Bác sĩ dẹp phòng mạch tư để tư vấn miễn phí cho trẻ em

Xã hội 10/04/2015 21:20

“Xin lỗi vì phiền bác sĩ, nhưng chỗ tôi sống không có bác sĩ, bệnh viện, hiệu thuốc mà chỉ có mỗi mạng internet. Con tôi 10 tháng tuổi, ho nhiều, khò khè, xổ mũi xanh. Bác sĩ khuyên giúp, với triệu chứng trên có cần thiết tôi phải đưa bé vượt vài trăm cây số về TP.HCM khám hay tự điều trị tại nhà cũng được?…”, một bà mẹ gọi điện cầu cứu.

Thôi thúc từ tình thương trẻ

Cú điện thoại từ một phụ nữ từ vùng hẻo lánh tận Đắc Lắc đã thôi thúc bác sĩ Trương Hữu Khanh ý tưởng phải làm gì đó góp sức cho cộng đồng.

Bởi ông nhận ra rằng, nhu cầu thông tin về nhận biết bệnh tật, chăm sóc trẻ rất lớn. Và thế là một ngày cuối tháng 3, bác sĩ Khanh đã quyết định dẹp phòng mạch tư, lập facebook trả lời tư vấn miễn phí cho người dân.

Mới hoạt động chừng chục ngày nhưng trang facebook “Hỏi bác sĩ nhi đồng” của bác sĩ Khanh đã có tới 4000 lượt quan tâm, gần 1000 câu hỏi được gửi về.

Bác sĩ dẹp phòng mạch tư để tư vấn miễn phí cho trẻ em - Ảnh 1
Chú thích ảnh: Bác sĩ Trương Hữu Khanh, ảnh: Bảo Trâm.

Khi được hỏi tại sao lại hy sinh thời gian kiếm tiền ở phòng mạch tư cho một việc miễn phí như vậy, vị bác sĩ bình thản đáp: “Bắt nguồn từ thực tế thôi. Trong lúc tôi đang khám bệnh thường xuyên nhận được tin nhắn, điện thoại nhờ giải đáp. Hoặc bản thân tôi thấy cách chăm sóc bệnh nhi của phụ huynh là sai nhưng không có thời gian để giải thích, nhắc nhở. Những chương trình giao lưu về bệnh tật trên báo đài tốt đấy nhưng lại bị giới hạn về thời lượng, chủ đề, trong khi nhu cầu được cung cấp thông tin của người dân thì nhiều quá…”

Bác sĩ Khanh nhận ra rằng nếu thấy phụ huynh sai lầm trong chăm sóc con cái mà ta không cảnh báo sẽ vô cùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, thời buổi thông tin y tế nhiều như hiện nay, muốn mọi người chọn lọc, hiểu đúng thì phải có sự định hướng.

Ban đầu bác sĩ Khanh định lập ra trang web, nhưng lại thấy khó tiếp cận và có phần dài dòng. Từ đó ông quyết định thông qua mạng xã hội, với các chủ đề dân dã, lời lẽ ngắn gọn, súc tích để ai cũng có thể hiểu và tham gia.

Mỗi tối, thay vì đi làm phòng mạch tư, vị bác sĩ nhiễm nhi ngồi trên máy tính trả lời các câu hỏi trên facebook. Ông cố gắng mỗi tối trả lời khoảng trên dưới 10 câu hỏi. Có những vấn đề ngoài chuyên môn, bác sĩ Khanh tìm tòi thêm từ sách vở, tham vấn đồng nghiệp.

“Làm như thế vừa giúp được cho các cháu, bản thân mình lại trau dồi thêm kiến thức y khoa, tốt chứ sao!”, bác sĩ Khanh nói.

Nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ

Trên trang “Hỏi bác sĩ nhi đồng” vấn đề được phụ huynh quan tân nhiều nhất là bệnh hô hấp, dinh dưỡng và tiêm chủng cho trẻ.

Cũng có những câu hỏi về cách chăm sóc trẻ rất đơn giản đến các bệnh lý thần kinh, phẫu thuật ngoại khoa phức tạp.

Một phụ huynh có nick name Ngoc Hiep gửi câu hỏi: “Bác sĩ cho em hỏi bé nhà em nay 16 tháng. Bé có thể bổ sung chai aquadetrim vitamin D3 được không ạ. Bé đang bị ho sổ mũi em cho bé uống siro prospan và nhỏ nmsl hút mũi, bé ho có đàm. Bữa giờ em không cho uống thuốc chỉ uống siro thôi. Thấy bé khò khè chưa khỏi bác sĩ ơi…”

Ngay lập tức bác sĩ Khanh đã hồi đáp vô cùng súc tích, dễ hiểu: “Vitamine D3 bổ sung được nhưng phải theo toa, thường ho cảm tự lo ở nhà cũng được nhưng 3 ngày không bớt hay thở nhanh, thở mệt thì phải đi khám.”

Hoặc các vấn đề về bệnh hô hấp được phụ huynh có nick name Rubi Bui quan tâm: “Chào bác sĩ, cháu nhà em bị có đờm, xổ mũi và ho. Em có cho cháu uống thuốc theo toa bác sĩ rồi ạ. Sau đó thấy cũng đỡ nhưng về đêm ho nhiều hơn ban ngày. Như vậy em có nên đưa bé đi khám nữa không bác sĩ, làm cách nào để giúp bé hết đờm?”

Bác sĩ Khanh đã hướng dẫn: “Đêm ho nhiều coi chừng nghẹt mũi, thở há miệng nên ho. Nhỏ mũi, nằm đầu cao một xí. Uống nước đủ cũng giúp loãng đàm đó. Lần sau hỏi nên cho biết bé mấy tháng, tốt nhất là đi tái khám…”

Bác sĩ Khanh còn lưu ý phụ huynh những thứ tưởng chừng rất đơn giản trong chăm sóc trẻ nhưng chưa hẳn ai cũng biết: “Một người mẹ mang con đến khám với tâm trạng lo lắng vì bé bị da vàng, vùng vàng nhất trên khuôn mặt, vẫn bú ngủ, chơi đùa bình thường. Nguyên nhân không gì ngoài việc mẹ cho bé ăn nhiều cà rốt hay bí đỏ. Dư carotene đó mà. Carotene là tiền chất của vitamine A. Khi dư sẽ ngấm ra da. Đổi qua ăn rau xanh, da sẽ giảm vàng dần…”

Bác sĩ Trương Hữu Khanh tốt nghiệp Đại học Y khoa TP.HCM chuyên khoa Nhiễm nhi năm 1988. Từ khi ra trường tới nay ông làm việc tại khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ông giữ chức vị trưởng khoa hơn chục năm qua, luôn được yêu quý bởi giỏi chuyên môn và là người đức tính tốt bụng, thẳng thắn và đơn giản.

Bài: Bảo Trâm

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT