Áp lực từ xã hội và chính mình đang đẩy nhiều bà mẹ đi làm đến giới hạn chịu đựng. Hành trình chữa lành cho những người mẹ ấy cần đến sự thấu hiểu từ gia đình, nơi làm việc và cả cộng đồng.
- Vun đắp tình yêu nước cho con từ những điều giản dị
- Những thay đổi tâm lý tuổi dậy thì: Bố mẹ cần biết để hiểu con hơn
Cái giá của niềm vui làm mẹ
Verena Hammer từng rất hạnh phúc khi biết mình mang thai. Niềm vui ấy kéo dài cho đến lúc hai đứa trẻ chào đời, nhưng rồi cô rơi vào một trạng thái trống rỗng sâu thẳm. Cô chia sẻ: “Bạn bỗng dưng phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của một con người khác và điều đó thật sự quá sức chịu đựng”.
Làm mẹ không chỉ đơn thuần là thêm việc. Mỗi ngày trở nên nặng nề hơn và khó nhất là phải thừa nhận điều đó. Cô mô tả: “Bạn bắt đầu với tâm thế sẽ có con và mọi thứ sẽ tốt đẹp, sẽ hạnh phúc. Người ta dẫn dụ bạn tin rằng chỉ cần thấy con cười là mọi mệt mỏi sẽ tan biến. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng”.
Verena từng có tiền sử trầm cảm nên cô sớm nhận ra dấu hiệu báo động. Cô kể lại: “Tôi nhận thấy mình hoàn toàn kiệt quệ, việc rời giường mỗi sáng cũng trở thành một thử thách”. Nhưng cô vẫn phải tiếp tục, vì là mẹ của một cặp sinh đôi và nhanh chóng quay lại công việc.
Để xoay xở, Verena buộc phải hi sinh nhu cầu cá nhân. “Bắt đầu từ đâu để cắt bớt mọi thứ? Trẻ con phải được chăm sóc, tôi phải đi làm, nhà cửa phải gọn gàng. Và thế là tôi bắt đầu đốt cháy mình, từng chút một. Rồi nó phản đòn”.
Khi trị liệu trở thành cứu cánh
Khi nhận ra mình không thể tự thoát ra khỏi trạng thái đó, Verena đã tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp. Cô nói: “Tôi biết mình không thể tự vượt qua, nên đã chủ động tìm đến sự giúp đỡ”.
Cô khám phá ra rằng thực sự có những nơi sẵn sàng hỗ trợ, như các trung tâm tư vấn dành cho cha mẹ. Một trong những nơi cô tiếp cận là đường dây nóng của một tổ chức phi lợi nhuận tại Đức.
Cornelia Held, nhân viên trực hotline, chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên nhận được cuộc gọi từ những người chỉ đơn giản cần ai đó để trò chuyện. Một số không có người thân bên cạnh, một số khác thì bị bệnh tâm thần hoặc cảm thấy cô đơn đến mức tột cùng”.
Cornelia nói thêm: “Đôi khi chỉ cần lắng nghe là đủ. Nhưng tổ chức của chúng tôi cũng có thể sắp xếp để người gọi nhận được tư vấn chuyên nghiệp. Một số câu chuyện thực sự khiến người nghe day dứt mãi. Và chúng tôi là những tình nguyện viên cũng cần được hỗ trợ. Đôi khi bạn sẽ tự hỏi rằng mình vừa làm đúng chưa, mình có đưa ra lời khuyên đúng không. Chúng tôi được giám sát bởi chuyên gia bên ngoài để giúp xem xét lại các ca khó khăn này”.
Trải qua quá trình trị liệu, Verena dần học cách nhìn lại bản thân, giải tỏa khỏi những kỳ vọng xã hội áp đặt lên vai một người mẹ. Cô tâm sự: “Đó là một con đường khó khăn để học cách buông bỏ bớt những đòi hỏi từ bên ngoài. Nhưng tôi chấp nhận bước vào cuộc chiến này vì tôi và vì các con”.
Hiện cô vẫn đang tiếp tục trị liệu và đã cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt. “Tôi thấy mình phản ứng bình tĩnh hơn trong nhiều tình huống. Tôi bắt đầu hiểu rõ tại sao mình hành xử như vậy và có thể nghĩ đến những cách ứng xử khác hiệu quả hơn”.
Khi nghỉ ngơi trở thành một đặc quyền
Theo nhiều chuyên gia tâm lý học, việc phục hồi tinh thần không thể chỉ phụ thuộc vào trị liệu mà còn cần sự tái thiết cuộc sống thường nhật. Một chuyên gia tại tổ chức Mindful Motherhood Training ở Berlin, Đức, nhận định: “Từ khóa ‘chánh niệm’ hiện đang phổ biến, và thực sự là một công cụ rất hữu ích”.
Chuyên gia này giải thích thêm: “Nếu bạn ngồi xuống và nhìn lại bản thân một cách nghiêm túc và tự hỏi cuộc sống thường ngày của mình thực sự trông như thế nào, mình đang làm gì suốt cả ngày thì từ đó, bạn có thể chủ động dành thời gian riêng cho mình”.
Liệu mọi nỗ lực có thể chỉ phụ thuộc vào sự thay đổi cá nhân hay không vẫn là câu hỏi lớn. Các chuyên gia cho rằng điều đó là chưa đủ. “Hệ thống kinh tế thường đặt hiệu suất lên trên sức khỏe con người và điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ lại toàn bộ cách làm việc và các sống”.
Ở nhiều quốc gia, các công ty đang bắt đầu thiết lập phòng nghỉ, cho phép nhân viên rời văn phòng sớm khi cảm thấy quá tải mà không bị đánh giá là thiếu trách nhiệm. Những bước đi ấy được thực hiện không chỉ vì lòng nhân ái mà còn vì tính bền vững.
Marianne Kruger, nhà kinh tế học tại Đại học Bremen, nhận định: “Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong GDP quốc gia. Nếu các doanh nghiệp không thay đổi cách tiếp cận với lao động nữ, nhất là những người làm mẹ, thì sẽ không dễ duy trì lực lượng lao động ổn định”.
Tại Việt Nam, theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) năm 2023, có đến 61% phụ nữ đang làm việc toàn thời gian cho biết họ thường xuyên cảm thấy kiệt sức sau giờ làm. Trong số đó, 48% là các bà mẹ có con dưới 6 tuổi.
Chị Nguyễn Minh Tâm, nhân viên marketing tại một công ty nội thất ở Hà Nội, từng bỏ việc sau khi sinh con đầu lòng. Chị kể: “Tôi cố gắng lắm rồi nhưng cảm giác như mọi thứ đang chờ tôi thất bại. Công ty không hỗ trợ gì thêm. Lúc nào cũng lo bị đánh giá nếu xin về sớm. Vừa làm việc vừa chăm con nhỏ, tôi như người vô hình”.
ThS Nguyễn Thị Như Hà, chuyên viên tư vấn tâm lý tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ: “Phụ nữ thường bị kẹt giữa kỳ vọng xã hội và kỳ vọng của chính mình. Họ luôn nghĩ mình phải giỏi việc nước, đảm việc nhà, không để ai thất vọng, kể cả bản thân”.
Làm mẹ không phải là hành trình đơn độc
Để tránh tình trạng mẹ đi làm bị kiệt sức về tinh thần, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi không chỉ ở cấp độ cá nhân và doanh nghiệp mà còn ở cả cấp độ xã hội.
Giảm định kiến về vai trò giới, tạo dựng văn hóa hỗ trợ trong gia đình đa thế hệ và bình thường hóa việc tìm đến trị liệu tâm lý là ba cột trụ giúp giải quyết khủng hoảng sức khỏe tinh thần ở phụ nữ sau sinh.
Verena chia sẻ một suy nghĩ đáng suy ngẫm: “Chúng ta thường được dạy rằng làm mẹ là thiên chức. Nhưng nếu điều đó dẫn đến việc bạn bị nhấn chìm thì đó không phải là sứ mệnh mà là sự hy sinh mù quáng. Tôi không muốn con mình lớn lên với hình ảnh một người mẹ luôn mệt mỏi và bất mãn”.
Cô chọn cách chiến đấu không phải để trở thành người mẹ hoàn hảo mà để là chính mình và để các con thấy rằng hạnh phúc không đến từ sự chịu đựng, mà đến từ sự lựa chọn tự do.