Cách chăm sóc trẻ 7-8 tháng tuổi mà mẹ nên biết!

Nuôi dạy con 11/01/2020 11:00

Cách chăm sóc trẻ 7-8 tháng tuổi sẽ có rất nhiều khác biệt. Thời gian này có vẻ rất thú vị cho cả hai mẹ con, bởi ngay khi bạn tin rằng mình đã thành công trong việc thiết lập các thói quen sinh hoạt cho em bé của bạn, thì bé lại “giở chứng” xáo tung cả lên. Giờ giấc ngủ thay đổi, bé cứ bám dính lấy bạn, hoặc không chịu ăn những món mà bé yêu thích trước đó. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích về cách chăm sóc bé trong giai đoạn này.

Tháng thứ 7-8 có thể gọi là thời kỳ chuyển tiếp, bởi giai đoạn này em bé nhà bạn sẽ có nhiều thay đổi về cả tính cách, thói quen ăn uống… nhưng cũng không đến mức gây ảnh hưởng xấu. Ví dụ cụ thể nhất như: nhiều lần bé nhìn thấy món đồ chơi yêu thích nhưng không thể tự với lấy được. Điều này làm bé cảm thấy thất vọng và phản ứng lại – đây cũng là những cảm xúc thường xuyên của bé trong những năm tiếp theo. Bé 7-8 tháng tuổi đã cảm thấy khó chịu khi muốn lấy một thứ gì đó mà không thể với tới. Nhưng bạn đừng vội vàng giúp bé. Hãy để bé đối diện với thử thách để rèn luyện các kỹ năng vận động của mình. Mặc dù có thể bạn cảm thấy hạnh phúc khi được giúp bé, thì về lâu về dài điều này lại không tốt cho bé đâu.

cach cham soc tre 7-8 thang tuoi ma me nen biet 1
Thời gian biểu ăn dặm cho bé 8 tháng cần lưu ý điều gì? - Ảnh minh họa: Internet

Chăm sóc bữa ăn và giấc ngủ của bé

Lịch ăn cho bé 8 tháng tuổi sẽ có thay đổi so với bình thường. Nếu em bé 7-8 tháng tuổi của bạn vẫn đang bú sữa mẹ, bé có thể sẽ thức dậy ít nhất 1 lần trong đêm để đòi ti sữa. Nhưng khi bắt đầu ăn dặm thì nhiều bé sẽ ngủ trọn giấc suốt đêm. Bên cạnh đó, có rất nhiều mẹ thắc mắc trẻ 8 tuổi ngủ bao nhiêu là đủ. Tuy nhiên, ngủ là một thói quen mang tính cá nhân hoàn toàn, mỗi bé sẽ có nhu cầu và kiểu cách riêng. Nếu bạn thấy cần phải thay đổi một vài thói quen ngủ của bé, thì bạn hãy tự xem mình có thể đáp ứng được không, và liệu bạn có cần phải luôn ở bên cạnh để ru bé ngủ không. Và từ đó có những thay đổi để phù hợp cho cả bé lẫn gia đình. 

Em bé 7-8 tháng tuổi của bạn đã bắt đầu ăn đa dạng các loại thức ăn, thích được khám phá nhiều món ăn với những vị, độ mềm, mùi thơm và cả màu sắc khác nhau. Trừ phi em bé của bạn bị dị ứng hay gia đình bạn có tiền sử bị dị ứng, thì bạn nên cho bé làm quen và nếm các loại thức ăn mới. Việc ăn đa dạng các loại thực phẩm sẽ giúp cho bé rất nhiều. Nhưng với mỗi món mới, bạn nên cho bé ăn liên tục vài lần trước khi giới thiệu món khác, để cho bé kịp làm quen, chấp nhận và ghi nhớ mùi vị mới.

>>> Xem thêm:

- Thực phẩm giàu dinh dưỡng cho trẻ 8 tháng tuổi

- Cách chăm sóc trẻ 8 tháng tuổi đúng cách là như thế nào?

cach cham soc tre 7-8 thang tuoi ma me nen biet 2
Trẻ 8 tuổi ngủ bao nhiêu là đủ? - Ảnh minh họa: Internet

Bạn hãy tạo một thói quen ăn uống lành mạnh cho bé, và tránh hoàn toàn việc kiểm soát lượng thức ăn hoặc ép bé trong mỗi bữa ăn. Nhiệm vụ của bạn chỉ là chuẩn bị bữa ăn và giúp bé ăn, còn chuyện bé có thích ăn hay không, hay ăn được bao nhiêu hoàn toàn là do bé quyết định. Đây là một trong những cách chăm sóc trẻ 7-8 tháng tuổi quan trọng mà mẹ cần biết. 

Hành vi ứng xử

Ở độ tuổi này em bé 7-8 tháng tuổi của bạn đã biết phản kháng lại khi bị bắt đi ngủ. Bé tỏ ra rất ồn ào, biểu lộ cho những người xung quanh biết là bé không hài lòng. Những lúc như vậy bạn hãy vỗ về bé bằng giọng nói dịu dàng của mình, thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt cho bé thấy bạn yêu thương và che chở cho bé. Không nên dùng những hình thức răn đe quá khắt khe như nói to tiếng hoặc đánh giả, sẽ tạo nên tính cách và thói quen không tốt cho bé. 

cach cham soc tre 7-8 thang tuoi ma me nen biet 3
Hành vi của trẻ cũng có nhiều thay đổi trong giai đoạn này - Ảnh minh họa: Internet

Bố mẹ đừng nên cảm thấy khó chịu vì nghĩ rằng những phản kháng của bé là có chủ đích để thử thách sức chịu đựng. Bởi bé hoàn toàn chưa có khả năng cố ý tạo ra bất kỳ khó khăn gì để làm khó bố mẹ, bản thân bé chưa nhận thức được việc đó sẽ khiến bố mẹ vất vả. Bé vẫn đang trong quá trình học hỏi để hoàn thiện, và có những lúc chính bé cũng không biết mình cần gì nữa. Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi thì hãy nhờ mọi người trợ giúp. Có một câu nói của người xưa rằng: cần phải có cả một ngôi làng để chăm sóc một đứa bé quả thật cũng không sai. Các ông bố, bà mẹ không cần phải nuôi dưỡng em bé một mình, chúng ta ai cũng phải cần đến sự giúp đỡ.

Những cột mốc phát triển

Trẻ 7 tháng tuổi là giai đoạn bé bắt đầu có những tò mò và muốn khám phá thế giới xung quanh. Có thể em bé của bạn vẫn chưa biết bò, nhưng bé đã hoàn toàn có thể điều khiển cơ thể một cách khéo léo trong mọi tư thế khi chơi đùa dưới sàn nhà. Không nên đặt bé trong cũi hoặc xe đẩy quá lâu, bé rất cần được tự do vận động ở môi trường thoải mái bên ngoài. Đây là một lưu ý trong cách chăm sóc trẻ 7-8 tháng tuổi mà bố mẹ nên lưu tâm. 

cach cham soc tre 7-8 thang tuoi ma me nen biet 4
Nên mua cho bé những đồ chơi màu sắc để tập cho bé những phản xạ tốt - Ảnh minh họa: Internet

Tháng này em bé của bạn có thể đang tự tập ngồi, không cần ai đỡ. Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn vẫn ở bên cạnh theo dõi bởi bé vẫn đang phải học cách giữ thăng bằng và giữ cơ thể ở một tư thế ổn định. Nếu bé không tỏ ra hứng thú với việc tập ngồi thì bạn cũng đừng lo lắng. Thực tế có nhiều em bé lại biết bò trước khi chịu ngồi đấy.

7 tháng tuổi, em bé của bạn đã tỏ ra gắn kết với những người chăm sóc bé thường xuyên. Bé đang phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc khi nhận ra ai là người bé có thể tin tưởng, và ai chăm sóc bé chu đáo nhất. Bạn đừng lấy làm phiền khi em bé chỉ đòi mẹ bế chứ không chịu theo ai khác, và khóc khi không trông thấy mẹ. Chính là bởi bạn đã làm rất tốt công việc của một người mẹ là bảo vệ bé và cho bé cảm giác bình yên. Vì thế nên bé yêu bạn, và muốn được ở bên cạnh bạn thôi.

Khi bé nghe thấy giọng nói quen thuộc, bé sẽ phản ứng lại ngay, quay đầu về phía có tiếng nói và sẵn sàng “hóng” chuyện. Hãy tận dụng thời gian để chơi trò ú òa với bé, và đọc sách cho bé nghe mỗi ngày.

Tăng trưởng

Em bé của bạn ở giai đoạn 7-8 tháng có thể đã tăng gấp đôi trọng lượng lúc mới ra đời. Bạn sẽ thấy đầu, chiều dài và hình dáng chân tay bé thay đổi và cơ thể dần trở nên rắn chắc. Bạn cũng dễ bế em bé 7-8 tháng tuổi hơn bởi vì bé đã tự giữ được đầu và có thể tự ngồi trên đùi của bố mẹ.

Bạn có thể sẽ phải mua cho bé những loại quần áo với kích thước lớn hơn ngay khi nhận thấy sự tăng trưởng đặc biệt này của bé: chân tay dài hơn. Ở giai đoạn này, các bé gái thường dài chân hơn bé trai, nhưng những yếu tố di truyền cá nhân cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chiều cao của riêng từng bé.

cach cham soc tre 7-8 thang tuoi ma me nen biet 5
Việc chọn lựa quần áo cũng cần chú ý để phù hợp với sự tăng trưởng của bé giai đoạn này - Ảnh minh họa: Internet

Giữ cho bé khỏe mạnh

Giai đoạn em bé 7-8 tháng tuổi của bạn không phải chích mũi chủng ngừa nào cả. Thế nên nếu bé không gặp vấn đề gì về sức khỏe quá nghiêm trọng thì bạn không cần phải đến gặp bác sĩ. Hãy nhớ rửa tay cho bé sạch sẽ trước khi ăn. Điều quan trọng là phải giữ gìn vệ sinh hợp lý cho bé, nhưng bạn cũng không nên quan tâm thái quá về việc giữ một môi trường “siêu” sạch sẽ cho bé. Hệ miễn dịch của các em bé có nhiệm vụ giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng, và rất cần được tiếp xúc với nhiều loại vi sinh vật khác nhau để hoạt động hiệu quả.

Chơi đùa với bé

Bạn sẽ có cảm giác như được quay trở lại tuổi thơ, phát hiện ra bản thân mình cũng là một đứa trẻ khi chơi đùa với con. Em bé của bạn không hề chê bai những cố gắng của bạn trong các trò chơi, mà chỉ quan tâm tới sự thích thú mà bạn thể hiện khi chơi cùng bé. Bạn hãy cố gắng thể hiện các cử chỉ phù hợp với những từ ngữ mà bạn đang nói cho bé nghe. Bé sẽ học nói thông qua việc kết nối hành động bé nhìn thấy với âm thanh bé nghe được, sau khi trải qua hàng giờ giao tiếp với mọi người xung quanh. Cũng  đừng ngăn cách bé với thế giới, hay hạn chế bé trải nghiệm cuộc sống. Bé sẽ nhận được rất nhiều điều khi tiếp xúc với các tiếng ồn, màu sắc, các trò chơi và sự vận động xung quanh, miễn là bạn giữ cho bé được an toàn và đầy tình yêu thương.

cach cham soc tre 7-8 thang tuoi ma me nen biet  6
Cần thường xuyên chơi đùa với trẻ để hiểu rõ sự thay đổi tính cách và gần gũi con hơn - Ảnh minh họa: Internet

Một món đồ chơi tạo ra tiếng động sẽ khiến cho bé thích thú và “chăm chỉ” chơi cùng. Giai đoạn 7-8 tháng là lúc bé đang làm quen với khái niệm nguyên nhân và hệ quả, và bé sẽ rất hứng thú áp dụng lên món đồ chơi bé nhỏ của mình. Và hơn hết, qua cách bé đối xử với món đồ chơi của mình, bạn sẽ phát hiện ra những điều vô cùng đáng yêu: nháo nhác tìm đồ chơi bằng được mới thôi, biết nhớ khi không được chơi cùng, ít thể hiện thái độ “cả thèm chóng chán”.

Em bé của bạn ở thời điểm 7-8 tháng tuổi cũng có thể sẽ rất thích chơi đùa với nước. Và nếu đang là mùa hè thì bạn hoàn toàn có thể khuyến khích và cho bé nghịch nước mỗi ngày. Đây cũng là một cách tuyệt vời cho bạn ở bên cạnh bé yêu. Hãy đặt bé vào một cái hồ tắm nhỏ, có thêm vài món đồ chơi màu sắc sặc sỡ cho bé nghịch nước. Hãy luôn theo dõi bé để đảm bảo sự an toàn.

 

Mong rằng bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin bổ ích về cách chăm sóc trẻ 7-8 tháng tuổi đến bạn. Chúc bạn và bé sẽ luôn khỏe mạnh và tươi vui.

Tâm lý trẻ 2 tuổi và khủng hoảng giai đoạn này

Giai đoạn trẻ 2 tuổi là lúc tâm lý trẻ có những chuyển biến rõ ràng và xuất hiện khủng hoảng mà ngay cả phụ huynh cũng bị sốc theo. Vậy tâm lý trẻ 2 tuổi là như thế nào?

TIN MỚI NHẤT