Những ngày gần đây, lòng se điếu, một món ăn độc đáo trong ẩm thực Việt Nam đã trở thành tâm điểm tranh cãi của cư dân mạng.
- Thông tin MỚI về vụ 4 người Việt tử vong trong căn hộ đóng kín tại Đài Loan (Trung Quốc)
- Xe tải va chạm xe gắn máy, hai học sinh lớp 12 thương vong
Mới đây, mạng xã hội lan truyền video về một cỗ lòng se điếu dài 40 mét, nặng 5,8 kg tại một quán ăn Hà Nội. Video gây tranh cãi khi nhiều người hoài nghi về tính xác thực và cho rằng đây chỉ là chiêu trò "câu khách". Mặc dù video được đăng từ tháng 10/2024 nhưng gần đây lại được chia sẻ mạnh mẽ sau phát ngôn của đầu bếp Võ Quốc.

Trong clip, ông Quốc cho biết: “Có những nhà làm về heo mấy chục năm rồi họ cũng nói luôn họ không bao giờ thấy cái đó hết. Vậy mà ở ngoài Bắc bán quá chừng luôn, mà giá rất cao, giá trên trời luôn".
Ông Quốc cho rằng lòng se điếu thực chất là “bùa phép”, chỉ những con heo mắc bệnh đường ruột mới có thể sản sinh lòng này, đồng thời ông cảnh báo người tiêu dùng không nên ăn.
Lòng se điếu là gì?
Lòng se điếu là cách gọi dân gian để chỉ một đoạn ruột non của con lợn, có đặc điểm Dài, nhỏ, quấn xoắn lại giống như điếu thuốc. Lòng se điếu thường giòn, ngon, được nhiều người ưa chuộng khi ăn lòng lợn luộc, lòng nướng, hoặc cháo lòng.
Hương vị giòn, béo nhưng không ngấy kết hợp với mùi thơm đặc trưng, đã khiến món ăn này trở thành “mỹ vị nhân gian” đối với những thực khách sành ăn.

Lòng se điếu ở phía Nam gọi là "phèo hai da", tức phần đầu của ruột non heo, nối với bao tử. Phèo hai da xuất hiện khi con heo mắc bệnh tiêu chảy nhưng vượt qua được. Khi mắc bệnh, phần ruột non bị bào mòn niêm mạc nên cơ thể tự tái tạo (hai da).
Hiện nay heo chủ yếu được chăn nuôi công nghiệp, điều kiện vệ sinh, an toàn sinh học tốt nên heo hiếm mắc bệnh tiêu chảy. Do đó, những con heo có lòng se điếu càng hiếm.
Thị trường hiện đang rao bán loại lòng này với giá dao động từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/kg và được cho là cực kỳ hiếm có. Trên mạng xã hội không ít ý kiến cho rằng họ đã kinh doanh lò mổ và thịt lợn nhiều năm nhưng cơ hội tìm được lòng se điếu là rất hiếm hoi thậm chí chưa từng thấy.
Nguồn gốc của lòng se điếu
Một trong những tranh cãi lớn nhất xoay quanh lòng se điếu là nguồn gốc của nó. Có khá nhiều tài khoản nổi tiếng trên MXH cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này. Tài khoản P.B.H. cho biết: "Món trong hình, miền Bắc kêu bằng lòng se điếu, miền Nam kêu bằng phèo 2 da. Đầu tiên để tui nói sơ về bản thân, gia đình tui từng có cơm ăn hơn 30 năm cũng nhờ mấy cái lò heo, lò mỗi ngày làm từ 1 - 2 ngàn con heo. Vì được tiếp xúc như vậy, nên bản thân tui mỗi khi ra chợ, liếc nhìn sơ qua miếng thịt độ bằng 2 ngón tay thôi, là biết đó là con heo đực, hay là con heo cái, biết gần chính xác số ký khi nó còn sống (heo hơi). Nói về phèo 2 da thì hồi xưa, khoảng 20 năm trước, khi heo miền Trung còn nuôi theo kiểu chăn thả, heo ăn đất sỏi, bộ ruột của con heo đột biến dầy lên để thích nghi nên có nhiều phèo 2 da, nói là nhiều, nhưng ước tính tại lò thời điểm đó thì 1 ngàn con chỉ có vài ba con là có, mỗi con ước lượng 1 ký. Còn hiện tại, hầu hết heo nuôi theo hình thức trại tập trung, cả chục ngàn con may ra có 1 con có 1 đoạn phèo 2 da. Mà với cái số lượng hiếm hoi như vậy, chủ lò còn chưa kịp nhìn thấy chứ nói gì có bán ra thị trường (20 năm trước tui từng bán món này giá gấp 3 lần dồi trường, sau đó vì quá hiếm nên không có để bán). Bởi vậy, bây giờ mà tui ra quán thấy món phèo 2 da là biết ngay nó là sản phẩm của pháp sư Trung Hoa, tui cũng từng mày mò học hỏi cách biến 1 cọng phèo heo bình thường thành 1 cọng phèo 2 da, nhưng vì tính chất độc hại của hoá chất xúc tác nên tui học xong mà không bao giờ làm".
Bên cạnh đó, tài khoản đầu bếp Dinh Phong Nguyen cũng nêu quan điểm tiếp theo về vấn đề này, cho rằng: "Cách biến phèo thường thành phèo hai da hay lòng se điếu giả của “pháp sư Trung Hoa” (hoặc dân gian học lỏm) gồm:
Bước 1: Chọn phèo non: Lấy đoạn lòng non mỏng, mềm, dễ định hình.
Bước 2: Ngâm phèo trong hóa chất (thường là: Chất co rút như phèn chua, chất làm se niêm mạc. Hoặc hoá chất tẩy rửa mạnh như formol pha loãng, hydrogen peroxide (H2O2) nồng độ cao. Thậm chí dùng chất gây biến tính protein như sodium sulfite).
Bước 3: Ép, xoắn hoặc se thủ công: Dùng dụng cụ xoắn nhẹ, se cuộn lại cho hai lớp niêm mạc bám dính với nhau. Đôi khi còn bơm thêm dung dịch dính dạng hồ vào giữa để tạo “da đôi”.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Sáng 6/5, chia sẻ với báo chí, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết việc quảng cáo lòng se điếu dài tới 40 mét là hành vi gian lận thương mại trong chế biến - thủ đoạn nhằm nâng giá một món ăn vốn hiếm và đắt đỏ.
Bà Lan khẳng định Sở đang tiến hành kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu để kiểm nghiệm, làm rõ liệu sản phẩm có sử dụng phụ gia hay chứa chất độc hại hay không.
"Trước đây, việc giám sát mặt hàng này chưa được đặt thành trọng tâm do Sở ưu tiên kiểm tra thịt heo và các sản phẩm phổ biến hơn", bà Lan chia sẻ.