Mất ngủ kéo dài tăng nguy cơ đột quỵ: 4 loại nước nên uống để ngủ ngon hơn

Sống khỏe 18/11/2023 08:07

Giấc ngủ ngon là yếu tố góp phần quan trọng của một sức khỏe tốt nhưng vẫn thường bị xem nhẹ. Các chuyên gia khuyến nghị người trưởng thành từ 18 đến 60 tuổi cần ngủ ít nhất 7 - 9 giờ mỗi đêm.

Ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, tiểu đường, bệnh tim, thậm chí là tử vong.

Theo BS.CKII Nguyễn Duy Hiền, khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, mất ngủ kéo dài là yếu tố nguy cơ dẫn tới đột quỵ và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như rối loạn lo âu, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, nhồi máu cơ tim…

Dưới đây là một số đồ uống giúp bạn ngủ ngon tự nhiên.

1. Trà hoa cúc

Mất ngủ kéo dài tăng nguy cơ đột quỵ: 4 loại nước nên uống để ngủ ngon hơn - Ảnh 1

Trà hoa cúc từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền vì có nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm các triệu chứng cảm lạnh, giảm viêm và cải thiện sức khỏe làn da. Trà được pha bằng cách ngâm hoa cúc trong nước nóng.

Một số nghiên cứu cho thấy hoa cúc có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ. Một nghiên cứu ở 60 người lớn tuổi cho thấy dùng 400 mg chiết xuất hoa cúc trong 28 ngày liên tục đã cải thiện chất lượng giấc ngủ một cách an toàn.

Một nghiên cứu khác ở 80 phụ nữ bị giảm chất lượng giấc ngủ ghi nhận các triệu chứng thể chất của tình trạng thiếu ngủ đã được cải thiện đáng kể sau khi những người tham gia uống trà hoa cúc hàng ngày trong 2 tuần.

Hoa cúc có thể giúp giảm lo âu và mất ngủ, điều này cũng có thể cải thiện giấc ngủ.

Để pha trà hoa cúc tại nhà, hãy thêm 4 thìa hoa cúc tươi (hoặc 2 thìa hoa cúc khô) vào 1 cốc (237 ml) nước sôi. Ngâm hoa trong khoảng 5 phút rồi dùng lưới lọc lấy nước trà.

Bạn có thể uống trà hoa cúc hàng ngày, 1 - 2 lần. 

2. Trà sâm Ấn Độ

Mất ngủ kéo dài tăng nguy cơ đột quỵ: 4 loại nước nên uống để ngủ ngon hơn - Ảnh 2

Các chất chiết xuất từ rễ, quả và lá của cây sâm Ấn Độ (ashwagandha) đã được được sử dụng để điều trị các tình trạng như căng thẳng, lo âu và viêm khớp

Ashwagandha từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền Ấn Độ. Rễ chứa các hợp chất có thể gây buồn ngủ khi được tách riêng và tiêu thụ với liều lượng lớn.

Trong các nghiên cứu ở người, sâm Ấn Độ đã cho thấy tiềm năng giúp cơ thể thư giãn và chuẩn bị cho việc nghỉ ngơi cũng như cải thiện chất lượng giấc ngủ tổng thể.

Mặc dù trà sâm Ấn Độ khá an toàn nhưng một số đối tượng nên thận trọng, gồm những người bị rối loạn tự miễn dịch, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú và những người đang dùng thuốc điều trị huyết áp, đường huyết hoặc bệnh tuyến giáp.

3. Trà nữ lang

Mất ngủ kéo dài tăng nguy cơ đột quỵ: 4 loại nước nên uống để ngủ ngon hơn - Ảnh 3

Cây nữ lang (valerian) có hoa màu hồng hoặc trắng, mùi thơm ngọt ngào và thuộc họ kim ngân.

Tương tự sâm Ấn Độ, rễ cây nữ lang được sử dụng như một loại dược thảo có tác dụng thúc đẩy giấc ngủ và giảm chứng mất ngủ.

Cây nữ lang có thể làm giảm chứng mất ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ ở phụ nữ mãn kinh.

Một nghiên cứu cho thấy 30% phụ nữ mãn kinh uống viên nang nữ lang 530 mg 2 lần/ngày trong 4 tuần đã cho thấy sự cải thiện về chất lượng giấc ngủ.

Để pha trà rễ cây nữ lang, hãy ngâm 2 - 3 gam rễ cây nữ lang khô vào 1 cốc (237 ml) nước nóng. Để yên trong 10 - 15 phút rồi lọc lấy nước trà.

Trà nữ lang là một lựa chọn an toàn để kiểm soát chứng mất ngủ mà không làm thay đổi nhịp sinh học. Tuy nhiên, một nghiên cứu quan sát thấy rằng sử dụng với liều lượng lớn có thể làm tăng mức độ lo âu.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) khuyến cáo phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú cũng như trẻ em dưới 3 tuổi nên tránh dùng cây nữ lang.

Ngoài ra, không nên dùng chung rễ cây nữ lang với rượu hoặc các loại thuốc như barbiturate và benzodiazepin.

4. Trà bạc hà

Mất ngủ kéo dài tăng nguy cơ đột quỵ: 4 loại nước nên uống để ngủ ngon hơn - Ảnh 4

Bạc hà từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền. Trà bạc hà được cho là có đặc tính chống virus, kháng khuẩn và thậm chí chống dị ứng. Bạc hà cũng có thể giúp cải thiện các tình trạng về đường tiêu hóa như khó tiêu và hội chứng ruột kích thích.

Để làm trà bạc hà, bạn chỉ cần đun sôi 480 ml nước và thêm một nắm lá bạc hà. Bạn có thể điều chỉnh số lượng lá bạc hà tùy ý thích. Ngâm lá bạc hà trong nước nóng ít nhất 5 phút.

Trà bạc hà nhìn chung là lựa chọn an toàn, nhưng nó có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị huyết áp, khó tiêu và tiểu đường. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi uống trà bạc hà hoặc sử dụng tinh dầu bạc hà.

(Theo Healthline)

Người nhóm máu nào dễ bị đột quỵ?

Nhóm máu có thể liên quan tới tình trạng sức khỏe của mỗi người, trong đó có cả nguy cơ đột quỵ. Vì thế tỷ lệ đột quỵ giữa các nhóm máu có sự khác nhau.

TIN MỚI NHẤT