'Thấy cụ già co ro, kiệt sức giữa nước lũ, em lao xuống cứu cụ thôi'

Xã hội 04/08/2019 22:04

Phạm Bá Huy (26 tuổi) - người đã lao xuống dòng nước lũ trên sông Luồng ở huyện vùng cao, biên giới Thanh Hóa cứu người, rồi lại tự giải cứu cho mình khỏi nguy hiểm - đã chia sẻ như vậy.

'Thấy cụ già co ro, kiệt sức giữa nước lũ, em lao xuống cứu cụ thôi' - Ảnh 1

Chàng trai Phạm Bá Huy kể lại chuyện cứu người chiều 3-8 - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Sáng 4-8, gặp chúng tôi ngay tại nơi làm việc trong xưởng chế biến lâm sản ở bản Hiềng, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Phạm Bá Huy (26 tuổi, quê bản Nhài, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) nở nụ cười tươi rói, vui vẻ kể lại hành động cứu người của mình.

Theo Huy, ngày 3-8, anh đi làm ở xưởng chế biến lâm sản tại bản Hiềng như mọi ngày. Đến khoảng 8h sáng, nghe có tiếng kêu cứu ngoài phía bờ sông Luồng.

Nơi làm việc của Huy gần sông Luồng nên anh liền chạy ra xem có chuyện gì. Lúc đó, ngoài bờ sông có rất đông người là cán bộ xã, lực lượng chức năng đang tìm mọi cách để cứu ông Lương Văn Chon (bản Xa Ná, xã Na Mèo) đang bị mắc kẹt trên ngọn cây giữa dòng nước lũ sông Luồng.

Nước sông chảy xiết, dâng cao đột biến do nước từ thượng nguồn đổ về.

Lực lượng chức năng của huyện đưa ra nhiều phương án để ra giữa sông cứu ông Chon. Nhưng khi đó trang thiết bị chuyên dụng cho việc cứu hộ, cứu nạn tại chỗ thiếu thốn, mà lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp của tỉnh Thanh Hóa chưa đến hiện trường ứng cứu kịp.

Sau một hồi suy nghĩ, Huy quyết định đem dụng cụ cứu hộ bơi ra sông Luồng để cứu ông Chon.

"Sau nhiều giờ ngâm trong nước lũ, tôi thấy ông Chon co ro, run bần bật trên ngọn cây đong đưa yếu ớt, nguy hiểm trong dòng nước lũ đang dâng cao, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.

Khoảng 13h30, tôi quyết định xin lực lượng chức năng của huyện để tôi bơi ra cứu ông Chon. Tôi mặc áo phao, buộc hai can nhựa vào người, dùng sợi dây cáp nối với cột điện trên bờ, rồi túm dây cáp, đem thêm áo phao, can nhựa bơi ra sông cứu ông Chon.

Nước sông Luồng chảy cuồn cuộn, tôi dùng mọi kỹ năng bơi lội để tiếp cận chỗ ông Chon mắc kẹt nhanh nhất. Khi bơi đến chỗ ông Chon, tôi thấy người ông tím tái, nhiều thương tích và gần như kiệt sức.

Tôi nhanh chóng mặc áo phao, cột can nhựa và người ông Chon, rồi nối đầu sợi dây cáp vào thiết bị cứu hộ buộc quanh người ông Chon, để lực lượng trong bờ vừa kéo đầu dây cáp, tôi vừa bơi đẩy ông Chon vào bờ an toàn".

'Thấy cụ già co ro, kiệt sức giữa nước lũ, em lao xuống cứu cụ thôi' - Ảnh 2

Phạm Bá Huy tại nơi anh làm việc ở xưởng chế biến lâm sản, bản Hiềng, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Huy cho biết thêm khi ông Chon được đưa ào bờ, đúng lúc nước sông Luồng lại dâng cao, chảy xiết hơn làm đứt dây cáp, nước lũ đẩy anh vào... đúng chỗ ngọn cây mà ông Chon mắc kẹt lúc sáng.

Đu bám trên ngọn cây giữa dòng nước lũ suốt gần 4 tiếng đồng hồ, anh Huy nhiều lần muốn nhảy xuống dòng nước lũ để tự cứu mình. Nhưng tiếng loa phóng thanh của lực lượng chức năng trên bờ luôn nhắc anh là không nên tự lao xuống sông bơi vào bờ vì lúc đó nước sông chảy xiết, nhiều khúc gỗ, gốc cây lớn đổ về sẽ đe dọa đến tính mạng.

"Ngồi trên ngọn cây đung đưa nguy hiểm giữa dòng nước lũ, tôi không sợ nguy hiểm đến tính mạng vì tôi bơi tốt, có sức khỏe. Sau gần 4 tiếng đồng hồ mắc kẹt giữa sông, trời càng ngày càng muộn, nước sông vẫn dâng cao, chảy xiết, cạnh chỗ tôi mắc kẹt lại có một cây gỗ lớn sắp bật gốc, có thể đổ ập vào người tôi bất cứ lúc nào.

Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến vợ và con gái, có mệnh hệ gì thương vợ con vất vả. Lúc khoảng 18h10, tôi quyết định lao xuống dòng nước lũ, dùng hết sức lực bơi theo hướng nước chảy về phía hạ lưu sông Luồng.

Sau đó, tôi đã cập vào bờ an toàn, cách hiện trường bị mắc kẹt trên cây khoảng 400m. Tối 3-8, tôi được người dân ở bản Bo, xã Na Mèo nấu cơm cho ăn. Đến sáng 4-8, tôi lại qua sông Luồng về xưởng làm việc bình thường", anh Huy chia sẻ khi nhiều người dân địa phương đến chúc mừng anh có hành động dũng cảm cứu người.

'Thấy cụ già co ro, kiệt sức giữa nước lũ, em lao xuống cứu cụ thôi' - Ảnh 3

Phạm Bá Huy trao đổi với phóng viên về hành động dũng cảm cứu người chiều 3-8 - Ảnh: BÌNH AN

Ghi nhận hành động dũng cảm cứu người của anh Phạm Bá Huy, sáng 4-8, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và Huyện ủy, UBND huyện Quan Sơn đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho Huy số tiền 10 triệu đồng.

Phòng chức năng của UBND huyện Quan Sơn đang làm quy trình để tặng giấy khen cho Huy.

Bão số 3: Tưởng nhẹ mà thiệt hại không nhẹ

Đã có 1 người chết, 13 người mất liên lạc do mưa lũ, hệ quả của cơn bão số 3.

TIN MỚI NHẤT