Đánh mà không hỏi lý do, bố khiến con 12 tuổi nhảy sông tự tử

Bài học làm mẹ 14/09/2019 05:00

Con gái ăn trộm tiền, bố chưa hỏi rõ nguyên nhân đã đánh mắng con, khiến cô bé Trung Quốc 12 tuổi uất ức nhảy sông.

Vụ việc vừa xảy ra tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc, khi cảnh sát vớt được thi thể của một cô bé tên Bảo Bảo. Vài ngày trước cô bé lớp 8 này đã ăn trộm tiền và bị bố phát hiện. Quá bất ngờ vì trước nay Bảo Bảo rất ngoan, người bố mắng rồi đánh khiến cô bé bỏ nhà đi và tìm đến cái chết.

Sau khi con qua đời, bố mẹ Bảo Bảo mới đau xót, ngỡ ngàng biết nguyên nhân con gái ăn trộm tiền. Các bạn cùng lớp tiết lộ, cô bé bị một số bạn đe dọa, bắt phải nộp một khoản tiền gọi là "phí bảo vệ" để không bị bắt nạt. Quá sợ hãi, lại không dám nói cho bố mẹ nên Bảo Bảo đành phải ăn trộm tiền mong đổi lại sự yên ổn.

Đánh mà không hỏi lý do, bố khiến con 12 tuổi nhảy sông tự tử - Ảnh 1

Cô bé Bảo Bảo đã kết thúc cuộc đời mình khi bị bắt nạt tại lớp học mà không thể chia sẻ cùng với bố mẹ. Ảnh: Sohu.

Khi câu chuyện được chia sẻ, nhiều người dùng mạng cho rằng có lẽ Bảo Bảo sẽ không có hành động dại dột trên nếu như cô bé chịu kể lại cho bố mẹ. Nhưng cuối cùng cô bé lại tìm chết. Đó là hệ lụy của 2 cách giáo dục sai lầm mà nhiều cha mẹ khác cũng đang mắc phải:

Không tin tưởng con cái

Nhiều cha mẹ không tin tưởng con mình, họ cho rằng mọi suy nghĩ và hành động của trẻ luôn non nớt và chưa chuẩn mực, vì thế cần phải uốn nắn nhiều. Nếu phát sinh những hành động lệch chuẩn, trẻ sẽ bị quy kết là sai trái, hư hỏng.

Việc không được lắng nghe ý kiến sẽ khiến trẻ bắt đầu cảm thấy cô độc trong chính gia đình của mình. Những rạn nứt trong tình cảm cũng bắt đầu từ đây. Một khi không được lắng nghe mà còn bị phán xét, trẻ sẽ không còn nhu cầu tâm sự với cha mẹ nữa. Từ tâm khảm, chúng lặng lẽ rời bỏ mối quan hệ khăng khít với cha mẹ mình.

Kết quả là bố mẹ cảm thấy con cái mình rất ngoan ngoãn vì không bao giờ cãi lại. Nhưng một khi trẻ gặp khó khăn vượt quá khả năng giải quyết của chúng, hệ quả thường rất bi đát. Như cô bé Bảo Bảo luôn mất niềm tin vào cha mẹ, luôn cảm thấy thiếu an toàn và cô độc. Khi gặp khó khăn, vì không tìm được ai để cầu cứu, cô bé 12 tuổi đã chọn cách kết liễu đời mình để giải quyết bế tắc.

Dạy con cam chịu thay vì phản kháng

Theo tư tưởng giáo dục phương Đông, trẻ con luôn được dạy phải khiêm tốn, ngoan ngoãn và tuyệt đối nghe lời người lớn. Cách dạy này sẽ sản sinh ra những đứa trẻ luôn cam chịu để trở nên ngoan ngoãn thay vì biết phản kháng bảo vệ mình.

Người lớn thường cho rằng có được những đứa con ngoan là điều tuyệt vời nhất, bởi vì chúng chẳng bao giờ phá phách, phản bác hay bướng bỉnh. Nhưng bên trong trẻ là những bất mãn luôn được kìm nén, những suy nghĩ mà chúng không bao giờ bộc lộ hoặc không dám bộc lộ. Ví dụ như cô bé Bảo Bảo, khi bị bạn bè bắt nạt, cô bé đã không phản kháng lại mà chỉ lặng lẽ tự giải quyết trong yên lặng. Không dám đánh lộn, không dám đấu tranh vì sợ bị đánh giá là đứa trẻ "lệch chuẩn", và rồi mọi thứ đã vượt qua sức chịu đựng của cô bé này.

Gần đây báo chí Trung Quốc đưa tin, trên một chuyến xe bus ở Nam Kinh, một người đàn ông đã giơ chân đạp một thanh niên 17 tuổi vì không được nhường chỗ mặc dù ông ta to lớn và khỏe mạnh. Điều đáng nói là thanh niên này không dám phản kháng, chỉ ngồi im lặng và chịu trận. Nguyên nhân của thái độ đó chính là ảnh hưởng bởi sự giáo dục luôn khiêm tốn, ngoan ngoãn và không cãi người lớn. Vì thế dù người lớn có hành xử thiếu chuẩn mực, thanh niên này cũng không dám chống lại.

Đánh mà không hỏi lý do, bố khiến con 12 tuổi nhảy sông tự tử - Ảnh 2

Người đàn ông đã giơ chân đạp cậu học sinh 17 tuổi vì không nhường chỗ. Cậu bé chỉ ngồi chịu trận và không biết phản kháng. Ảnh: Sohu.

Với 2 cách nuôi dạy trên, bố mẹ cần nhìn lại để có thể điều chỉnh ngay từ bây giờ. Khi giáo dục trẻ chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn nhưng quan trọng là luôn phải tin tưởng con mình. Nếu trẻ được chia sẻ, được lắng nghe, chúng sẽ mở lòng với cha mẹ hơn bởi cảm thấy có được chỗ dựa vững chắc. Đồng thời, cha mẹ cũng cần phải giáo dục con cái khi bản thân bị đe dọa, hãy biết phản kháng. Cách tự vệ có thể là né tránh tình huống đánh nhau, hoặc là chống trả dù mình yếu hơn, hoặc đơn giản chỉ là hét to để bạn biết được là mình không sợ hãi và sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ. Đây là cách dạy con tự bảo vệ mình khi bị bắt nạt mà không phải là dạy con chủ động đánh bạn.

Con bị cô đánh, bố mẹ gặng hỏi thì bất ngờ trước nguyên nhân sâu xa

Từ câu chuyện dưới đây, nhiều bậc phụ huynh bàn luận về chủ đề: Đâu là thời điểm cần giáo dục giới tính cho trẻ?

TIN MỚI NHẤT