Ông Ngô Quyền Thế hay còn được cộng đồng mạng gọi là TikToker 'Thế Lòng Se Điếu' từng chia sẻ video nhập được bộ lòng xe điếu 'siêu khủng', dài 40 m, nặng 5,8 kg gây xôn xao mạng xã hội.
- Vụ lòng se điếu dài 40m 'gây sốt': Chủ quán thừa nhận nói quá vì 'bộ lòng chỉ dài hơn 20m'
- Sự thật về lòng se điếu dài 40m gây tranh cãi trên mạng xã hội
Theo báo Tuổi Trẻ, thông tin từ Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương, sau khi mạng xã hội lan truyền video về bộ lòng se điếu dài bất thường, sáng 8-5 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã kiểm tra đột xuất "Lòng chát quán" tại số 18 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu.

Động thái thực hiện trong bối cảnh dư luận xôn xao trước video lan truyền trên Facebook và TikTok, ghi lại hình ảnh "bộ lòng se điếu dài tới 40m, nặng 5,8kg" được cho lấy từ một con heo cái nặng hơn 100kg tại quán ăn này.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ quán là ông Ngô Quyền Thế cho biết quán không chỉ bán món lòng se điếu mà có nhiều món ăn chế biến từ nội tạng heo.
Về sự việc gây chú ý, ông Thế xác nhận hình ảnh được đăng tải từ năm 2024 và thừa nhận "thực ra bộ lòng chỉ dài hơn 20m", và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng vì thông tin chưa chính xác lan truyền trên mạng xã hội.

Chia sẻ trên báo Người Lao Động, Luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, nhìn nhận vụ việc phơi bày hành vi quảng cáo sai sự thật, đồng thời dấy lên lo ngại về lòng xe điếu giả trên thị trường.
Theo kết quả sơ bộ buổi kiểm tra của cơ quan chức năng, chủ quán xác nhận rằng đã quảng cáo không đúng về độ dài của bộ lòng xe điếu tại quán để thu hút thực khách. Quy định tại khoản 9 điều 8 Luật Quảng cáo 2012 thì hành vi quảng cáo không đúng về số lượng, chất lượng của sản phẩm là hành vi bị cấm.
Đối với hành vi này theo khoản 5 điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, tùy vào hình thức đăng ký kinh doanh mà quán ăn này có thể bị phạt tiền từ 60-80 triệu đồng (cá nhân) hoặc 120- 160 triệu đồng (tổ chức)
Thực tế hiện nay việc quảng cáo sai sự thật về số lượng, chất lượng của sản phẩm xảy ra tràn lan, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt, thậm chí là ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Điều 197 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì sau khi bị xử phạt hoặc kết án chưa được xóa án tích về hành vi quảng cáo gian dối mà vẫn tái phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp cụ thể, người vi phạm mà có thể bị xử lý thêm về các hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đó, đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân theo điều 193 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trước đó, ngày 7/5, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của Hà Nội đã có buổi làm việc với UBND quận Cầu Giấy, đề nghị quận tăng cường rà soát các cơ sở kinh doanh thực phẩm có liên quan, đặc biệt các nhà hàng chuyên bán món lòng se điếu.
Việc xác minh nguồn gốc xuất xứ và kiểm soát an toàn thực phẩm với các sản phẩm nội tạng động vật được xem hết sức cần thiết trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng lo ngại về độ an toàn, vệ sinh trong chế biến và bảo quản thực phẩm.