDC phối hợp các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và trên địa bàn TP. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.

Tiếp tục thực hiện các hoạt động kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025. Đặc biệt, chú trọng bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao khi bị COVID-19 (cao tuổi, bệnh mãn tính…).

Phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) chủ động lấy mẫu đại diện tại các ổ dịch, cơ sở y tế, nhất là các trường hợp mắc bệnh nặng để xét nghiệm xác định các biến thể và theo dõi sự lây lan của dịch bệnh. Cạnh đó, thường xuyên phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ, đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống COVID-19". Hướng dẫn các đơn vị quản lý tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí, các trung tâm thương mại, địa điểm công cộng; tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân.

Phối hợp các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn TP tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng. Chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19, các yếu tố nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

Bảo đảm cung ứng đủ vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giám sát chủ động của TP; đảm bảo vật tư, hóa chất trang thiết bị chống dịch phục vụ cho hoạt động của các lực lượng trực thuộc Trung tâm. Dự trù kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công và nội dung định mức theo quy định.

TP.HCM ra văn bản khẩn vì số ca COVID-19 tăng nhanh ở nhiều nước, tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao

Để chủ động ứng phó dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường trên thế giới, Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động triển khai phòng chống COVID-19 trên địa bàn TP.

TIN MỚI NHẤT