Gen Z, đặc biệt là phụ nữ, đang thể hiện một thái độ ngày càng dửng dưng với chuyện yêu đương và tình dục theo khuôn mẫu truyền thống.
- Chính phủ quy định các nhóm đối tượng không phải chịu thuế VAT từ 1/7
- Hiệu ứng Spotlight: Sự thật, không ai để ý đến bạn nhiều như bạn nghĩ!
Với họ, tình bạn, sự nghiệp và tự do cá nhân quan trọng hơn việc tìm kiếm một mối quan hệ ràng buộc. Sự thay đổi này không chỉ phản ánh xu hướng sống mới, mà còn cho thấy nhận thức ngày càng rõ ràng của phụ nữ trẻ về bất bình đẳng giới và quyền tự chủ trong đời sống tình cảm.
Theo Tạp chí Tatler (Anh), xu hướng này không chỉ đang tái định nghĩa khái niệm về tình yêu, mà còn đặt ra những thách thức lớn với các vai trò giới đã ăn sâu bám rễ trong xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự thay đổi này là kết quả của nhận thức mới – đặc biệt ở phụ nữ – về quyền tự chủ, sự bình đẳng và nhu cầu được sống thật với chính mình.
Ý nghĩa của tình yêu luôn là chủ đề tốn không ít giấy mực của các triết gia và nghệ sĩ. Nhưng với Gen Z, thậm chí sự tồn tại của tình yêu cũng đang bị đặt dấu hỏi.
Họ có xu hướng phân loại và tái định nghĩa mọi khái niệm – từ “nanoship” (mối quan hệ thoáng qua) đến “boy sober” (tỉnh táo trước đàn ông) – những thuật ngữ viral trên TikTok phản ánh một thực tế: ngày càng nhiều người trẻ chọn sống độc thân, kết nối hời hợt và tránh né sự ràng buộc về cảm xúc.
Dù mang tính trào phúng, việc dán nhãn như vậy cho thấy một sự thật đáng chú ý: Gen Z kém mặn mà với tình yêu và tình dục theo kiểu truyền thống.
Từ đầu những năm 2000, các nghiên cứu đã ghi nhận một xu hướng rõ rệt: thế hệ Millennials (Gen Y) quan hệ tình dục ít hơn các thế hệ đi trước. Nay, đến lượt Gen Z, tỷ lệ này tiếp tục sụt giảm mạnh mẽ.
Theo khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) năm 2021, chỉ 30% người thuộc Gen Z từng quan hệ tình dục – giảm 17% so với thế hệ trước đó. Một nghiên cứu của Viện Kinsey cũng cho thấy, có đến một phần tư Gen Z trưởng thành chưa từng quan hệ tình dục.
Không chỉ giảm hứng thú với đời sống tình dục thực tế, giới trẻ còn thay đổi cả cách tiêu thụ văn hóa. Năm 2023, một nghiên cứu của Đại học UCLA phát hiện rằng Gen Z muốn thấy ít cảnh “nóng” hơn trên phim ảnh, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc hơn đến tình bạn, sự kết nối thuần khiết và cảm xúc an toàn.

Những chuyển biến này, theo các chuyên gia, bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa: sự bất bình đẳng giới kéo dài và cách phụ nữ bị bóp méo hình ảnh trong văn hóa đại chúng.
Từ phim ảnh, âm nhạc cho tới quảng cáo, phụ nữ thường xuyên bị gán với những vai trò thiển cận, lệ thuộc và phục vụ ánh nhìn nam giới – điều mà nhiều người trẻ, đặc biệt là phụ nữ Gen Z, đang tích cực lên tiếng và phản kháng.
Không cần tình yêu để được công nhận
Theo Tiến sĩ Sonia Wong, giảng viên nghiên cứu giới tại Đại học Trung Quốc, trong quá khứ, việc phụ nữ gắn bó với một mối quan hệ – dù không hẳn vì tình yêu – là điều dễ hiểu.
Khi đó, hôn nhân mang lại sự đảm bảo về tài chính và sự công nhận của xã hội. Nhưng ngày nay, "những điều đó không còn phụ thuộc vào đàn ông nữa."
Sự trỗi dậy của phong trào bình đẳng giới, cùng với mạng lưới kết nối ngày càng vững chắc giữa phụ nữ – đặc biệt là trong thế hệ Gen Z – đang giúp nhiều người nhận ra: các mối quan hệ theo lối truyền thống không phải lúc nào cũng là chốn bình yên, mà đôi khi chính là nơi sản sinh những động lực quyền lực bất cân xứng, bất lợi cho phụ nữ.
“Việc phá vỡ những động lực ấy đòi hỏi rất nhiều tâm sức. Nhưng nhiều phụ nữ Gen Z đang chọn tự do khỏi những ràng buộc đó hơn là đánh đổi,” bà Wong nhận định.
Với Kaitlin Chan – họa sĩ truyện tranh kiêm giám đốc phòng trưng bày tại Hồng Kông – vấn đề còn nằm ở cách phụ nữ bị khuôn mẫu hóa trong văn hóa đại chúng. Từ lâu, các câu chuyện về phụ nữ thường xoay quanh tình yêu và ham muốn tình dục, qua đó duy trì cái nhìn một chiều từ lăng kính nam giới.
“Phụ nữ ngoài đời có rất nhiều khía cạnh. Nhưng trên phim ảnh, họ chỉ quanh quẩn trong bốn mẫu hình: hay cằn nhằn, buồn bã và độc thân, là mẹ hoặc vợ của ai đó,” Chan nói. “Tôi không biết người phụ nữ nào trong đời mình phù hợp với những khuôn mẫu này. Và chẳng ai sống chỉ để tìm đàn ông.”
Tỷ lệ sinh thấp ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và cả Việt Nam là một minh chứng rõ ràng cho việc phụ nữ ngày càng ngại yêu, ngại kết hôn. Dù các chính phủ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, thực tế cho thấy: phụ nữ không nhất thiết muốn “có tất cả” – và nếu có, hệ thống hiện tại chưa đủ khả năng đáp ứng điều đó theo cách họ mong muốn.
Trong quá khứ, xã hội đã cố tình làm phức tạp hóa tình bạn giữa phụ nữ. Theo Tiến sĩ Sonia Wong, hệ thống đó ngăn cản phụ nữ giao lưu với nhau, buộc họ phải cạnh tranh để giành lấy sự chú ý và hỗ trợ từ đàn ông – từ đó đẩy nhiều người vào trạng thái cô lập sâu sắc.
Không chỉ vậy, văn hóa đại chúng – vốn phần lớn được kiến tạo bởi các đạo diễn và nghệ sĩ nam – cũng góp phần duy trì định kiến này, khi thường xuyên khắc họa tình bạn giữa phụ nữ như những mối quan hệ trẻ con, hời hợt và thiếu chiều sâu.
“Chúng tôi gần như không có một hình mẫu đáng tin cậy nào để học cách xây dựng một tình bạn nữ lành mạnh,” bà Wong chia sẻ.
Nhưng giờ đây, ở nhiều quốc gia, các cộng đồng đề cao tình bạn giữa phụ nữ đã và đang hình thành – trở thành nơi họ được kết nối, hỗ trợ lẫn nhau, phát triển kinh doanh, chăm sóc sức khỏe tinh thần và nuôi dưỡng quyền tự chủ.
Sự thay đổi này phản ánh một xu hướng rõ ràng: từ cô lập đến kết nối, từ cạnh tranh đến hợp tác. Chính điều đó đang trao quyền cho từng cá nhân – và cho cả cộng đồng phụ nữ – để họ trở nên mạnh mẽ, độc lập và chủ động hơn bao giờ hết.