5 sai lầm kinh điển khi uống thuốc, hãy xem để rút kinh nghiệm sớm

Sống khỏe 28/03/2018 05:15

Bài viết dưới đây sẽ "điểm mặt chỉ tên" 5 sai lầm nhiều người mắc phải trong quá trình dùng thuốc và cách khắc phục. Lời khuyên dành cho người đang uống thuốc.

Những sai lầm kinh điển khi uống thuốc

1. Tự "thêm bớt" liều lượng thuốc

Không ít người vẫn thường cho rằng, càng uống nhiều thuốc thì sẽ càng nhanh khỏi bệnh. Lại có nhiều người thường uống thuốc theo kiểu "bù trừ", ví dụ như hôm qua quên uống thuốc thì hôm nay uống hẳn 2 liều để… "bù" vào. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng tất cả những quan niệm và cách uống thuốc ấy đều là sai.

Bởi việc tùy tiện thay đổi liều dùng thuốc sẽ khiến bên trong cơ thể xảy ra nhiều biến động. Các loại biến động này bản thân bạn có thể không cảm nhận được nhưng thực chất lại âm thầm tổn thương nặng đến chức năng cũng như kết cấu của mạch máu và các khí quan khác.

Những cách uống thuốc tùy tiện như vậy không những làm lỡ thời gian trị bệnh mà còn dẫn đến những hậu quả tai hại như làm bệnh biến chuyển nặng thêm, ngộ độc dược phẩm, tổn hại khí quan…

5 sai lầm kinh điển khi uống thuốc, hãy xem để rút kinh nghiệm sớm - Ảnh 1

Tự ý thêm hoặc bớt lượng thuốc uống là sai lầm kinh điển của nhiều người mắc phải khi uống thuốc. (Ảnh minh họa).

2.Uống nhầm thuốc hoặc uống lại thuốc

Bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như công việc bận rộn hoặc suy giảm trí nhớ, nhiều người phải dùng thuốc dài hạn thường dễ dàng rơi vào tình trạng "lúc nhớ lúc quên" lịch uống thuốc của mình.

Hơn nữa, các chủng loại thuốc mặc dù đa dạng, nhưng hình dáng, màu sắc của chúng lại dễ dàng trùng lặp khiến nhiều người khó có thể phân biệt được và dễ dàng uống nhầm.

Thói quen uống nhầm thuốc hoặc uống lại dù chỉ một liều thuốc sẽ khiến quá trình điều trị của người bệnh bị chậm tiến độ, thậm chí nếu nghiêm trọng có thể gây ra các hiện tượng sốc thuốc, ngộ độc thuốc…

3.Uống tất cả loại thuốc cùng một lúc

Đối với một liều thuốc có quá nhiều loại, việc uống mỗi loại vào một thời điểm khác nhau sẽ khiến nhiều người cảm thấy phiền toái. Bởi vậy, không ít bệnh nhân thường gộp chung các loại thuốc để uống vào các khung giờ cố định trong ngày.

Nhưng trên thực tế, cách uống thuốc như vậy lại cực kỳ gây hại đối với sức khỏe . Bởi mỗi loại thuốc chỉ phát huy tác dụng khi được uống vào đúng khung giờ chỉ định.

Vì vậy tình trạng "vơ thuốc cả nắm" để uống cùng một lúc không những làm giảm công dụng trị liệu của dược phẩm mà còn có thể gây hại cho dạ dày hoặc làm tăng nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ do sự tác động và ảnh hưởng lẫn nhau của các loại thuốc này.

5 sai lầm kinh điển khi uống thuốc, hãy xem để rút kinh nghiệm sớm - Ảnh 2

Không phải bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể tùy tiện uống cùng lúc với các chủng thuốc khác. (Ảnh minh họa).

4. Mù quáng tin vào các phương thuốc dân gian

Mặc dù có nhiều phương thuốc Đông y cổ truyền được lưu lại cho tới ngày nay với nhiều công dụng hiệu quả, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn "mù quáng" tin vào tất cả các bài thuốc dân gian, bí truyền và coi thuốc Tây là độc hại.

Kỳ thực, không phải ngẫu nhiên mà nền y học hiện đại được coi là một trong những thành quả to lớn thay đổi cuộc sống con người. Hơn nữa, những loại thuốc Tây nếu uống đúng liều lượng, đúng cách thức và tuân thủ chỉ định của bác sĩ thì không những không gây hại cho cơ thể mà còn rút ngắn thời gian điều trị một cách nhanh chóng.

Vì vậy, trước những thông tin quảng cáo về các bài thuốc dân gian, bí truyền với muôn vàn các công dụng "cấp tốc", bạn nên đặc biệt cảnh giác để tránh "tiền mất, tật mang".

5. Chỉ tin hướng dẫn sử dụng là sai lầm

Mặc dù những thông tin được ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng đã được kiểm duyệt bởi những người có chuyên môn, nhưng như vậy không có nghĩa là bạn có thể tự ý uống theo hướng dẫn trong bao bì mà không cần đi bệnh viện.

Tình trạng bệnh lý và cơ thể của mỗi người là không giống nhau. Do đó chỉ khi đi khám và được bác sĩ kê đơn, bạn mới có thể có được đơn thuốc cũng như cách dùng phù hợp nhất với thể trạng của mình.

5 sai lầm kinh điển khi uống thuốc, hãy xem để rút kinh nghiệm sớm - Ảnh 3

Thay vì tuân thủ hướng dẫn sử dụng một cách máy móc, bạn hãy đặt niềm tin vào chỉ dẫn của những người có chuyên môn. (Ảnh minh họa).

Bốn lời khuyên giúp bạn uống thuốc đúng cách

1.Uống thuốc đúng bệnh, tuyệt đối không tự ý kê đơn

Thường xuyên tới thăm khám và theo dõi tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín, tuân theo chỉ định của bác sĩ để dùng thuốc đúng bệnh mới là cách làm có ích cho tình trạng bệnh của bạn. Đặc biệt, bạn tuyệt đối không nên tự chẩn đoán bệnh rồi tự ý kê đơn thuốc để tránh "tiền mất, tật mang".

Nếu đơn thuốc của bạn có quá nhiều loại, hãy hỏi rõ bác sĩ về thời gian và cách dùng của từng loại thuốc, đồng thời chú ý ghi chú rõ những thông tin này trên bao bì thuốc để sử dụng đúng cách.

2.Chỉ dùng liều lượng thích hợp, không được tùy tiện thêm bớt

Tùy tiện thêm hoặc bớt lượng thuốc dù ít hay nhiều đều không có lợi đối với cơ thể, đặc biệt là với người cao tuổi.

Nguyên nhân là bởi chức năng gan, thận của nhóm đối tượng này đã suy giảm ở các mức độ khác nhau. Chỉ khi uống thuốc theo đúng liều lượng của bác sĩ kê mới đảm bảo cơ thể của họ không bị tổn thương do các tác dụng phụ dù là nhỏ nhất của thuốc.

5 sai lầm kinh điển khi uống thuốc, hãy xem để rút kinh nghiệm sớm - Ảnh 4

Uống thuốc đúng giờ, đúng liều, đúng cách sẽ giúp quá trình điều trị của bạn rút ngắn về mặt thời gian cũng như mang lại nhiều hiệu quả trị liệu tích cực. (Ảnh minh họa).

3. Uống thuốc đều đặn theo lời bác sĩ dặn

Kiên trì uống thuốc đều đặn theo lời bác sĩ dặn cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của việc uống thuốc.

Đặc biệt, với các bệnh mạn tính cần điều trị trong thời gian dài như huyết áp cao, tiểu đường, động mạch vành… người bệnh càng cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ để rút ngắn thời gian điều trị và đạt được kết quả tốt nhất.

4. Bảo quản thuốc đúng cách

Mỗi loại thuốc khác nhau lại có những yêu cầu bảo quản khác nhau. Nhưng tựu chung lại, hầu hết tất cả các loại thuốc đều nên bảo quản thuốc khô ráo thoáng mát, tránh để ở nơi ẩm ướt.

Cùng với đó, trước khi dùng thuốc bạn cũng nên kiểm tra xem bề ngoài thuốc, hình dáng, màu sắc có thay đổi hay không, tránh sử dụng thuốc quá hạn, thuốc biến chất.

Kiểm tra tủ thuốc định kì, dọn dẹp một số loại thuốc quá hạn, biến chất hoặc thuốc không dùng đến cũng là cách để bạn giữ an toàn khi sử dụng các loại dược phẩm.

Mách bạn hai mẹo nhỏ khi dùng thuốc

1. Đặt báo thức

Nếu bạn là một người bận rộn hoặc hay quên thì việc cài báo thức vào giờ uống thuốc sẽ là phương pháp hoàn hảo dành cho bạn.

Cài giờ uống thuốc làm báo thức không chỉ đơn giản, tiện lợi trong thời đại công nghệ số ngày nay mà còn giúp bạn tiết kiệm thời gian và tránh tình trạng "lúc nhớ lúc quên" mỗi khi dùng thuốc.

5 sai lầm kinh điển khi uống thuốc, hãy xem để rút kinh nghiệm sớm - Ảnh 5

Đặt đồng hồ báo thức để nhắc giờ uống thuốc là một lựa chọn thông minh và hữu ích. (Ảnh minh họa).

2. Luôn luôn ghi chép

Trước mỗi liệu trình dùng thuốc, bạn nên dùng giấy bút hoặc điện thoại ghi lại lời dặn của bác sĩ, bao gồm các thông tin như tên thuốc, hiệu quả của thuốc, cách sử dụng, các phản ứng phụ có thể xảy ra cùng với cách xử lý.

Sau mỗi lần uống thuốc bạn còn cần ghi lại nên uống thuốc gì vào thời điểm nào, liều lượng bao nhiêu để tránh uống nhầm thuốc hoặc uống lại thuốc.

Người có trí nhớ kém còn có thể nhờ người thân sắp xếp sẵn các loại thuốc cần uống theo đúng loại, thời gian dùng, liều lượng vào hộp thuốc hoặc các túi có màu khác nhau để đánh dấu và đặt ở cố định, dễ nhìn thấy.

Dành vài phút mỗi sáng thực hiện bài tập giảm mỡ thừa này, bạn sẽ bất ngờ khi thấy bụng phẳng lì nhanh chóng

Vòng eo “bánh mì” khiến nhiều chị em mất đi sự tự tin vốn có, ngại ngần khi diện những trang phục ôm sát. Đừng quá lo lắng, mỗi ngày bạn hãy dành vài phút thực hiện bài tập giảm mỡ bụng này để nhanh chóng sở hữu vòng 2 thon gọn nhé!

TIN MỚI NHẤT