Ám ảnh rạn da của bà bầu: Làm gì để phòng tránh?

Sức khỏe 09/10/2022 20:20

Những vết rạn chằng chịt ở bụng sau khi sinh con là nỗi ám ảnh của hầu hết các bà mẹ bỉm sữa. Vậy có cách nào để ngăn ngừa những vết rạn này mà vẫn an toàn cho thai nhi?

Mang thai là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời đối với mỗi người phụ nữ. Nhưng kèm theo đó là biết bao đánh đổi và hi sinh.

Khi thai nhi lớn dần, người phụ nữ tăng cân nhanh chóng khiến làn da không kịp phát triển để thích nghi, tạo nên những vết rạn da trên bụng màu thâm đen hoặc trắng nhợt. Đến khi sinh xong, làn da lại chảy xệ mất thẩm mỹ và trở thành nỗi ám ảnh, gây tâm lý tự ti cho rất nhiều chị em.

Ám ảnh rạn da của bà bầu: Làm gì để phòng tránh? - Ảnh 1

Mang thai là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời đối với mỗi người phụ nữ (Ảnh minh họa)

Có phải ai cũng bị rạn da sau khi sinh nở?

Theo ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, rạn da là một hiện tượng xuất hiện khá phổ biến ở phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ, đặc biệt ở quí 3 thai kỳ hoặc những mẹ bầu tăng cân quá nhanh và nhiều hoặc thời gian tăng cân nhanh đột ngột.

“Khi bụng phát triển để tạo chỗ cho thai nhi, làn da của mẹ bầu sẽ căng ra. Hormone tăng đột biến khi mang thai cũng có thể làm suy yếu cấu trúc da và gây rạn”, bác sĩ Thành cho hay.

Bên cạnh đó, vị bác sĩ cũng chỉ ra các yếu tố nguy cơ khiến mẹ bầu có nhiều khả năng bị rạn da hơn bao gồm:

Di truyền: Nếu mẹ hoặc chị gái của bạn từng bị rạn da thì khả năng bạn cũng gặp tình trạng này khá cao khi mang thai.

Tuổi mang thai: Mang thai dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi đều có nguy cơ khiến bạn bị rạn da, bởi các vùng da vẫn chưa hoàn thiện hoặc đã bị lão hóa dần.

Mẹ bầu bị thừa cân, béo phì, tăng cân nhanh: Tăng cân quá nhanh sẽ khiến làn da mỏng hơn nên rất dễ bị rạn da.

Từng bị rạn da trước đây: Nếu trên cơ thể của các chị em xuất hiện các vết rạn trước đây thì khả năng cao là khi mang thai cũng sẽ gặp lại tình trạng này.

Thai nhi quá lớn: Cân nặng thai nhi càng lớn thì càng làm làn da vùng bụng bị kéo giãn thêm.

Da yếu: Nếu không chăm sóc da thường xuyên thì làn da sẽ nhanh chóng bị lão hóa, ít tính đàn hồi, độ co giãn kém.

Lười tập thể dục thể thao: Nếu các mẹ bầu không thường xuyên tập luyện thể dục thể thao trước và trong quá trình mang thai sẽ có tỷ lệ bị rạn da cao hơn các thai phụ khác.

Ám ảnh rạn da của bà bầu: Làm gì để phòng tránh? - Ảnh 2

Những vết rạn chằng chịt ở bụng khiến nhiều mẹ bầu lo lắng (Ảnh minh họa)

Làm thế nào để phòng tránh rạn da?

Bác sĩ Thành cho biết, rất nhiều bệnh nhân bày tỏ sự lo lắng về sự thay đổi vòng hai khi mang thai. Vì vậy, để giúp chị em phòng tránh tình trạng này, bác sĩ đưa ra một số lời khuyên.

Các chị em nên kiểm soát cân nặng để cân nặng gia tăng một cách hợp lý. Bên cạnh đó, bổ sung nhiều nước và ăn theo một chế độ tốt cho da là một lựa chọn hợp lý. Các thực phẩm tốt cho da là các sản phẩm chứa nhiều chất chống oxy hoá và vitamin A, E, D,...

Ngoài ra, chị em nên tập thể dục trong thai kỳ để kiểm soát cân nặng và giữ da đàn hồi thông qua việc cải thiện tuần hoàn máu. Bs Thành khuyến khích các chị em sử dụng các sản phẩm chăm sóc da an toàn cho bà bầu từ sớm để cung cấp đủ ẩm cho vùng da có nguy cơ bị rạn do căng giãn đột ngột.

Một số sản phẩm dưỡng da cung cấp đủ lượng ẩm cho mẹ bầu như các loại bơ, sáp có chiết xuất từ thiên nhiên. Các mẹ nên dùng hàng ngày ngay từ khi bụng bầu còn chưa lớn và dùng sau tắm để đảm bảo rằng các vùng da có nguy cơ bị rạn luôn được giữ đủ ẩm.

Muốn tối vẫn ngủ ngon thì hãy nhớ 6 nguyên tắc khi ngủ trưa này

Ngủ trưa không đúng cách có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ vào ban đêm. Tuy nhiên, điều đó sẽ không xảy ra nếu bạn nhớ những lưu ý này.

TIN MỚI NHẤT